Danh mục Thứ Tư, 24/04/2024

Tiêu điểm \

Hội thảo "Kỹ năng tác nghiệp của nhà báo trong môi trường thảm họa, thiên tai"

16:16 15-06-2021
Sáng 12/6, Viện Báo chí tổ chức hội thảo khoa học sinh viên với hình thức livestream trên fanpage.

Hội thảo có sự xuất hiện của các khách mời: PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo Chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Chủ trì hội thảo; Nhà báo Trần Lệ Thùy - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến truyền thông và phát triển; Nhà báo Nguyễn Đình Hoàn - Phóng viên chuyên trách theo dõi mảng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Đài truyền hình KTS VTC và bạn Trương Minh Trúc, sinh viên lớp Báo In K37A1, Viện Báo chí.

Hội thảo được livestream trên fanpage Học viện Báo chí và Tuyên truyền.  

Hội thảo khoa học sinh viên là một phần trong chuỗi hoạt động của chương trình Open Day Viện Báo chí 2021. Lấy chủ đề “Kỹ năng tác nghiệp của nhà báo trong môi trường thảm họa, thiên tai”, hội thảo vừa là diễn đàn thảo luận của các chuyên gia, vừa là nơi sinh viên ngành báo chí, truyền thông học hỏi, nâng cao hiểu biết qua những chia sẻ thực tế, bổ ích từ những nhà báo giàu kinh nghiệm.

Đề dẫn hội thảo, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng nêu lên thực trạng về những khó khăn, nguy hiểm đối với người phóng viên khi tham gia lấy tin ở vùng có thiên tai, thảm họa và vai trò của báo chí trong công tác truyền thông, góp phần khắc phục hậu quả của thiên tai, thảm họa. Theo bà: “Thực trạng đó cho chúng ta rất nhiều góc nhìn về vấn đề kỹ năng tác nghiệp báo chí, sâu hơn nữa là việc đào tạo, chuẩn bị cho sinh viên báo chí có đủ những kiến thức, kỹ năng để thích ứng được với môi trường thảm họa, thiên tai khi tác nghiệp”.

PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng chủ trì hội thảo

Nhà báo Trần Lệ Thùy là người trình bày tham luận đầu tiên với chủ đề “Vai trò và yêu cầu về kỹ năng tác nghiệp báo chí trong tình huống thiên tai, thảm họa”. Chia sẻ về kinh nghiệm phỏng vấn nạn nhân sau thảm họa, thiên tai, nhà báo nhấn mạnh đến việc đảm bảo an toàn của người được phỏng vấn. Theo chị, phóng viên cần hiểu rất rõ tâm lý của nạn nhân, bởi rất khó để vừa lấy được thông tin, vừa không làm ảnh hưởng đến tinh thần của họ. Nạn nhân có thể có “cảm giác tội lỗi của người sống sót”, và những câu hỏi phỏng vấn nếu không khéo léo có thể động đến vết thương lòng, tua ngược bi kịch trong tâm trí họ một lần nữa.

Nhà báo Trần Lệ Thùy (phải) với những chia sẻ về kỹ năng phỏng vấn nạn nhân sau thảm họa, thiên tai. 

Theo nhà báo Thùy, phóng viên cần tìm những chỗ an toàn, riêng tư khi phỏng vấn nạn nhân. Hơn nữa, cần chú ý giao tiếp bằng mắt với người được phỏng vấn, chia sẻ rõ những điều mình mong đợi ở họ, hỏi những câu hỏi hướng đến tương lai và tránh đưa ra những hứa hẹn, khơi ra những kỳ vọng mà nhà báo không chắc chắn hoàn thành được. “Chỉ một chi tiết nhỏ cũng thể hiện sự tinh tế của người làm báo. Khi nạn nhân khóc, ta không nên đưa khăn giấy gây cho họ cảm giác giục giã, mà nên đưa nước để họ bình tĩnh lại cũng như thể hiện sự cảm thông”, nữ nhà báo chia sẻ.

