Danh mục Chủ Nhật, 08/09/2024

Chuyên đề \

Lịch sử nên là môn tự chọn hay bắt buộc?

13:29 22-06-2024
“Lịch sử nên là môn tự chọn hay bắt buộc?” là vấn đề đã nhận được rất nhiều luồng ý kiến khác nhau từ khi Bộ Giáo dục tuyên bố Lịch sử là môn học tự chọn ở cấp THPT trong chương trình học 2018. 

Từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 cả nước sẽ bắt đầu học chương trình phổ thông mới. Theo đó, có bảy môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương.

Bộ Giáo dục quyết định đưa Lịch sử thành môn được lựa chọn ở cấp THPT. Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội, học sinh phải lựa chọn học 5 môn trong 3 tổ hợp (Khoa học tự nhiên: Sinh học, Vật lý, Hoá học; Khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý, Kinh tế và Pháp luật; Công nghệ và nghệ thuật gồm 4 môn học: Tin học, Công nghệ,  m nhạc, Mỹ thuật), trong đó mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn. 

Có ý kiến cho rằng môn lịch sử không nên được để tự chọn vì ít học sinh theo học. Ngược lại, cũng có quan điểm cho rằng cần thay đổi phương pháp dạy và học lịch sử trong trường để thu hút sự quan tâm của học sinh.

 Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Báo Thanh niên)

Vấn đề tranh cãi trong giáo dục. 

Xuất hiện rất nhiều luồng ý kiến trái chiều, phản đối việc đưa Lịch sử thành môn tự chọn. Bộ phận ấy cho rằng, Lịch sử nên là môn bắt buộc vì việc hiểu và biết về lịch sử của quốc gia và dân tộc của mình rất quan trọng. Thông qua các kiến thức về lịch sử, mỗi người có thể hiểu rõ hơn về nguồn gốc, văn hóa, truyền thống, và những giá trị cốt lõi mà dân tộc đã trải qua và phát triển qua các thế hệ. 

Tuy nhiên, việc để lịch sử là môn học bắt buộc mà không đảm bảo đủ chất lượng giảng dạy và xem trọng điểm số cũng là một vấn đề e ngại. Hầu hết các em học sinh đều sợ Lịch sử bởi trong các giờ kiểm tra trên lớp đều phải học thuộc lòng những số liệu, chi tiết kĩ càng thì mới có thể đủ điểm. Vì vậy, nỗi sợ học thuộc lòng môn Lịch sử bắt đầu từ đây, khiến số ít muốn chọn môn Lịch sử để học và thi. 

“Em rất thích học môn sử vì học sử em được biết thêm nhiều kiến thức về quá khứ của cha ông ta, dân tộc ta. Em được học thầy Hiếu dạy Sử ở trên lớp, thầy hay kể những câu chuyện lịch sử thu hút để ứng dụng vào bài học. Nhưng để kiểm tra Sử được điểm cao thì rất khó vì quá nhiều mốc thời gian. Nếu được chọn em sẽ không chọn học môn sử và thi khối có lịch sử mà sẽ chọn những môn khác để được điểm cao.” - Phương Anh (học sinh Lớp 9 - THCS Nam Trung Yên, Hà Nội) chia sẻ. 

“Dân ta phải biết sử ta”

Đó là lời dạy thấm thía mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói. Việc dạy sử, học sử luôn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của mỗi quốc gia, cũng như trong xây dựng, bồi dưỡng nhân cách của mỗi cá nhân. 

Môn Lịch sử có những đặc trưng đặc biệt, gắn liền với đất nước, gắn liền với mọi người dân, đặc biệt là những người từng chiến đấu bảo vệ đất nước, là nền tảng của dân tộc. Môn học này có chức năng rất rõ ràng là giáo dục lòng yêu nước, mà nước ta lại rất đặc biệt, trong bối cảnh cần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo hiện nay. 

