Danh mục Thứ Năm, 25/04/2024

Tiêu điểm \

Chuyến thực tế Ninh Bình online của Báo In K39

17:30 08-06-2021
Trong 3 ngày 19, 20 và 28/5, đoàn sinh viên lớp Báo In K39 đã tổ chức chuyến thực tế chính trị - xã hội Ninh Bình bằng phương thức online.

Sinh viên lớp Báo In K39 tham gia thực tế chính trị - xã hội qua hình thức online.

Trước tình hình dịch Covid-19 lần thứ tư quay trở lại, lớp Báo In K39 tổ chức thực tế chính trị - xã hội chuyển sang hình thức online. Điều này đảm bảo đúng tiến độ học tập, sức khỏe của thành viên đoàn và an toàn trong cộng đồng.

Đoàn gồm 51 sinh viên lớp Báo In k39, được sự hướng dẫn của TS Lê Thị Nhã – trưởng đoàn, ThS Phạm Thị Mai Liên và ThS Trần Minh Tuấn. Chuyến thực tế chính trị - xã hội online đã giúp sinh viên hiểu biết thêm về tình hình chính trị - xã hội ở Ninh Bình hiện nay. Bên cạnh đó, sinh viên báo chí còn trau dồi thêm các kiến thức, kinh nghiệm tác nghiệp trong nghề báo.

Ngày 19/5, đoàn sinh viên đã được nghe đồng chí Nguyễn Văn Đông – Phó Tổng Biên tập báo Ninh Bình chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển, quy trình làm báo và các dự kiến trong tương lai của báo Ninh Bình với hình thức online. Theo ông Đông, trong thời gian tới, báo cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tin bài và có quy trình làm các sản phẩm báo chí hiện đại, tiên tiến hơn.

Báo Ninh Bình gồm 2 ấn phẩm: báo in và báo điện tử. Ngày 03/02/1962, báo in Ninh Bình ra số đầu tiên và trải qua nhiều lần đổi tên cho đến năm 1992 đã trở về với tên báo Ninh Bình. Thực hiện chỉ thị số 52 của ban Bí thư Trung ương về phát triển và quản lý báo chí điện tử nước ta, năm 2007, báo Ninh Bình đã tham mưu xây dựng đề án mua sắm lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho trang thông tin điện tử. Tháng 4/2008, trang thông tin điện tử Ninh Bình đã khai trương và chính thức đi vào hoạt động. Tháng 4/2012, trang thông tin điện tử báo Ninh Bình được nâng cấp thể hiện dưới 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Ngày 19/11/2018, báo Ninh Bình được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép xuất bản số 406, để hoạt động với tư cách là báo điện tử. Ngày 19/06/2020, báo Ninh Bình chính thức khai trương báo Ninh Bình điện tử với giao diện mới.

Tiếp đó, ngày 20/5, đoàn sinh viên lắng nghe báo cáo của bà Trần Thị Thảo – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn, kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị mang tính lịch sử. Trong tình hình dịch Covid-19, tỉnh Ninh Bình đã triển khai đề án bệnh viện dã chiến, kết hợp vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch nên tình hình kinh tế luôn đạt top khá. Bên cạnh đó bà còn cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2001 đến nay, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển khá nhanh, dần trở thành ngành kinh tế quan trọng. Năm 2021, Ninh Bình tổ chức thành công Năm du lịch quốc gia với chủ đề “Hoa Lư cố đô ngàn năm”.

Nhiệm vụ đề ra trong năm 2021 của tỉnh Ninh Bình: Chú trọng thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế; tăng cường xuất khẩu; tập trung cao cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, công trình giao thông. Xây dựng nhanh cơ sở hạ tầng các khu du lịch, dịch vụ du lịch trọng điểm. Đảm bảo an sinh xã hội; chú trọng giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách xã hội, chăm lo đời sống hộ nghèo, hộ chính sách, gia đình người có công; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa – xã hội. Phấn đấu đến cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,5% và tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2% (theo chuẩn nghèo đa chiều). Tăng cường công tác quốc phòng – an ninh, gắn thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, đảm bảo phát triển bền vững.

