Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024

Tiêu điểm \

Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin ở các trường đại học: Kinh nghiệm Việt Nam và Trung Quốc”

11:16 13-12-2023
Sáng 11/12, tại nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin ở các trường đại học: Kinh nghiệm Việt Nam và Trung Quốc”.

 Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Thuỳ Trang)

Tham dự Hội thảo có GS. TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS. TS Mai Đức Ngọc - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường - Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS. TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng sự góp mặt của các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương; các nhà khoa học, giảng viên lý luận chính trị đến từ các trường đại học Việt Nam và Trung Quốc.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: Thuỳ Trang) 

Hội thảo tập trung chủ yếu vào việc áp dụng và hiểu đúng nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin sao cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng quốc gia, với mục tiêu cuối cùng là xây dựng một xã hội chủ nghĩa dân giàu, quốc gia dân chủ, công bằng, văn minh, nơi quyền lực thuộc về nhân dân.

Hội thảo sôi nổi với các chia sẻ từ những nhà khoa học, đem tới nhiều định hướng, đề xuất hiệu quả. (Ảnh: Thùy Trang) 

Thảo luận tại Hội thảo, nhiều đại biểu đưa ra ý kiến: Đội ngũ giảng viên được đầu tư vào quá trình bồi dưỡng và cập nhật kiến thức liên quan đến lý luận Mác - Lênin cũng như các môn khoa học chính trị khác. Họ thường xuyên tham gia các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn, và trao đổi với cộng đồng khoa học cả trong và ngoài nước. Phần lớn giảng viên thể hiện trách nhiệm và nhiệt huyết trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị.

Vấn đề được đặt ra là làm sao để tổ chức và bố trí đội ngũ cán bộ và giảng viên chuyên ngành lý luận chính trị cho phù hợp với yêu cầu của thực tế, đồng thời đảm bảo đủ phẩm chất và năng lực để đối mặt với những yêu cầu và nhiệm vụ chung trong quá trình đào tạo. Chất lượng đội ngũ giảng viên ngày càng được tiêu chuẩn hóa, đồng thời được trang bị kinh nghiệm, trong đó nhiều giáo sư và phó giáo sư hàng đầu thường xuyên tham gia trực tiếp trong việc giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học.

GS, TS. Trần Văn Phòng, Nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham luận về chủ đề: “Cách thức giải quyết mâu thuẫn giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam”. (Ảnh: Thùy Trang)

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số thách thức và hạn chế trong công tác nghiên cứu và giảng dạy về chủ nghĩa Mác - Lênin tại các trường đại học ở Việt Nam và Trung Quốc. Cụ thể, nhận thức về ý nghĩa và sự cần thiết của việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo còn chưa thực sự đồng đều trong các cấp ủy, tổ chức Đảng, và ban lãnh đạo trường đại học. Công tác nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin còn hạn chế về sâu rộng và không đáp ứng đúng mức với thay đổi trong tình hình thế giới, khu vực, và trong nước.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia tích cực với 85 bài tham luận và 7 báo cáo được trình bày, cùng với nhiều ý kiến thảo luận sâu sắc và trách nhiệm từ các đồng chí lãnh đạo và nhà khoa học tại hội trường.

PGS. TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu bế mạc tại Hội thảo. (Ảnh: Thùy Trang) 

Trong bài phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS. TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã khẳng định rằng: “Các mô hình hay, bài học kinh nghiệm sâu sắc, cùng với những đề xuất và giải pháp có giá trị cao được trình bày trong Hội thảo sẽ là cơ sở để Học viện Báo chí và Tuyên truyền xây dựng kiến nghị đến Đảng và Nhà nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, và các cơ quan quản lý, nhằm lãnh đạo và chỉ đạo công tác nghiên cứu, giảng dạy về chủ nghĩa Mác - Lênin ở các trường đại học trong thời gian sắp tới”.

Thuỳ Trang - Báo In K41

Phản hồi