Danh mục Thứ Ba, 22/10/2024

Tiêu điểm \

Livestream bán hàng - Lợi nhuận khổng lồ đi kèm áp lực

16:00 10-11-2023
Livestream bán hàng (hay còn gọi là bán hàng qua các buổi phát sóng trực tiếp) ngày nay đã trở thành xu hướng trên các sàn thương mại điện tử. Hình thức bán hàng này đã đem đến những doanh thu trăm triệu thậm chí tiền tỷ cho các cửa hàng. Nhưng đằng sau những phiên phát sóng trực tiếp ấy lại là những mặt tối mà người phát sóng phải gánh chịu.

Sự cạnh tranh khốc liệt

Việc livestream (phát sóng trực tiếp) bán hàng bắt đầu nở rộ từ năm 2018 với những phiên phát sóng quy mô nhỏ trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada,... sau đó dần phát triển và trở thành một xu thế. Với chi phí thấp nhưng đem lại lợi nhuận cực cao, đây là “mảnh đất màu mỡ” để nhiều cửa hàng dần chuyển sang bán hàng bằng cách phát sóng trực tiếp. Họ rao bán từ quần áo, mỹ phẩm, giày dép cho đến những vật phẩm có giá trị cao như thực phẩm chức năng, phương tiện đi lại.

Theo thống kê của Ecomobi - một nền tảng hỗ trợ bán hàng qua mạng xã hội (Social Selling Platform - SSP), livestream tăng 72,4% trong khoảng thời gian từ 2018 đến 2019 và tiếp tục tăng lên 99% từ tháng 4 năm 2019 đến tháng 4 năm 2020. Điều này tạo nên sự cạnh tranh cao trong việc giữ chân người xem của các cửa hàng. Người live không ngừng nghĩ ra những hình thức để bất chấp tăng lượt xem - minh chứng cho một buổi phát sóng thành công. Thu hút được nhiều người quan tâm chính là tăng khả năng chốt đơn, đem đến lợi nhuận khổng lồ cho người bán hàng.

Trước thực tế nhiều phiên live được tổ chức như hiện nay, bên cạnh lợi nhuận khổng lồ, đi kèm đó là bài toán níu chân người mua hàng. Phổ biến là những thử thách “Livestream xuyên suốt 24 giờ” hay những “Deal sốc, giá hời chỉ với 1.000 đồng”, người live nghĩ ra vô vàn cách để cạnh tranh giữa thị trường bán hàng online chưa bao giờ hạ nhiệt. Họ phải làm việc trong một thời gian dài với cường độ công việc lớn và căng thẳng, không có thời gian nghỉ ngơi.

Đãi ngộ hậu hĩnh thu hút lượng lớn nhân lực là sinh viên

Nhu cầu bán hàng bằng cách phát trực tuyến tăng mạnh kéo theo tỷ lệ việc làm đứng dẫn livestream tăng một cách đáng kể. Không khó để tìm kiếm một bài đăng tuyển dụng vị trí livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Thu nhập cao cùng với thời gian làm việc linh động đã thu hút một lượng lao động lớn đó là học sinh, sinh viên. 

Chia sẻ với phóng viên, bạn Nguyễn Thị Duyên (22 tuổi, Hà Nội) cho biết, công việc livestream bán hàng giúp bạn kiếm được từ 10 đến 15 triệu đồng một tháng. So với các bạn đồng trang lứa, thu nhập mà Duyên có được từ công việc này có phần cao hơn. Dần dần, thời gian làm việc của bạn kéo dài hơn, lương thưởng nhận được cao hơn gấp nhiều lần hơn so với mức lương khởi điểm.

Với lợi thế nhan sắc và vóc dáng, bạn Duyên lựa chọn livestream bán quần áo như một công việc làm thêm "hái ra tiền". (Ảnh: NVCC)

Phỏng vấn bạn Anh Sơn (20 tuổi, Hà Nội) hiện đang làm công việc livestream bán hàng cho một cửa hàng trang sức tại Hà Nội, bạn chia sẻ: “Từ khi bắt đầu công việc này, cuộc sống của mình đã thay đổi rất nhiều, không chỉ kiếm được thêm thu nhập, mình còn học được thêm nhiều những kỹ năng mới như dựng bối cảnh, tư duy về hình ảnh”.

Đằng sau bức tranh màu hồng về lương thưởng

Vấn đề sức khỏe chính là thứ đầu tiên mà những người làm nghề bán hàng livestream đang phải đối mặt. “Khi live với cường độ thấp thì không quá ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng khi tăng cường độ live từ 3 tiếng lên 6 tiếng, lúc đấy mình gần như bị ngợp và bị mất giọng hơn 4 tháng”, bạn Duyên chia sẻ. Theo chẩn đoán của bác sĩ, đứng live và nói liên tục trong nhiều giờ như vậy, Duyên đã bị viêm họng cấp tính, dày dây thanh quản có khả năng sẽ phát triển thành u xơ.

Qua kết quả nội soi, Duyên được chẩn đoán viêm họng thanh quản cấp sau khoảng thời gian dài làm công việc này. (Ảnh: NVCC)

Cái giá phải trả đằng sau mức lương đầy hứa hẹn và hấp dẫn ấy, bên cạnh sức khỏe còn là những mối quan hệ xung quanh. Một ngày chỉ được ngủ từ 3 - 4 tiếng khiến cho cơ thể chưa kịp phục hồi, dẫn đến sức tập trung bị ảnh hưởng, việc học kéo theo đó cũng bị trì trệ. Cân bằng giữa việc học và đi làm là bài toán khó, đặt ra một thách thức lớn cho những bạn đang làm công việc này. “Dù khi tới lớp mình hơi mất tập trung, không còn thời gian cho những mối quan hệ khác nhưng mình nghĩ mình vẫn sẽ gắn bó với công việc này thêm một thời gian nữa vì nó đem đến thu nhập rất tốt”, bạn Sơn kể thêm. 

Theo tư vấn từ các bác sĩ về tai mũi họng tại Hà Nội, người làm công việc livestream nên đi khám định kỳ nội soi tai mũi họng và đo hoạt nghiệm thanh quản để chẩn đoán có tổn thương dây thanh không. Ngoài ra, người live nên kết hợp các khoảng nghỉ hợp lý khi đang phát sóng trực tiếp. Nếu có dấu hiệu đau họng, khàn tiếng thì nghỉ ngơi nhiều và dùng các viên ngậm thảo dược, viên ngậm có tính giảm viêm kết hợp cũng là cách hữu ích để giúp bảo vệ sức khỏe của mình. 

Trần Thu Giang - Báo in K41

Phản hồi