Danh mục Thứ Bảy, 23/11/2024

Tiêu điểm \

Kỷ niệm 62 năm ngày thành lập Học viện Báo chí và Tuyên truyền

18:45 16-01-2024
62 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn tự hào là một trường Đảng trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền hân hoan kỷ niệm 62 năm ngày thành lập. (Nguồn: Học viện Báo chí và Tuyên truyền) 

Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tiền thân là Trường Tuyên giáo trung ương, được thành lập ngày 16/1/1962 theo Nghị quyết số 36/NQ-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa III, trên cơ sở hợp nhất 3 trường: trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu II, trường Tuyên huấn và trường Đại học Nhân dân. Năm 1993, theo quyết định số 61 QĐ/TW ngày 10/03/1993 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trường trở thành Học viện trực thuộc cơ quan chủ quản là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Khuôn viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Nguồn: Học viện Báo chí và Tuyên truyền) 

Trong quá trình hình thành và phát triển, Học viện đã có 6 lần thay tên. Khi mới thành lập, trường là cơ sở đào tạo ngắn hạn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản, tuyên truyền, huấn học phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Trong giai đoạn phát triển mới, Học viện tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, tăng cường tính liên thông, liên kết; số hoá toàn bộ quy trình quản lý đào tạo, bồi dưỡng, tích hợp và liên thông với cơ sở dữ liệu chung của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đồng thời, trường tiếp tục nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục.

Cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, phục vụ tối đa cho việc học tập, nghiên cứu của sinh viên và giảng viên. (Nguồn: Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Trải qua 62 năm, trường đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước hơn 70 nghìn cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng, báo chí - truyền thông, trong đó có những cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở hệ thống các trường Đảng, các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo của các tổ chức chính trị - xã hội và nhiều phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm công tác truyền thông, cán bộ quản lý ở các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí, các cơ quan truyền thông trong cả nước.

Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo, bồi dưỡng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn cao, đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta. Nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà khoa học, các nhà giáo có uy tín, các nhà báo, biên tập viên có tên tuổi… Không ít người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước trong các ngành, lĩnh vực ở Trung ương và địa phương.

Học viện gặp mặt đội ngũ cán bộ, giảng viên trong Lễ kỉ niệm 60 năm ngày thành lập. (Nguồn: Học viện Báo chí và Tuyền truyền)

Xứng đáng với những cống hiến, đóng góp ấy, nhà trường được Đảng và Nhà nước Việt Nam trao thưởng nhiều danh hiệu và huân chương như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba,...

 Học viện nhận Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2022. (Nguồn: Học viện Báo chí và Tuyên truyền) 

Hiện nay, học viện đang tổ chức đào tạo trình độ đại học hệ chính quy 41 ngành/chuyên ngành (trong đó có 5 chương trình chất lượng cao, 1 chương trình liên kết đào tạo với Đại học Middlesex của Vương quốc Anh); đào tạo 7 ngành trình độ tiến sĩ. Ngoài ra, học viện cũng mở các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, quan hệ công chúng và quảng cáo, ngoại ngữ, tin học…

Qua 62 năm hình thành và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã trở thành mái nhà lưu giữ những năm tháng thanh xuân tươi đẹp và đặt những viên gạch nền móng trên con đường sự nghiệp và phát triển của các sinh viên. 

Hải Ly - CJC

Phản hồi