Danh mục Thứ Năm, 05/12/2024

Chuyên đề \

Thiếu thiết kế bắt mắt, hướng đi nào cho sản phẩm thủ công truyền thống?

00:16 28-11-2024
Yếu tố thiết kế vốn là thế mạnh độc đáo của sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thế nhưng giờ đây đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên, khiến các sản phẩm mang hồn Việt mất dần vị thế. Đổi mới thiết kế, ứng dụng công nghệ và xây dựng thương hiệu là giải pháp cấp thiết để sản phẩm thủ công kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Thăng trầm chuyện thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ vòng đeo tay làm bằng sừng trâu tự nhiên. (Ảnh: Khánh Linh) 

Hàng năm, Sở Công Thương các địa phương tổ chức các hội thi, triển lãm nhằm khuyến khích nghệ nhân sáng tạo những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới vừa uy tín trong chất lượng, vừa tinh xảo trong thiết kế. Có thể kể đến “Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2024”, “Triển lãm mẫu thiết kế thủ công mỹ nghệ Thạch Thất, Hà Nội”; “Diễn đàn kết nối thương mại sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP với hệ thống khách hàng chiến lược tại Việt Nam”...

Tuy vậy, thực tế tại các làng nghề, tính sáng tạo trong thiết kế đồ thủ công mỹ nghệ vẫn chưa được chú trọng phát triển. Tay nghề thợ thủ công của nước ta điêu luyện, song hạn chế là thiết kế sản phẩm theo lối mòn, chưa quan tâm đổi mới.

Trong thời kỳ bao cấp, các nghệ nhân thủ công bị bó buộc trong khuôn khổ của nền kinh tế tập trung. Việc phải tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch sản xuất và mẫu mã đã kìm hãm sự sáng tạo của những bàn tay. Mô hình "giao nguyên liệu, thu mua sản phẩm" chỉ tập trung vào sản xuất hàng loạt các sản phẩm đơn giản, giá rẻ, bỏ qua tiềm năng phát triển các sản phẩm cao cấp, mang tính nghệ thuật.

Qua thời kỳ bao cấp, các nghệ nhân thủ công đã bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới. Dù gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với thị trường, họ đã chứng minh được khả năng sáng tạo và “thổi” một làn gió mới  cho các làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, sự thiếu kinh nghiệm trong thiết kế sáng tạo, mức độ quảng bá còn yếu và vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vẫn là những thách thức lớn mà các nghệ nhân cần giải quyết để phát triển nghề bền vững.

Khó khăn trong sáng tạo thiết kế mẫu

Một trong những thách thức lớn nhất đối với các làng nghề thủ công hiện nay là hạn chế trong việc xây dựng đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, sáng tạo ra các họa tiết mới lạ. Theo ghi nhận của phóng viên tại các xưởng sản xuất, hoa văn trên nhiều sản phẩm thủ công thiên về các chủ đề quen thuộc như phong cảnh, làng quê hoặc các hình thù đơn giản, chưa có sự đột phá.

 
 

Một số tác phẩm sơn mài của nghệ nhân sơn mài Vũ Huy Mến. (Ảnh: Khánh Linh) 

Các sản phẩm lược sừng Trăm Nhung tại Thụy Ứng, Thường Tín, Hà Nội vẫn là những mẫu mã đơn giản, ít họa tiết. (Ảnh: Khánh Linh) 

Nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ, phần lớn thợ thủ công làng nghề vẫn đang dừng ở mức khéo tay, chưa đạt đến trình độ của những nghệ nhân thực thụ. Hình thức truyền nghề mang tính chất “cha truyền con nối” hoặc thông qua các lớp dạy nghề ngắn hạn. 

Trao đổi về vấn đề này, nghệ nhân Nguyễn Thanh Bình, người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề sơn mài Hạ Thái (Hà Nội), giải thích: “Ở Hạ Thái chúng tôi, việc học nghề chủ yếu diễn ra qua hai cách: mọi người chỉ dạy lẫn nhau trong quá trình làm việc hoặc tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn do các cơ quan chức năng tổ chức. Tuy nhiên, phần lớn vẫn mang tính thời vụ, chưa đào tạo bài bản."

