Trong những năm gần đây, viện dưỡng lão đã và đang trở thành một lựa chọn phổ biến đối với nhiều gia đình tại Việt Nam. Thay vì chăm sóc người cao tuổi tại nhà như truyền thống, nhiều gia đình chọn gửi người thân vào các trung tâm dưỡng lão. Lựa chọn này không chỉ phản ánh sự thay đổi trong quan niệm xã hội mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của gia đình trong việc chăm sóc người già.
Viện dưỡng lão là "lựa chọn cuối cùng" cho người cao tuổi?
Người Việt Nam từ lâu đã coi trọng gia đình, xem đây là trung tâm của xã hội. Câu tục ngữ “Trẻ cậy cha, già cậy con” một phần đã phản ánh rõ nét trách nhiệm của con cái trong việc chăm sóc cha mẹ già.
Trong xã hội truyền thống, ông bà hay cha mẹ lớn tuổi được xem là biểu tượng của trí tuệ và kinh nghiệm, cần nhận được sự tôn kính và chăm sóc từ các thành viên khác trong gia đình. Vì vậy, khi người cao tuổi phải rời xa mái ấm quen thuộc để chuyển đến viện dưỡng lão, không ít người tự hỏi: Liệu con cháu có đang chưa làm tròn bổn phận, chưa giữ trọn chữ “hiếu” đối với các bậc sinh thành?
Không ít người nhìn nhận việc gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão là một hành động “bỏ rơi”, “thiếu trách nhiệm”. Các bậc cha mẹ lớn tuổi, người từng dành cả đời để nuôi dạy con cái, giờ đây lại phải sống trong môi trường xa lạ, thiếu sự gần gũi của gia đình. Dưới góc nhìn này, viện dưỡng lão chỉ là lựa chọn sau cùng khi gia đình không còn khả năng chăm sóc.
Đối với người cao tuổi, việc chuyển vào viện dưỡng lão không phải lúc nào cũng dễ dàng. Họ có thể cảm thấy mình trở thành gánh nặng của gia đình. Môi trường mới tại viện dưỡng lão, dù hiện đại đến đâu, vẫn khó lòng thay thế được sự ấm áp và tình cảm trong mái ấm gia đình.
“Giai đoạn sau khi trải qua quãng thời gian dài lao động và giao tiếp xã hội, nhiều người lớn tuổi thường mang tâm lý lo sợ vì sự chậm chạp trong sinh hoạt và cảm giác phải phụ thuộc vào người khác, điều này dẫn đến tình trạng lo âu và nỗi sợ bị bỏ rơi”, PGS. TS Hoàng Mộc Lan, giảng viên Khoa Tâm lý học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý người cao tuổi chia sẻ.
Bà Phan Ngọc Quỳnh, 86 tuổi, hiện đang sinh sống tại viện dưỡng lão Diên Hồng (Hà Đông) đã chia sẻ nỗi lòng chung của không ít người cao tuổi: "Tuổi già, ai mà chẳng mong muốn được ở gần con cái, có cháu chắt quây quần bên cạnh. Nhưng con cái bận làm ăn xa, rồi cuộc sống của chúng nó cũng chẳng dễ dàng gì. Ở nhà một mình, tôi vừa sợ lúc ốm đau chẳng ai biết mà giúp đỡ, lại thêm cái lần tôi ngã cầu thang mới thấy sức mình yếu đi nhiều."
Viện dưỡng lão là "khởi đầu mới" cho tuổi xế chiều
Trái ngược với quan điểm truyền thống, nhiều người coi viện dưỡng lão là một nơi để bắt đầu một hành trình mới đầy ý nghĩa. Trong những trung tâm này, người cao tuổi không chỉ được chăm sóc chuyên nghiệp mà còn có cơ hội tham gia vào các hoạt động xã hội, kết bạn và thậm chí học hỏi những điều mới.
Nhiều viện dưỡng lão hiện nay cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tinh thần toàn diện. Người cao tuổi có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế định kỳ, tham gia vào các lớp học yoga, hội họa hay những buổi giao lưu âm nhạc. Không ít người cảm thấy thoải mái hơn khi được chia sẻ với bạn bè đồng cảnh, những người hiểu rõ sự khó khăn của tuổi già.
Thay vì cảm thấy bị cô lập, nhiều người cao tuổi lại tìm thấy niềm vui và sự sẻ chia khi sống trong cộng đồng tại viện dưỡng lão. Nhiều người cho rằng, đây có thể là cơ hội để họ tận hưởng cuộc sống độc lập hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào con cháu nhưng vẫn đảm bảo nhận được sự chăm sóc chu đáo và đầy đủ.
"Con người mà không có niềm vui thì chẳng có gì đáng để sống. Ở đây, niềm vui đến từ những điều giản dị, từ tấm lòng và sự chân thành của mọi người dành cho nhau”, bà Quỳnh tiếp tục chia sẻ về cuộc sống trong viện dưỡng lão, nơi niềm vui được xây dựng từ sự sẻ chia và tình người.
Gửi người thân vào viện dưỡng lão không đồng nghĩa với việc thiếu đi sự quan tâm. Thay vào đó, đây có thể là cách để con cháu đảm bảo rằng cha mẹ mình nhận được sự chăm sóc chuyên nghiệp trong điều kiện tốt nhất.
Viện dưỡng lão không hoàn toàn là "lựa chọn cuối cùng" hay "khởi đầu mới".Quan trọng hơn cả, quyết định này không nên bị phán xét dựa trên những định kiến xã hội. Người thân trong gia đình cần cùng nhau trò chuyện, lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của người cao tuổi trước khi đưa ra quyết định. Chăm sóc người già không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghệ thuật, đòi hỏi sự cân bằng giữa tình yêu thương, sự tôn trọng và thực tế cuộc sống.
Phản hồi