Danh mục Thứ Tư, 04/12/2024

Tiêu điểm \

Trao giải hơn 30 tác phẩm trong chương trình "Những cống hiến thầm lặng"

20:00 03-12-2024
Chiều 3/12, lễ tổng kết chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" năm 2024 do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp cùng các đơn vị tổ chức được diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

 

Ban tổ chức cùng một số cá nhân được trao các giải thưởng. (Ảnh: Thanh Vân)   

Chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" năm 2024 được tổ chức nhằm mục đích tôn vinh sự đóng góp quan trọng của những cá nhân, tập thể trong việc thực hiện công tác chăm lo, đãi ngộ và những điều kiện tốt nhất cho lao động nữ, nhất là lao động nữ nhập cư phải đi thuê nhà. 

Tại lễ tổng kết, PGS,TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế Đô thị, Trưởng ban Tổ chức chương trình chia sẻ: “Thông qua dự án, chúng tôi mong rằng sẽ tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, các nhà hoạch định chính sách để quan tâm nhiều hơn nữa đối với hoạt động về an sinh cũng như các đối tượng yếu thế trong xã hội. ”

PGS,TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế Đô thị, Trưởng ban Tổ chức phát biểu tại lễ tổng kết. (Ảnh: Thanh Vân) 

Năm 2024 là năm đầu tiên Ban tổ chức phân tách hệ thống giải thưởng cho 2 đối tượng: tác giả chuyên nghiệp (cho nhà báo đang công tác và các tác phẩm đăng tải trên các cơ quan báo, đài) và không chuyên nghiệp (mọi công dân Việt Nam có các sản phẩm thông tin về vấn đề an sinh xã hội đăng tải trên các diễn đàn, mạng xã hội). 

Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức chọn đề tài an sinh xã hội và các kỹ năng xây dựng tác phẩm podcast; tổ chức Chương trình bình chọn podcast xuất sắc cho sinh viên Học viện. Ban tổ chức không chỉ phát động chương trình sản xuất, mà còn đồng hành cùng với hơn 60 sinh viên báo chí tham dự vào các buổi chia sẻ của chuyên gia, tập huấn về cách thức sản xuất sản phẩm báo chí số.

T.S Đinh Xuân Hòa - đại diện Viện Báo chí và Tuyên truyền nhận giấy chứng nhận tập thể xuất sắc nhất. (Ảnh: Thanh Vân)

Ban tổ chức đã nhận được 651 tác phẩm dự thi của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên (trong đó 514 tác phẩm chuyên nghiệp và 137 tác phẩm không chuyên). Các bài viết của các tác giả không chuyên nghiệp được đăng tải đa dạng trên các nền tảng như Tiktok, Facebook, Youtube và các diễn đàn khác. chương trình thu hút rất nhiều cây viết trẻ đến từ các trường đại học như: Đại học Văn hóa, Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền…

Các bài viết của những tác giả chuyên nghiệp đã có sự phong phú hơn về đề tài, đặc biệt đi sâu vào phản ánh câu chuyện an sinh xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều tỉnh thành của cả nước như: Lào Cai, Điện Biên, Nghệ An, Đắk Lắk, Hà Nội... 

Sau 2 vòng chung khảo và sơ khảo, đối với sân thi chuyên nghiệp, Ban Giám khảo đã lựa chọn được 22 tác phẩm chất lượng để trao giải, trong đó có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. 

Giải Nhất của khối chuyên nghiệp được trao cho tác phẩm "Giải pháp thu hút lao động làng nghề vào lưới an sinh thông qua chính sách bảo hiểm xã hội" của tác giả Lan Hương báo Đại đoàn kết. (Ảnh: Thanh Vân) 

Đối với sân thi dành cho tác giả không chuyên, Ban Giám khảo cuộc thi cũng đã chấm chọn ra được 12 tác phẩm lọt vòng chung khảo, bao gồm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích. 

Giải Nhất khối không chuyên được trao cho tác phẩm "Lao động nữ nhọc nhằn mưu sinh ở chợ Long Biên" của tác giả Chu Văn Công. (Ảnh: Thanh Vân)

Đặc biệt, Giải Nhì của nhóm tác giả không chuyên trao cho Đặng Hoàng An là một người khuyết tật và đang sinh sống tại Long An. (Ảnh: Thanh Vân) 

Thanh Vân - Báo In K42

Phản hồi