Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024

Tiêu điểm \

Bài toán trong đào tạo nguồn nhân lực báo chí đa nền tảng và truyền thông đa phương tiện 

20:49 27-06-2021
Ngày 24/6, Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề: "Đào tạo nguồn nhân lực báo chí đa nền tảng và truyền thông đa phương tiện – kiến thức và kỹ năng cơ bản cần có". Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham luận đại diện cho tiếng nói của các cơ quan thông tấn – báo chí được đưa ra, khẳng định đào tạo nguồn nhân lực báo chí đa nền tảng và truyền thông đa phương tiện là bài toán đặt ra với các cơ sở đào tạo báo chí trong bối cảnh hiện nay.

Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tuyến trên nền tảng ứng dụng Microsoft Teams. 

Hội thảo được diễn ra dưới sự chủ trì của PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng – Viện trưởng Viện Báo chí và PGS,TS Nguyễn Văn Dững – Nguyên trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự hiện diện của đông đảo các giảng viên trong và ngoài Học viện, lãnh đạo đại diện các cơ quan thông tấn – báo chí, các nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên, câu lạc bộ báo chí – truyền thông CJC, Báo chí Trẻ,… Do diễn biến của dịch Covid -19, Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng ứng dụng Microsoft Teams.

Với chủ đề: “Đào tạo nguồn nhân lực báo chí đa nền tảng và truyền thông đa phương tiện – Kiến thức và kỹ năng cơ bản cần có”, hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học và chuyên gia hoạt động thực tiễn thảo luận chia sẻ những kỳ vọng và thích nghi cần thiết mà các cơ quan báo chí mong đợi ở nguồn nhân lực báo chí đa nền tảng. Đồng thời, hội thảo giúp làm rõ thực trạng, vấn đề đặt ra, phương thức, giải pháp giải quyết vấn đề đào tạo nguồn nhân lực báo chí đa nền tảng và truyền thông đa phương tiện cho các cơ quan báo chí. Từ đó, các cơ sở đào tạo có những chiến lược và hoạt động đào tạo hiệu quả, phù hợp hơn với thực tiễn báo chí trong bối cảnh hiện nay.

Đại biểu, khách mời trong và ngoài Học viện, đại diện các cơ quan báo chí - truyền thông tham dự tại Hội thảo. 

Khai mạc Hội thảo, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng đã đánh giá tính cấp thiết của đề tài thảo luận trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học 4.0. Việc đào tạo được nguồn nhân lực báo chí đa nền tảng và truyền thông đa phương tiện gắn với những kiến thức và kỹ năng cơ bản cần có là nhu cầu số một đối với ngành báo chí nói chung và các cơ sở đào tạo báo chí – truyền thông nói riêng. 

Để đạt được hiệu quả trong công tác đào tạo cần đi sâu làm rõ 3 vấn đề: Thứ nhất, phương hướng để phát triển báo chí đa nền tảng và truyền thông đa phương tiện; thứ hai, những kiến thức và kĩ năng cơ bản của nhà báo để phát triển báo chí đa nền tảng và truyền thông đa phương tiện; thứ ba, vấn đề đặt ra cho công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí đa nền tảng và truyền thông đa phương tiện.

Đồng chủ trì tại Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Văn Dững cũng đưa ra những nhận xét mang tính chiến lược, định hướng mục tiêu đối với ngành đào tạo báo chí nước ta trong bối cảnh hiện nay. PGS,TS Nguyễn Văn Dững cho rằng, thách thức hàng đầu đối với nền báo chí ngày nay chính là môi trường truyền thông số với sự phát triển của mạng xã hội. Để đứng vững trước hệ sinh thái truyền thông online, báo chí cần phải tạo ra được siêu tương tác xã hội và siêu kết nối xã hội. Dưới tác động của khoa học – kỹ thuật, báo chí cần phải có những thay đổi phù hợp để thích nghi được với môi trường truyền thông số. 
Trước những vấn đề đặt ra, nhiều tham luận đến từ đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí và cơ sở đào tạo truyền thông đa phương tiện đã thể hiện những góc nhìn mang tính tổng quát cao.

Nhìn nhận tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí, nhà báo Káp Thành Long - Phó Tổng Biên tập Zing News.vn với phần phát biểu: “Rút ngắn khoảng cách từ Classroom đến Newsroom” cho rằng, nhà báo hiện đại phải đáp ứng được yêu cầu trình độ tốt đi đôi với tư duy tốt, có tư tưởng sáng tạo trong công việc. Từ đó, dẫn đến hình thành chiều sâu trong kiến thức và kỹ năng để có thể tồn tại trong môi trường báo chí hiện đại.

Nhà báo Trần Anh Tú - Trưởng ban điện tử Báo Đại Đoàn Kết lại khẳng định: “Sự chuyên nghiệp của báo chí thể hiện ở vấn đề đa nền tảng”. Sinh viên báo chí phải biết ứng dụng tốc độ truyền thông của mạng xã hội vào công việc và học tập. “Săn tin” phải đi đôi với “kiểm chứng nguồn tin”, đồng thời biết cách “trình diễn thông tin” một cách sáng tạo không ngừng để đạt được hiệu quả tối đa trong quá trình sáng tạo các sản phẩm báo chí - truyền thông.

Hầu hết các tham luận đều cho rằng, môi trường truyền thông số hiện nay vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với sự phát triển của ngành báo chí. Với những vấn đề về kỹ thuật, chúng ta có thể áp dụng một cách dễ dàng thành tựu của khoa học công nghệ vào quá trình sáng tạo sản phẩm báo chí. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo hiện nay là phải khơi gợi được sự sáng tạo, tư duy và tinh thần trách nhiệm đối với đội ngũ phóng viên, nhà báo. Để đạt được hiệu quả trong công tác đào tạo báo chí đa nền tảng, “đôi bên đều phải tham gia giải quyết những vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời khẳng định báo chí vẫn có “chỗ đứng” vững chắc bởi nó liên quan đến niềm tin của xã hội” - PGS,TS Nguyễn Văn Dững nhấn mạnh.

Kết thúc phiên thảo luận, các đại biểu đều khẳng định đào tạo nguồn nhân lực báo chí đa nền tảng chính một bài toán cấp thiết đặt ra đối với ngành báo chí hiện đại. Nhất là trong bối cảnh xã hội chịu nhiều tác động từ đại dịch như hiện nay, báo chí nói chung và các cơ sở đào tạo báo chí nói riêng cần có sự chuyển mình, thay đổi nhất định để đứng vững trước làn sóng mới của thời đại.  

Ngọc Tân - CJC

Phản hồi