Tại làng gỗ mỹ nghệ Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội), tình trạng này thể hiện rõ nét hơn khi các sản phẩm chủ yếu được tạo hình từ khuôn máy đục gỗ CNC hoặc dựa trên bản thiết kế có sẵn theo yêu cầu khách hàng. Chị Nguyễn Thị Trang, chủ một cơ sở sản xuất lớn tại đây, chia sẻ: “Việc sáng tạo mẫu thiết kế mới vẫn có nhưng không nhiều, hầu hết bên tôi sẽ tận dụng khuôn có sẵn để tối ưu thời gian và chi phí sản xuất.” Chính điều này đã phần nào làm giảm tính mới lạ của sản phẩm, hạn chế phần nào khả năng cạnh tranh trên thị trường hiện đại.

Ngoài ra, độ tuổi của đội ngũ nghệ nhân cũng là một rào cản trong việc bắt kịp xu hướng mới của thị trường. Theo chị Phạm Khánh Ly, một thợ thủ công trẻ đang làm việc trong ngành sơn mài cho biết: “Đa số nghệ nhân hiện nay thuộc thế hệ trung niên hoặc lớn tuổi, trong khi rất ít người trẻ còn theo nghề”. Điều này làm giảm khả năng thích ứng với gu thẩm mỹ hiện đại và nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Cô Phạm Thị Như (45 tuổi), một thợ mộc lâu năm tại xã Vạn Điểm, Thường Tín, chia sẻ: “Ở xưởng này, ngoài tôi còn nhiều thợ khác cũng tầm trên dưới 50 tuổi. Chúng tôi đều gắn bó với nghề từ rất lâu rồi". (Ảnh: Khánh Linh) 

Cần hướng đi mới cho nghề thủ công mỹ nghệ

Để duy trì và phát triển các làng nghề thủ công mỹ nghệ, nhà nước ta cũng không ngừng đầu tư phát triển và nêu ra những hướng đi mới cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tại Diễn đàn kết nối thương mại sản phẩm thủ công mỹ nghệ và chương trình OCOP, tổ chức bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TP. Hồ Chí Minh ngày 18/10, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: "Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tuy đã cải tiến về mẫu mã nhưng tính thẩm mỹ, nghệ thuật chưa cao; sử dụng nguyên liệu ảnh hưởng đến môi trường, chưa rõ nguồn gốc… Muốn giải quyết, cần thực hiện thêm các giải pháp đồng bộ để tổ chức sản xuất, đào tạo nhân lực và bảo tồn, phát triển làng nghề.”

Ngoài ra, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ hiện nay đã bắt đầu dần chú trọng hơn vào thiết kế, không chỉ đơn thuần tạo hình mà còn kết hợp giữa yếu tố thẩm mỹ, công năng và văn hóa dân tộc. 

Tác phẩm tranh sơn mài nhiều chi tiết lễ hội văn hóa truyền thống. (Ảnh: Khánh Linh)

 Mẫu mã những chiếc lược sừng gần đây bắt đầu đổi mới theo thị hiếu người trẻ với hình thù con vật dễ thương mèo, cá, đôi chim. (Ảnh: Khánh Linh)

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các làng nghề, các địa phương đang dần triển khai các chương trình đào tạo linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng và từng loại hình sản phẩm. Ngoài hình thức lớp học truyền thống, giới chuyên môn có thể tổ chức những khóa học ngắn hạn, hội thảo để cập nhật kiến thức, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm. 

Triển lãm thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ vừa được tổ chức ngày 14/11 tại Thạch Thất, Hà Nội. (Ảnh: Phú An)

Song song với đó, việc tìm hiểu xây dựng thương hiệu và kênh phân phối hiện đại như sàn thương mại điện tử, bán hàng trên mạng xã hội cũng là cần thiết. Hình thức đó giúp các nghệ nhân, thợ thủ công nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình trên thị trường.

Khánh Linh - Báo In K42

Phản hồi