Danh mục Chủ Nhật, 08/09/2024

Chuyên đề \

Giới trẻ có đang thờ ơ với lịch sử dân tộc?

21:42 17-06-2024
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn một bộ phận các bạn trẻ chưa thật sự quan tâm đúng mức, còn thờ ơ với lịch sử nước nhà.

Giá trị lớn nhất của lịch sử là giúp chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm từ quá khứ, hiểu rõ về cội nguồn của quê hương, đất nước; từ đó biết quý trọng những giá trị tốt đẹp mà cha ông ta đã để lại, tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị đó trong hiện tại và tương lai. Nói cách khác, lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, niềm tự hào với những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc. 

Lịch sử luôn là môn thi có điểm thấp báo động

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lịch sử luôn là một trong những môn học có điểm số thấp nhất trong kỳ thi THPT Quốc gia. Năm 2019, điểm trung bình môn Lịch sử là 4,3 điểm, tỷ lệ học sinh đạt điểm dưới trung bình là 70%. Năm 2021, môn lịch sử tiếp tục “gây sốc” khi có đến 540 điểm liệt, cao nhất trong tất cả các môn thi.

Đến năm 2023, phổ điểm môn Lịch sử đã có chiều hướng đi lên khi tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình chỉ còn 24,91%. Tuy nhiên, điểm trung bình môn vẫn chỉ xếp ở vị trí thứ hai từ dưới lên với 6,03 điểm. 

 Phổ điểm môn Lịch sử kỳ thi THPT Quốc gia 2023. (Ảnh: Bộ Giáo dục và đào tạo)

Lý giải nguyên nhân cho vấn đề này, cô Đoàn Thanh Mai, giáo viên lịch sử tại trường THPT chuyên Yên Bái cho rằng: “Một thực tế đáng buồn là nhiều em học sinh chỉ coi lịch sử là môn phụ và không thực sự chú trọng đến môn học này như Toán, Văn, Anh. Thứ hai là chương trình kiến thức trong sách giáo khoa quá nặng mà thời lượng học chỉ có 36 tiết/năm, tương đương 1,5 tiết/tuần. Chính vì thế, việc sáng tạo những cách thức truyền đạt mới hay tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm và tham gia các hoạt động ngoại khóa về lịch sử còn hạn chế và chưa đem lại hiệu quả cao.”

Lịch sử đang bị giới trẻ “bỏ quên”?

Qua khảo sát trên các trang mạng xã hội, có rất nhiều video phỏng vấn giới trẻ về những kiến thức lịch sử cơ bản. Với những câu trả lời ấp úng, ngập ngừng và sai kiến thức nghiêm trọng càng làm dấy lên nỗi nghi ngại về sự hiểu biết của giới trẻ với lịch sử nước nhà.
 

 Trong một video phỏng vấn, khi được hỏi 2/9 là ngày gì, bạn nữ trả lời là “Không biết”, sau khi được gợi ý, bạn trả lời lại là “Ngày giải phóng Việt Nam”. (Ảnh: Chụp màn hình)

Cũng trong một buổi phỏng vấn, hoa hậu cuộc thi Miss World Vietnam 2023 - Huỷnh Trần Ý Nhi đã nhận sự chỉ trích dữ dội của dư luận khi cô xếp tên mình ngang hàng với những nhân vật lớn của lịch sử, trong đó có vua Quang Trung. Trên khắp các diễn đàn, số đông khán giả cho rằng, thái độ hời hợt, có phần đùa cợt khi nhắc đến những danh nhân lịch sử và cách trả lời của tân hoa hậu đã thể hiện kiến thức về lịch sử của cô rất nông cạn. 

Trong tháng 3 vừa qua, Câu lạc bộ Lý luận trẻ Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng đã phải đóng fanpage, xin lỗi vì sai sót trong việc thiết kế ấn phẩm truyền thông sự kiện lịch sử Gạc Ma. Cụ thể, cộng đồng mạng đã phát hiện hình ảnh người lính hải quân Việt Nam trong poster được vẽ bằng AI nhưng lại cầm súng Mỹ, đội mũ sắt Mỹ, đi giày Mỹ. Sự việc lần này không chỉ cho thấy sự cẩu thả, thiếu nghiên cứu, kiểm duyệt thông tin mà còn thể hiện một khoảng trống kiến thức lịch sử đáng lo ngại của nhóm sinh viên trong câu lạc bộ lý luận này.
 

 Poster tuyên truyền về sự kiện Gạc Ma của câu lạc bộ Lý luận trẻ Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 gây tranh cãi. (Ảnh: CLB Lý luận trẻ)

Yêu lịch sử theo cách của giới trẻ

Cuối năm 2023 vừa qua, trong hạng mục “Nhân vật truyền cảm hứng” của giải thưởng WeChoice Award, đội ngũ truyền thông của di tích Nhà tù Hỏa Lò đã vinh dự được xướng tên bên cạnh rất nhiều những tên tuổi nổi tiếng của các ngôi sao giải trí. Điều này như một minh chứng cho thấy vẫn còn đó rất nhiều những bạn trẻ yêu sử, đam mê sử. Bằng những phương thức khác nhau, họ đang cố gắng truyền tình yêu và nguồn cảm hứng của mình để đưa lịch sử đến gần hơn với tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ.

Tận dụng lợi thế của thời đại công nghệ 4.0, những bạn trẻ đam mê lịch sử sáng tạo rất nhiều nội dung hữu ích trên các nền tảng mạng xã hội. Xóa bỏ định kiến lịch sử thường nhàm chán, khô khan, các bạn trẻ xây dựng nội dung theo hướng trẻ trung, hài hước, bắt “trend” nhưng vẫn truyền tải được trọn vẹn ý nghĩa, thông điệp của những sự kiện lịch sử liên quan. 

Em Nguyễn Thanh Phúc (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) chia sẻ: “Em không chỉ xem những video có nội dung về lịch sử để giải trí mà còn coi đó như một cách để em học và ghi nhớ những kiến thức, sự kiện lịch sử. Em thấy các anh chị làm nội dung rất thú vị và có nhiều có video xúc động. Qua đó vừa giúp em nâng cao kiến thức, vừa khiến em thêm tự hào về lịch sử dân tộc mình.”
 

 Giao Cùn và Trường Lịch Sử là 2 kênh Tiktok có nội dung chuyên về lịch sử nhận được sự quan tâm lớn của khán giả trẻ. (Ảnh: Chụp màn hình)

Có thể thấy, không thể chỉ nhìn vào điểm số hay một bộ phận nhỏ để làm thước đo toàn diện cho tình yêu lịch sử của giới trẻ. Người trẻ vẫn rất yêu lịch sử, và họ vẫn luôn hướng về quá khứ theo cách của riêng mình, mới mẻ, hiện đại và phù hợp hơn với sự phát triển chung của xã hội. 

Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong thời gian qua, nhà trường, thầy cô cần sớm thay đổi phương pháp giáo dục để có thể đưa lịch sử ngày càng đến gần hơn với các bạn trẻ, vun đắp từ sớm cho các em tình yêu và niềm tự hào với lịch sử nước nhà.

Thanh Huyền - MĐT K41

Phản hồi