Danh mục Thứ Ba, 22/10/2024

Tiêu điểm \

Độc lạ xưởng phim đưa rác thải tái chế lên màn ảnh

18:00 10-11-2023
“Điện ảnh xanh” là xu hướng đang được các nhà sản xuất hướng tới, nhằm tạo ra quy trình làm phim thân thiện với môi trường. Tại Việt Nam, Sở Thú Studio chính là một trong những xưởng phim đi đầu trào lưu này.

 Ghi điểm từ tác phẩm đầu tay

 Sở thú Studio tụ hợp những bạn trẻ đam mê hoạt hình và làm sạch môi trường. (Nguồn: NVCC)

Ra đời vào tháng 12/2021, nhóm tập hợp những bạn trẻ có chung niềm yêu thích với thể loại hoạt hình Stop Motion (kỹ thuật làm phim truyền thống, ghép nhiều ảnh tĩnh để làm nên chuyển động trên màn ảnh) và luôn ấp ủ mong muốn làm sạch môi trường. Sở thú Studio lần đầu tiên ra mắt công chúng thông qua cuộc thi “Màn ảnh Xanh”, chính thức trở thành Xưởng phim hoạt hình tái chế đầu tiên tại Việt Nam. 

“Vượt thành Axima” là thành quả đầu tay của Sở thú Studio. Bộ phim dài 4 phút, thuộc thể loại phim hoạt hình tái chế Stop Motion. Mang thông điệp ý nghĩa, cộng hưởng cùng khâu sản xuất thân thiện với môi trường, bộ phim đã tạo được hiệu ứng tích cực, lan tỏa định nghĩa về điện ảnh xanh đến với cộng đồng. Đặc biệt, với ý tưởng độc đáo và hình ảnh sáng tạo, phim lọt vào Top 9 kịch bản hay nhất và xuất sắc đạt Giải Ba chung cuộc. 

 Nhân vật cậu bé Max được chế tạo từ những nguyên liệu tái chế vải, bông,... (Nguồn: NVCC)

Công đoạn làm phim vốn đã khó, song để sản xuất ra một bộ phim "xanh" cũng khiến cho người làm phim phải đau đầu, bởi sản phẩm không chỉ mang thông điệp bảo vệ môi trường mà cách thức sản xuất cũng phải tính toán sao cho hợp lý nhất. Tiêu chí hàng đầu của nhóm là tận dụng tối đa vật liệu thân thiện với môi trường, giảm rác thải, tiết kiệm năng lượng,… nên “Vượt thành Axima” sử dụng tới  60% các chất liệu tái chế để làm búp bê, xây dựng bối cảnh. 

 Xốp được các thành viên trực tiếp đến thu gom tại bãi rác. (Nguồn: NVCC)

Quá trình làm “Vượt thành Axima” kéo dài 8 tháng, trong đó nhóm dành ra 3 tháng để thu gom vật liệu. Các thành viên của ê-kíp sản xuất đã biến hóa những rác thải bị bỏ đi thành những mô hình phù hợp với bối cảnh phim. Điện ảnh xanh không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo mà còn là sự kiên trì, tìm tòi. Ví dụ như phần đất trong trong bộ phim được sản xuất bằng cách xay vụn bìa giấy, núi đá được tạo nên từ những miếng xốp bỏ đi và dán giấy báo ở ngoài,…

 Tất cả chi tiết trong phim đều được sản xuất từ những vật liệu tái chế như: xốp, vải, bìa,… (Nguồn: NVCC)

“Khi nhắc đến điện ảnh, mọi người thường nghĩ đến sự hào nhoáng và đồ sộ. Nhưng mình cũng muốn mọi người biết rằng, phía sau một bộ phim có quy mô càng lớn thì sẽ tiêu tốn càng nhiều năng lượng, đặc biệt là quá trình cấp dưỡng. Vì vậy thay vì sản sinh thêm nhiều rác thải thì chúng mình lựa chọn tận dụng nó, tái chế chúng thành một sản phẩm có ý nghĩa" - Lê Mẫn Nhi (Nhà sản xuất, đồng sáng lập Sở thú Studio) chia sẻ. 

Cùng công chúng xây dựng môi trường phim “xanh”

Nhóm đã dùng chính ảnh hưởng của mình để lan tỏa thông điệp tạo ra những bộ phim thân thiện với môi trường đến mọi người. Ngày 16/10/2022, xưởng tổ chức thành công sự kiện “Giao lưu điện ảnh xanh và hoạt hình tái chế” tại Hanoi Rock City nhằm lan tỏa và truyền cảm hứng đến những bạn trẻ cũng dành sự quan tâm cho loại hình điện ảnh này. Ngoài ra nhóm có các hoạt động kết nối với nhiều đối tác để sản xuất video ngắn Stop Motion, như phối hợp với Intel Việt Nam làm phim về mâm cỗ Tết, hợp tác với VTV với vật liệu chính là giấy bỏ đi, bìa, giấy bạc, đũa, thìa trong hộp đồ ăn nhanh,…

Một hình ảnh trong sản phẩm video của Sở thú Studio kết hợp cùng Intel Việt Nam sáng tạo. (Nguồn: NVCC) 

Trong tương lai, Sở Thú Studio bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển, lan tỏa xu hướng làm phim “xanh” đến điện ảnh Việt Nam. Chị Mẫn Nhi cho biết: “Chúng mình muốn mở rộng phạm vi tiếp cận của thông điệp hơn nữa. Không chỉ là những em nhỏ mà thế hệ Z cũng có thể xem hoạt hình, đón nhận thông điệp”. Hiện tại nhóm cũng đang bắt tay thực hiện một dự án phim mới. Sở Thú Studio đang nỗ lực từng ngày để xây dựng hình ảnh một xưởng sản xuất phim hoạt hình xanh: Tái chế rác thải, sử dụng các vật liệu, thiết bị làm phim thân thiện với môi trường.

Là một người dành nhiều thời gian thư giãn bằng cách xem phim, bạn Khánh Chi (Thanh Hóa, 24 tuổi) chia sẻ: “Mình có tìm hiểu và biết được, để sản xuất một bộ phim thì cần sử dụng rất nhiều vật liệu nhựa và hầu như chúng không được tái chế. Khi biết đến xu hướng “Điện ảnh Xanh”, mình thấy khá thú vị và đồng tình với cách làm phim mới này. Một bộ phim mang thông điệp giá trị lại thân thiện với môi trường chắc chắn sẽ được đông đảo khán giả đón nhận".

Cùng với sự phát triển của điện ảnh, ngày càng nhiều tổ chức lựa chọn chủ đề về thiên nhiên môi trường làm nội dung chính cho tác phẩm của mình. Các nhà làm phim bắt đầu chú trọng hướng đến một quy trình sản xuất phim bền vững. “Đây là một xu hướng ý nghĩa, mình mong rằng “Điện ảnh Xanh” sẽ phát triển mạnh mẽ hơn ở Việt Nam trong thời gian tới” - Khánh Chi chia sẻ.  

Nguyễn Vương Phương Thảo - Báo In K41

Phản hồi