Danh mục Thứ Ba, 07/01/2025

root \

PGS.TS Phạm Ngọc Trung chia sẻ về vấn đề Việt phục trong phim ảnh 

14:45 02-01-2025
Hành trình đưa cổ phục Việt tỏa sáng trên màn ảnh vẫn đang là bài toán khó giải của nhiều nhà làm phim. Khi những “điểm tựa” chưa đủ vững, cần lắm một hướng đi nhất quán định hình dấu ấn trang phục để bản sắc xưa vang xa hơn.

LOAY HOAY TÌM “ĐIỂM TỰA”
Điện ảnh Việt Nam có bề dày lịch sử hơn 70 năm, ghi dấu với nhiều bộ phim kinh điển. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, thể loại phim cổ trang vẫn còn “thưa thớt” trên màn ảnh. Sự thiếu vắng này không chỉ xuất phát từ việc thiếu kịch bản hay, đạo diễn tốt mà còn là câu chuyện phục trang. Phục trang không chỉ là yếu tố thị giác, mà còn là "linh hồn" của một bộ phim lịch sử. Nó phải vừa đúng về mặt niên đại, thể hiện được nét đặc trưng văn hóa qua từng triều đại, vừa tạo ấn tượng thẩm mỹ và phù hợp với bối cảnh câu chuyện.
Thách thức lớn nhất các nhà làm phim phải đối mặt chính là quá trình nghiên cứu để phục dựng lại, đây là một bài toán khó khi chưa có nhiều tư liệu lịch sử hay hình ảnh ghi lại cụ thể về các trang phục của từng triều đại, mọi hình dung về kiểu dáng, chất liệu, màu sắc, cho đến những chi tiết nhỏ như hoa văn, phụ kiện đi kèm chỉ nằm gọn trong đôi dòng sử ký. Thậm chí, khi tìm hiểu về trang phục để thực hiện dự án phim, nhà làm phim phải tìm hiểu về trang phục của nhiều hơn một tầng lớp xã hội. Một nhân vật thuộc hoàng tộc sẽ có những trang phục khác với người dân thường, trang phục quan văn lại khác quan võ, rồi các trang phục của phi tần, công chúa..., chưa kể trang phục trong các nghi thức, lễ hội cũng mang những sắc thái riêng biệt. 

Trang phục thời Nguyễn xuất hiện trong một số bộ phim. (Ảnh: Thái Ninh)

Bên cạnh đó, sự khắt khe của khán giả Việt cũng là một yếu tố khiến nhiều nhà làm phim e ngại trong việc lựa chọn sản xuất một bộ phim cổ trang. Khán giả ngày nay không chỉ yêu cầu tính chính xác về lịch sử, mà còn kỳ vọng ở sự tinh tế, chỉn chu trong từng chi tiết trang phục, từ chất liệu vải đến cách phối màu và cả “thần thái” mà bộ trang phục mang lại. Chỉ một lỗi nhỏ như sử dụng sai kiểu dáng hay phụ kiện cũng có thể trở thành tâm điểm tranh cãi, làm lu mờ công sức của cả ê-kíp. ”Việt Phục trong phim ảnh hiện tại có sự đầu tư tốt hơn trước, nhưng vẫn còn những vấn đề cần cải thiện. Một số phim tái hiện khá chân thực, tỉ mỉ, giúp người xem hiểu rõ hơn về văn hóa và lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, không ít phim lại mắc lỗi về chi tiết hoặc sáng tạo quá đà, khiến trang phục không còn đúng với bối cảnh lịch sử. Mình nghĩ rằng việc sử dụng Việt Phục cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, vừa để tôn vinh bản sắc dân tộc, vừa tạo niềm tin cho khán giả.”, bạn Tường Vy, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ.
Hai “điểm tựa” về tư liệu lịch sử và tâm lý đón nhận của khán giả đã trở thành cái “gai” nhức nhối trong lòng của những người muốn làm phim sử. Chính những khó khăn này đã khiến nhiều dự án phim lịch sử bị đình trệ hoặc không dám mạo hiểm, dù đây là mảnh đất đầy tiềm năng để phát triển, đòi hỏi các nhà làm phim cần nhất quán hướng đi để xây dựng một nền móng vững chắc hơn cho thương hiệu cổ trang Việt.
CẦN NHẤT QUÁN HƯỚNG ĐI
Trong muôn vàn hướng đi cho cổ phục Việt trên con đường điện ảnh, tiêu chí “đúng” phải đặt lên hàng đầu, kế tiếp mới là “đẹp”. PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh: “Muốn làm phim về lịch sử, thì phải hiểu rõ sử, hiểu rõ rồi mới có thể sáng tạo dựa trên cái nền vững chắc ấy, từ đó mà phát triển lên. Điều này đòi hỏi các nhà làm phim phải có cách tiếp cận nghiêm túc, trao đổi nhiều hơn với các bên nghiên cứu chuyên sâu thì mới có thể phác họa ra bức tranh trang phục hoàn thiện”.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung chia sẻ về vấn đề Việt phục trong phim ảnh. (Ảnh: Thái Ninh) 

Cũng theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, iệc xác định rõ bối cảnh câu chuyện trong phim là rất quan trọng, bởi dòng chảy củalịch sử Việt Nam kéo dài qua nhiều triều đại với các nét văn hóa, phong tục và trang phục có sự riêng biệt. Điển hình như thời Nguyễn, tư liệu còn tương đối nhiều và rõ ràng, nhưng ngay cả trong giai đoạn này, trang phục vẫn rất đa dạng, từ việc phân chia trang phục theo phẩm cấp hay trang phục theo các nghi thức cũng là cả một câu chuyện dài. Vì vậy, các nhà làm phim cần "chốt" lại bối cảnh chính xác trước khi bắt đầu quá trình phục dựng, tránh việc ôm đồm, gây cảm giác hỗn loạn cho khán giả.
Thực tế, các nước như Hàn Quốc hay Nhật Bản đã rất thành công trong việc đưa trang phục truyền thống như hanbok hay kimono lên phim ảnh. Bí quyết thành công của họ chính là việc định hình được dấu ấn đặc trưng, để khi nhìn vào khán giả nhớ ngay lập tức. Việt Nam cần học hỏi cách tiếp cận này để tạo ra một phong cách riêng cho cổ phục trong phim ảnh, cô đọng để tạo nên bản sắc riêng của trang phục Việt, PGS.TS Phạm Ngọc Trung chia sẻ.
Đã đến lúc, điện ảnh Việt cần nhất quán trong hướng đi đối với cổ phục Việt. Một cách tiếp cận bài bản, đúng đắn không chỉ giúp cổ phục Việt tỏa sáng trên màn ảnh, mà còn biến những bộ trang phục ấy thành niềm tự hào của mỗi người Việt Nam. Đó không chỉ là hành trình chinh phục khán giả trong nước mà còn là cơ hội đưa bản sắc văn hóa Việt vươn xa ra thế giới.

Thái Ninh

Phản hồi