Phim độc hại xuất hiện nhan nhản trên mạng
Hiện nay, một số bộ “phim ngắn” có nội dung nhảm, chứa nhiều tình tiết phản cảm, tục tĩu để bất chấp “câu view” đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, khiến nhiều người xem không khỏi khó chịu.
Những phim trên xây dựng kịch bản theo dạng “mì ăn liền”, xoay quanh chủ đề gia đình, tình yêu, đối nhân xử thế,... nhưng cài cắm nhiều chi tiết gây sốc, thậm chí phản khoa học. Ví dụ như: mẹ chồng giả làm cái bàn, “tiểu tam” cho vợ uống thuốc thu nhỏ để giật chồng, hay cô gái ẩn mình vào chiếc khăn bên đường để tránh một thanh niên gian xảo. Nhìn chung, những phim kể trên đều có cốt truyện vô giá trị, lạm dụng lối diễn lố lăng, phản cảm nhưng lại xuất hiện với tần suất dày đặc.
Là một trong số những khán giả đã từng xem qua những “phim ngắn” như vậy, bạn Nguyễn Tiến Dũng (20 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Cá nhân mình thấy hết sức buồn cười khi vô tình xem phải các phim như vậy. Mình buồn cười vì sự… ngớ ngẩn, vô lý trong chính nội dung, chứ không phải là sự hài hước hay có tính giải trí. Hơn nữa, mình nhận thấy các bộ phim ấy không đem lại được bài học hay giá trị tích cực nhất định nào cho người xem nên phim nhảm trên các nền tảng mạng xã hội cần bị hạn chế nhất có thể”.
Nhiều khán giả khác cũng bày tỏ sự khó hiểu, bức xúc, phản đối các phim có nội dung nhảm nhí trên mạng xã hội. Không ít người cảm thấy cách làm phim “câu view” bất chấp ấy là xúc phạm người xem, không nên tiếp tục xuất hiện trên mạng xã hội.
Thực tế cho thấy, dù nhận lại không ít chỉ trích từ người xem, những trang chuyên sản xuất và đăng tải phim phản cảm như vậy vẫn thu về một lượng tương tác “khủng”. Điều này chứng tỏ, chính sự phản đối của khán giả lại là động lực để ekip tiếp tục cho ra lò những bộ phim với kịch bản tương tự.
Thế giới ảo, hiểm họa thật
Việc phim nhảm tràn lan trên mạng xã hội đang trở thành một vấn đề đáng báo động, gây ra nhiều hệ lụy đối với người xem. Những nội dung nhảm nhí, phản cảm không chỉ làm giảm chất lượng văn hóa giải trí mà còn tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi và tâm lý của khán giả, nhất là những khán giả trẻ tuổi.
Chia sẻ về những hệ luỵ của thực trạng này, cô Bùi Thị Như Ngọc, T.S Văn hoá học - Th.S Báo chí học, Giảng viên Cơ sở văn hoá của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Phim nhảm khiến những giá trị sản phẩm văn hóa của con người bị tác động theo nhiều chiều cạnh. Nó dẫn tới việc làm méo mó và sai lệch nhận thức thế giới quan, nhân sinh quan của con người, đặc biệt là của giới trẻ.
Điều này ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của con người và văn hoá - xã hội. Trong trường hợp xấu nhất, nó có thể khiến văn hóa đất nước phát triển lệch lạc, tiêu cực và thậm chí dẫn đến nguy cơ thoái vong, phai nhạt bản sắc và đánh mất cái tôi văn hóa của đất nước, của dân tộc” cô Ngọc cho biết thêm.
Tiến sĩ cũng khẳng định, việc phim nhảm tràn lan trên mạng xã hội là một thực trạng đáng báo động bởi nó liên quan đến sự phát triển của văn hóa trong tương lai. Vì vậy, các nhà quản lý cần phải kịp thời và chủ động quyết liệt hơn nữa trong việc rà soát để hạn chế phim nhảm, đặc biệt là những phim mang định hướng phản cảm, dung tục hóa.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất nội dung nên tăng cường tỷ lệ xuất hiện của các sản phẩm giải trí, văn hóa có xu hướng tích cực nhằm xây dựng một xã hội nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc, thúc đẩy đầu tư hơn nữa cho sự phát triển của công nghệ thông tin và kỹ thuật để sở hữu những thuật toán có sức cạnh tranh nhằm lan tỏa các sản phẩm lành mạnh, tích cực.
Có thể thấy, phim nhảm không chỉ là vấn đề của cá nhân mà còn là vấn nạn của toàn xã hội. Để giải quyết thực trạng này, từ năm 2023, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đã thành lập Tổ chức công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng.
Tổ công tác này sẽ chịu trách nhiệm cấp, thu hồi giấy phép các loại phim đối với phim của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chưa đủ điều kiện. Tuy nhiên, để xử lý triệt để cần có sự chung tay của các đơn vị liên quan và mỗi cá nhân để hướng tới một không gian mạng "sạch" và đáp ứng tiêu chuẩn văn minh.
Phản hồi