Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024

Tiêu điểm \

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Giá trị lịch sử trường tồn với thời gian

23:45 04-09-2024
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện đang trưng bày và lưu giữ rất nhiều hiện vật lịch sử quý giá. Mỗi hình ảnh, tư liệu, hiện vật tại đây đều là một câu chuyện, là một chứng tích sống động về những trang sử hào hùng của dân tộc.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được thành lập vào ngày 17/7/1956, hiện đang tọa lạc tại số 28A đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đây là nơi trưng bày các hình ảnh, hiện vật, tài liệu phản ánh nhiều chiến lược quân sự, các trận quyết chiến ác liệt nhưng đầy hào hùng của Việt Nam, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong đó, tầng 2 của tòa nhà S2 tại bảo tàng hiện trưng bày rất nhiều mảnh ghép lịch sử quý giá liên quan tới sự kiện Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945.

Những dấu ấn tái hiện bối cảnh lịch sử ngày 2/9/1945

Trong gian phòng giữa của tầng 2, được đặt tại vị trí trung tâm là bức ảnh trắng đen với chú thích “Lễ đài tại Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/9/1945” cùng dòng chữ vàng nổi bật trên nền đỏ. Đó là đoạn trích từ bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”

Hình ảnh Lễ đài tại Quảng trường Ba Đình và một đoạn trích trong Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945). (Ảnh: Vân Chi) 

Để khách tham quan hiểu rõ hơn về sự kiện trọng đại này, bảo tàng cũng cung cấp những thông tin liên quan đến quá trình kháng Nhật giành chính quyền, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945. Theo đó, sau khi Nhật đảo chính Pháp vào đêm 9/3/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương phát động cao trào “Kháng Nhật cứu nước” làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa. Đến ngày 12/8/1945, sau khi phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, Đảng ta đã chớp lấy thời cơ cách mạng, phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Tổng khởi nghĩa đã diễn ra và giành thắng lợi một cách “nhanh, gọn, ít đổ máu” từ ngày 16 đến 28/8/1945. 

Bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945.(Ảnh: Vân Chi) 

Nhiều hiện vật quý giá khác về giai đoạn lịch sử trọng đại này còn bao gồm tờ báo Cờ giải phóng xuất bản ngày 12/9/1945 đăng toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh; hình ảnh Việt Nam Giải phóng quân tại Quảng trường Ba Đình trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập; mệnh lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng ngày 12/8/1945; băng khẩu hiệu của nhân dân Thái Nguyên khi biểu tình tuần hành cướp chính quyền vào tháng 8/1945; hình ảnh của cuộc tổng khởi nghĩa ở các địa phương trong năm 1945; nhiều vũ khí thô sơ như giáo, mác…

Các hình ảnh về cuộc tổng khởi nghĩa ở Thái Nguyên, Sài Gòn, Hà Nội, Quảng Ngãi.(Ảnh: Vân Chi) 

Để lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ thu hút những người ở độ tuổi trung niên hay những cựu chiến binh mà còn hấp dẫn đông đảo thế hệ trẻ. Hình ảnh những bạn trẻ say sưa tìm hiểu về các hiện vật lịch sử, hay các bậc phụ huynh giảng giải cho con em mình về các trang sử hào hùng của dân tộc không hề hiếm gặp. Điều này cho thấy, lịch sử không chỉ là những con số, những sự kiện khô khan trong sách giáo khoa mà còn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, giúp khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc trong mỗi người. Nhiều em tỏ ra rất thích thú khi ngắm nhìn những mô hình hay những hiện vật được trưng bày trong bảo tàng.

