Đồng chủ tọa tại hội thảo gồm có: TS. Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, ThS. Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, TS. Trần Xuân Thảo - Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, PGS.TS. Trần Hồng Hạnh - Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Về phía đại biểu, phiên thảo luận có sự tham dự của 100 đại biểu hội trường và trực tuyến, là các chuyên gia đến từ các bảo tàng trên cả nước: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Giang, Thanh Hoá, Gia Lai,…
TS. Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhấn mạnh, để đáp ứng tốt nhu cầu thường thức của công chúng, các bảo tàng cần đổi mới trên mọi lĩnh vực: nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, giáo dục,… đặc biệt là trưng bày để thu hút khách tham quan. Ngày nay, chức năng của bảo tàng phải được mở rộng hơn, không chỉ đóng khung hay bị giới hạn trong công tác nghiên cứu, giáo dục khoa học mà còn khuynh hướng phát triển phù hợp với nhu cầu xã hội. Do đó, cơ quan quản lý cần tìm hiểu thị hiếu công chúng để tạo ra những sản phẩm văn hoá đặc sắc nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của họ.
Hội thảo đã nhận được 30 báo cáo của các chuyên gia bảo tàng trên cả nước. Nội dung tập trung vào bốn vấn đề chính: Các quan điểm mới về trưng bày và trải nghiệm ở Bảo tàng; thực hành, chuyển đổi các hoạt động trưng bày; các trưng bày gắn với tương tác; trải nghiệm và truyền thông thu hút công chúng.
Kết thúc ba phần trình bày đến từ các đơn vị: Cục di sản văn hoá, Bảo tàng tỉnh Hà Giang và Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội, PGS.TS. Trần Hồng Hạnh - PGĐ Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội đánh giá các báo cáo và ý kiến trao đổi trực tiếp trong hội thảo cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dày công nghiên cứu của các chuyên gia tham luận. Nội dung có cách tiếp cận rộng và sâu, mang tính thực tế, phù hợp với bối cảnh đổi mới thu hút công chúng hiện nay.
Đặc biệt, nội dung “Đa dạng tường thuật và trưng bày liên ngành - Lợi ích cho cộng đồng” của ThS. Nguyễn Hải Ninh (Cục Di sản Văn hoá) và bà Bùi Trà My (Trường Đại học Quốc tế RMIT) được nhiều đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi. Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Trà My chia sẻ: “Trong tương lai, nếu các bảo tàng Việt Nam sử dụng hình thức tương tác trực tiếp với công chúng giống mô hình triển lãm người Do Thái ở Bảo tàng người Do Thái (Berlin, Đức) sẽ có ưu và nhược điểm khác nhau. Về ưu điểm, bảo tàng có thể nhận được đa dạng tiếng nói, quan điểm của công chúng. Nhược điểm là có thể gặp những ý kiến trái chiều hoặc không phù hợp về chính trị, văn hoá. Để hạn chế điều đó, bên tổ chức có thể xây dựng câu hỏi mang tính chỉ dẫn, hoặc đề xuất cách thức phản hồi cho người thường thức”.
Phiên thảo luận đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác trưng bày, tương tác, trải nghiệm, thu hút công chúng đã và đang được thực hiện tại các bảo tàng trong và ngoài nước. Dựa trên cơ sở đó, những nghiên cứu tại hội thảo sẽ góp phần định hướng và hỗ trợ các bảo tàng xây dựng chiến lược, kế hoạch hoạt động phù hợp nhằm phát triển đơn vị hiệu quả và bền vững trong thời gian sắp tới.
Phản hồi