Ninh Bình cần chú trọng công tác an ninh, quốc phòng ở tuyến ven biển, vùng có đông đồng bào theo đạo, vùng dân tộc ít người; coi trọng công tác vận động quần chúng, tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương - giáo; Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các tổ chức Đảng, làm tốt công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh.

Bà Trần Thị Thảo - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình trả lời câu hỏi của sinh viên.

Ngày cuối cùng của chuyến thực tế chính trị - xã hội online, đoàn được nghe báo cáo của bà Phạm Kim Huệ - Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình về quá trình phát triển, cơ cấu tổ chức của Đài và xu hướng phát triển của Đài trong tương lai, sẽ tạo ra nhiều chương trình tương tác với khán giả hơn.

 Năm 2014, Đài đầu tư xây dựng trang thông tin điện tử tổng hợp với địa chỉ nbtv.vn tích hợp 03 loại hình báo chí: Báo nói, báo hình, báo điện tử. Từ khi đi vào hoạt động, hình thức này đã phát huy hiệu quả rõ rệt, đến nay đã có trên 3 triệu lượt người truy cập. Trong những năm qua, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh luôn bám sát và triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của quy hoạch đã đề ra. Các chương trình phát thanh, truyền hình từng bước được đổi mới cả về hình thức thể hiện và chất lượng nội dung, đảm bảo tính chính trị, tư tưởng, tính giáo dục, khách quan, kịp thời, góp phần thông tin tuyên truyền định hướng dư luận xã hội.

Bà Phạm Kim Huệ (trái) - Phó Giám đốc Đài PT&TH Ninh Bình và các giảng viên, sinh viên trong buổi trao đổi online .

Bà Phạm Kim Huệ cùng TS. Lê Thị Nhã và ThS. Phạm Thị Mai Liên – giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền trao đổi những nội dung trong chuyến thực tế. Dù chuyến thực tế chính trị xã hội diễn ra dưới hình thức online nhưng các bạn sinh viên Báo In K39 tích cực giơ tay đặt câu hỏi để tìm hiểu thông tin về Ninh Bình.

Trước khi kết thúc chuyến thực tế chính trị - xã hội, bà Phạm Kim Huệ chia sẻ với đoàn sinh viên: “Nghề báo là nghề tổng hợp, chúng ta càng có nhiều kiến thức, càng am hiểu về kỹ năng, lĩnh vực sống bao nhiêu thì sẽ cho chúng ta một vốn kiến thức tốt, đó chính là hành trang để vững bước vào nghề. Nó vừa là một nghề vinh quang nhưng cũng rất vất vả”.

Chuyến thực tế chính trị - xã hội diễn ra bằng hình thức online nên có nhiều hạn chế về mặt thời gian, kỹ thuật, đoàn không được trực tiếp tham quan địa phương, nhưng vẫn đảm bảo được những yêu cầu thiết yếu của môn học.

Tham gia chuyến thực tế online, bạn Phạm Nguyệt Quỳnh – sinh viên lớp Báo In K39 bày tỏ: “Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thì thực tế chính trị - xã hội qua Teams là giải pháp hữu hiệu nhất để vừa đảm bảo chương trình học tập kỳ này vừa cung cấp những thông tin cơ bản nhất cho sinh viên có cái nhìn bao quát nhất về tỉnh Ninh Bình từ chính trị, văn hóa, xã hội đến các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh”.

Không trực tiếp đến với Ninh Bình, tham quan các cơ sở báo chí và truyền thông do tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng chuyến thực tế chính trị - xã hội online đã phần nào giúp đoàn tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích cùng với những chia sẻ thẳng thắn ý nghĩa từ các lãnh đạo cơ quan báo chí, truyền thông tại tỉnh Ninh Bình.

Nguyễn Thị Diệu Huyền - Báo In K39

Phản hồi