Tiếp tục hội thảo với tham luận về sự chuẩn bị khi tác nghiệp tại môi trường thiên tai, thảm họa, nhà báo Nguyễn Đình Hoàn cho biết: “Người phóng viên cần hiểu rất rõ những kiến thức nền tảng, chi tiết nhất về loại hình thiên tai nơi tác nghiệp. Ngoài ra, kiến thức về điều kiện môi trường, địa hình, khí hậu địa phương cũng vô cùng quan trọng. Để biết được địa điểm an toàn hay nguy hiểm, cần tuân thủ nguyên tắc: liên hệ mật thiết với chính quyền, với ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn cứu hộ ở nơi tác nghiệp. Nếu tác nghiệp ở nước ngoài, nhà báo càng cần kết nối chặt chẽ với Đại sứ quán và cơ quan ngoại giao Việt Nam sở tại, để được cung cấp thông tin và hỗ trợ khi cần thiết”.

Nhà báo Nguyễn Đình Hoàn - phóng viên chuyên trách mảng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Đài truyền hình KTS VTC. 

Thêm vào đó, nhà báo Nguyễn Đình Hoàn cũng có những chia sẻ chân thực về sự lăn xả, hi sinh của người làm báo khi lấy tin ở vùng có thiên tai, thảm họa: “Nhiều vùng địa hình khó khăn, cần đi bộ hai, ba cây số trong thời tiết khắc nghiệt nhưng chúng tôi không nản. Trong thời tiết mưa rét, chúng tôi có thể không dùng ô cho bản thân mình nhưng bắt buộc phải đảm bảo che chắn cho thiết bị, máy quay, micro,... để những tác động của hiện trường không làm ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh, âm thanh”. 

Là gương mặt đại diện của sinh viên trong hội thảo lần này, bạn Trương Minh Trúc là người tổng hợp những tham luận của sinh viên gửi về hội thảo, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề thú vị dành cho các vị diễn giả còn lại. Trúc chia sẻ: “Điều làm mình cảm thấy tự tin nhất khi tham gia lấy tin ở vùng có thảm họa, thiên tai là sức khỏe. Đối với một người trẻ, có sức khỏe là có tất cả. Chỉ khi đảm bảo được mặt sức khỏe, cũng như trang bị đầy đủ kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng tác nghiệp, mình mới có thể lấy tin trong môi trường nguy hiểm, khắc nghiệt như vậy”.

Bạn Trương Minh Trúc - gương mặt đại diện của sinh viên trong hội thảo lần này. 

Đồng ý với quan điểm của các diễn giả, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh về những kỹ năng mà sinh viên cần rèn luyện để trở thành một nhà báo tốt, có khả năng tác nghiệp trong môi trường thảm họa, thiên tai. Theo bà, nguyên tắc rèn nghề của Viện Báo chí là luôn đặt ra những yêu cầu, thử thách, buộc sinh viên phải tự rèn luyện sự chủ động, tính kỷ luật và kỹ năng cộng tác. Nhờ đó, sinh viên sẽ có được sự bình tĩnh, sáng suốt trong các tình huống nguy hiểm: “Nếu bị ném xuống biển, bạn không những cần tìm mọi cách để sống sót mà còn có thể vớt thêm được cá”, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Sau hơn một tiếng diễn ra, hội thảo đã kết thúc và nhận được phản hồi tích cực từ khán giả theo dõi chương trình phát trực tiếp. Những tham luận, chia sẻ của các diễn giả từ hội thảo không chỉ là nguồn thông tin quý giá về kỹ năng tác nghiệp của nhà báo trong môi trường thảm họa, thiên tai mà còn tiếp thêm nguồn cảm hứng và tình yêu nghề cho các “nhà báo tương lai” của Viện Báo chí.

Vũ Khánh Nguyên - CJC

Phản hồi