Các em nhỏ say sưa ngắm nhìn những mô hình tái hiện bối cảnh lịch sử.(Ảnh: Vân Chi) 

Chị Kiều Oanh (40 tuổi) dẫn con gái (5 tuổi) tham quan bảo tàng chia sẻ: “Tôi và con đều được sinh ra trong thời bình. Vì vậy, tôi muốn cho con có thêm kỉ niệm và dấu ấn tuổi thơ về việc được mẹ cho mặc áo quốc kỳ Việt Nam, dẫn đi tham quan các nơi như Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Để rồi sau này khi con lớn lên, con sẽ phần nào nhớ lại ký ức đáng giá này, hiểu được ý nghĩa của ngày Độc lập và từ đó thêm phần biết ơn các thế hệ cha anh đi trước.”

Chị Oanh và con gái rạng rỡ trong chiếc áo in hình cờ đỏ sao vàng.(Ảnh: Vân Chi) 

“Trong thời kỳ đổi mới, các thế lực thù địch âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ dưới nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi. Đặc biệt, một trong những thủ đoạn rất nguy hiểm của các thế lực thù địch đó chính là nhắm đến giới trẻ. Đó cũng là lý do mà tôi muốn con hiểu rõ được ý nghĩa của những dấu mốc lịch sử, ghi ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ đi trước từ khi còn nhỏ. Trên nền tảng đó, sau này khi con được trau dồi thêm kiến thức thì sẽ không bị lung lay bởi các chiêu trò, âm mưu do các thế lực thù địch gây ra.” - chị Kiều Oanh bộc bạch thêm.

Lan tỏa giá trị lịch sử dân tộc đến bạn bè quốc tế

Không chỉ trong nước mà lượng du khách nước ngoài đến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thường rất đông, gồm cả khách đi theo đoàn và khách lẻ. Họ thường nán lại rất lâu ở mỗi địa điểm để ngắm nhìn và đọc kĩ nội dung của từng hiện vật, từng tài liệu, từng hình ảnh.

Du khách nước ngoài chăm chú chiêm ngưỡng những hiện vật tại bảo tàng.(Ảnh: Vân Chi) 

Anh Miguel Parra (35 tuổi) và chị Elena Barceló (31 tuổi) đến từ Tây Ban Nha chia sẻ: "Chúng tôi lựa chọn nơi đây là một điểm đến quan trọng trong kế hoạch du lịch tại Việt Nam bởi cả hai đều muốn biết rõ hơn về nguyên nhân của cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam, đồng thời tìm hiểu rằng làm thế nào mà Việt Nam lại có thể kiên cường vượt qua nhiều cuộc chiến tranh gian khổ như vậy."

Ngoài ra, anh Miguel Parra và chị Elena Barceló cũng như nhiều du khách nước ngoài khác đều bày tỏ sự tiếc nuối khi không được tận mắt chứng kiến những chiếc máy bay và xe tăng từng được sử dụng trong 2 cuộc kháng chiến bởi các hiện vật này đã được di chuyển đến địa điểm mới.

Du khách nước ngoài chăm chú chiêm ngưỡng những hiện vật tại bảo tàng.(Ảnh: Vân Chi) 

Việc có rất đông du khách lựa chọn Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam làm điểm đến tham quan, dù là ngày thường hay các dịp lễ là một dấu hiệu đáng mừng khi cả người dân trong nước lẫn quốc tế đều rất quan tâm đến lịch sử của dải đất hình chữ S. Những giá trị lịch sử trường tồn với thời gian vừa có khả năng gắn kết các thế hệ, vừa giúp kết nối bạn bè trong nước và quốc tế, hay như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Bảo tàng Quân đội là một cuốn sử sống có tác dụng rất to lớn đến việc giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta cho người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Bảo tàng Quân đội còn giúp khách nước ngoài hiểu rõ về Việt Nam ta, về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta…”

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang được đầu tư xây dựng với quy mô lớn và hiện đại hơn. Dự kiến từ tháng 10/2024, bảo tàng sẽ bắt đầu đón khách tham quan tại địa chỉ mới ở phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Khi mở cửa, bảo tàng được kỳ vọng sẽ là địa điểm thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước, từ đó trở thành “địa chỉ đỏ” về giáo dục lịch sử của Thủ đô Hà Nội.
Vân Chi

Phản hồi