Danh mục Thứ Sáu, 20/09/2024

Tiêu điểm \

Gen Z chốn công sở: Căng thẳng và khó hòa hợp

14:07 13-12-2023
Mỗi thế hệ đều mang đến một làn gió mới cho môi trường công sở. Tuy nhiên, Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2012) lại gặp khó khăn và thường xuyên căng thẳng trong công việc.

Thế hệ Z “giao tiếp kém, không giỏi lắng nghe”

Mặc dù thế hệ Gen Z mới tham gia thị trường lao động,nhưng họ đã gặp phải đánh giá tiêu cực tại chốn văn phòng. Theo khảo sát của Ernst & Young với 1.300 nhà quản lý, 3 trong số 4 người được hỏi cho rằng Gen Z khó làm việc chung với các thế hệ khác, và trên 65% nhà tuyển dụng báo cáo việc sa thải nhân viên Gen Z nhiều hơn bình thường, Đồng thời, khảo sát cũng chỉ ra 1 trên 8 người thuộc thế hệ Gen Z quyết định rời bỏ công việc sau chưa đầy một tuần.

Gen Z nằm trong độ tuổi còn trẻ, sở hữu cái tôi lớn và cá tính tương đối mạnh. Họ không chỉ có lý do và quan điểm để bảo vệ hành động của mình mà còn là một thế hệ linh hoạt, sẵn sàng chấp nhận ý kiến khác. Gen Z tự nhận thức về quá trình học tập của mình và luôn mở đầu cho “tranh luận” hơn là “cãi” với mục tiêu tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho tình huống hiện tại.

Gen Z là thế hệ lao động kế cận trực tiếp của xã hội. (Ảnh: Internet) 

Nhưng các nhà quản lý lại không nghĩ như vậy. Chị Nguyễn Hằng, quản lý một thương hiệu thời trang tại Hà Nội chia sẻ: “Các bạn Gen Z khá kém trong việc giao tiếp và lắng nghe, đặc biệt là lắng nghe ý kiến của các anh, chị có kinh nghiệm làm việc lâu hơn mình. Các bạn thường sẽ chọn cách phản biện trước, và thường cho rằng quan điểm của mình là đúng".

Phần lớn Gen Z có thời gian học tập và trưởng thành trong điều kiện vật chất tương đối đầy đủ, cũng như sự tiếp nhận và du nhập của các nền văn hóa khác nhau, nên các bạn trẻ gặp khó khăn trong việc nhận thức một cách rõ ràng mối quan hệ làm việc giữa quản lý - nhân viên hay “người đi trước” - “thế hệ đi sau”.

Bạn Cao Minh Huệ (Quận Ba Đình, Hà Nội) - một nhân viên Gen Z chia sẻ: “Trong công ty, mình là người trẻ nhất, đôi khi mình rất khó giao tiếp với các anh chị lớn tuổi hơn làm cùng, cũng khó để có thể nói lên được ý kiến của mình trong các buổi họp có sự góp mặt của lãnh đạo công ty. Nhiều khi mình muốn trình bày một vấn đề nào đó, nhưng các anh chị đều cho là “còn non”, thiếu kinh nghiệm”.

Áp lực công việc khiến Huệ càng ngại giao tiếp hơn. (Ảnh: NVCC) 

Áp lực thế hệ cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên sự “căng thẳng” với công việc của Gen Z. Người lớn thường có xu hướng “đơn giản hóa” những khó khăn mà thế hệ trẻ gặp phải, vì kinh nghiệm cũng như vị trí làm việc cho phép các thế hệ đi trước giải quyết vấn đề công việc thuận lợi hơn. Các bạn trẻ của thế hệ Z tuy có điều kiện tốt hơn song luôn phải chịu áp lực cạnh tranh, áp lực trang lứa: phải học giỏi, có cá tính, ăn mặc đẹp, thu nhập cao,...

Khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Một ngày của Nguyễn Hữu Phúc (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bắt đầu với việc học tập ở trên trường Đại học. Hết giờ, Phúc lại đến công ty để làm việc.“Nhiều khi mình chỉ muốn nghỉ việc, để chuyên tâm vào những việc khác như học hành, dành thời gian cho gia đình,... Nhưng nghĩ lại, thấy nhu cầu của bản thân ngày càng nhiều, nên vẫn cố gắng đi làm dù có mệt mỏi, vất vả".

Dù bận rộn nhưng Phúc vẫn cố gắng làm việc mỗi ngày. (Ảnh: NVCC) 

Lê Kim Khánh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ về áp lực khi phải vừa đi học, vừa đi làm: “Đôi lúc mình đang ngồi làm việc trên công ty nhưng tâm trạng thì không vui nổi vì nhiều bài tập, deadline cần giải quyết ngay trong ngày lại chưa thể hoàn thành. Điều đó vô tình làm ảnh hưởng đến cả việc học lẫn chất lượng công việc của mình”.

Trước quyết định giữa việc ổn định công việc và đạt được sự cân bằng trong cuộc sống, Khánh chia sẻ rằng cô đã quyết định xin nghỉ việc: “Một thời gian sau mình thấy rất áp lực vì cả hai đầu công việc nên đã lựa chọn xin nghỉ hẳn làm thêm để tập trung vào việc học”. 

Khánh đã tự thưởng cho mình một chuyến du lịch sau quãng thời gian “chạy đua” với công việc. (Ảnh: NVCC) 

Đích đến không dừng lại ở việc đạt được mục tiêu nghề nghiệp mà còn bao gồm xây dựng cuộc sống ý nghĩa và lành mạnh. Người trẻ ngày nay không chỉ tập trung vào sự phát triển chuyên môn mà còn quan trọng là duy trì sự ổn định và hài lòng cá nhân, đồng thời đảm bảo sự nghiệp không ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.

Bảo Long - Báo in K41

Phản hồi