Nếu đưa Lịch sử thành môn lựa chọn, hệ lụy trước mắt có thể không rõ ràng, nhưng sẽ âm thầm ảnh hưởng trong nhiều năm sau. Hàn Quốc và Nhật Bản đã rút ra bài học từ vấn đề này. 
Năm 2005, Hàn Quốc áp dụng chính sách đưa Lịch sử thành môn tự chọn, tuy nhiên đến năm 2017 đã phải quay lại quyết định để Lịch sử là môn học bắt buộc. Bởi khi Lịch sử là môn tự chọn, tỷ lệ đăng ký học lịch sử giảm dần đều theo thời gian. Và kéo theo đó là hệ lụy về một thế hệ trẻ không biết lịch sử, không biết gì về tướng Lý Thuấn Thuần – vị tướng nổi danh nhất lịch sử dân tộc. Đỉnh điểm vào năm 2013, Bộ Công an và An ninh Hàn Quốc công bố số liệu khảo sát giật mình rằng, có tới 52% học sinh Hàn Quốc không biết ngày nổ ra và kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Đó là con số cay đắng sau khi Hàn Quốc đã biến Lịch sử trở thành môn “tự chọn”.

Hậu quả của việc không được học Lịch sử không phải ngày một ngày hai mà biểu hiện ra ngay, mà nó tích lũy qua nhiều giai đoạn thời gian sau đó. Không có kiến thức về lịch sử có thể dẫn đến nhiều hệ lụy đối với sự phát triển tư tưởng, phát triển đạo đức, phát triển nhận thức về tính dân tộc, lòng yêu nước của người dân. Chúng ta sẽ mất đi kiến thức về quá khứ, mất đi bản sắc dân tộc, thiếu lòng tự hào dân tộc và tình yêu đất nước; và dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các thông tin sai lệch.

“Nếu cho chọn lựa thì chắc chắn học sinh sẽ không chọn học môn sử. Vì thế, quan điểm của trường môn lịch sử vẫn là môn học quan trọng. Vấn đề còn lại chính là giáo viên lịch sử, chúng tôi sẽ tích cực đổi mới để thu hút học sinh" - cô Trần Thị Hội - giáo viên Lịch sử trường THPT Ngô Thì Nhậm, Hà Nội khẳng định.  

Cần được “cách mạng"

Ở cấp học THCS - giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung Chương trình phân môn Lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp (từ lớp 6 đến lớp 9). Nội dung Chương trình phổ thông phân môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp THCS, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.

Cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử cấp THPT là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS. 

Ở cấp THPT, có thể để học sinh học 70 tiết theo chủ đề chính, còn 35 tiết của chuyên đề sẽ dành thời gian cho các em học khối xã hội nhân văn. Để môn học hấp dẫn và dễ tiếp thu hơn, vấn đề nằm ở sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy. Các thầy cô buộc phải thay đổi, không thể dạy theo cách đọc - chép như trước đây, mà cần đổi mới phương pháp giảng dạy, lôi cuốn học sinh tham gia và đóng góp trong các bài học. 

Cô Trần Thị Hội - giáo viên Lịch sử trường THPT Ngô Thì Nhậm, Hà Nội thừa nhận: “Giáo viên thay đổi để có những tiết học lịch sử hấp dẫn được toàn bộ học sinh là điều rất khó khăn. Thực tế cho thấy nhiều học sinh thích học sử và tìm hiểu kiến thức liên quan, nhưng lại ngán ngẩm việc học thuộc lòng để thi và làm bài kiểm tra. Do đó, chỉ đổi mới phương pháp giảng dạy thôi thì chưa đủ; cần phải đổi mới cả phương thức kiểm tra - đánh giá học sinh. Thay vì làm bài kiểm tra truyền thống, có thể cho học sinh thực hiện dự án hoặc thuyết trình về một nhân vật lịch sử, một giai đoạn lịch sử yêu thích... Điều này sẽ khiến học sinh hứng thú và đam mê hơn nhiều.”

Vì vậy, môn lịch sử không bị "xóa sổ" như dư luận lo ngại. Bên cạnh những học sinh chọn lịch sử theo định hướng nghề nghiệp ở bậc học cao hơn, các em khác có thể chọn học lịch sử vì yêu thích. Với sự phân hóa này, nếu môn lịch sử có sự thay đổi mạnh mẽ về phương pháp giảng dạy để trở nên hấp dẫn hơn, thì sẽ thu hút nhiều học sinh tự nguyện học thay vì bị ép buộc hoặc chỉ "học để thi".

Thuý Anh - MĐT 41

Phản hồi