Danh mục Chủ Nhật, 08/09/2024

Chuyên đề \

Người trẻ và thú vui viết thư pháp

20:34 19-06-2024
Thư pháp - một bộ môn nghệ thuật tưởng chừng như đã cũ kỹ, gắn liền với hình ảnh các bậc cao niên trong tà áo dài khăn đóng, nay lại đang được giới trẻ Việt Nam đón nhận nồng nhiệt. Sự hồi sinh đầy bất ngờ này không chỉ mang đến một làn gió mới cho thư pháp mà còn thể hiện một tinh thần trân trọng và gìn giữ di sản văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ.

Thư pháp trong dòng chảy hiện đại

Trong thời đại công nghệ số, khi mà các thiết bị điện tử và bàn phím máy tính đã thay thế gần như hoàn toàn bút lông và giấy mực, thư pháp tưởng chừng như đã bị lãng quên. Tuy nhiên, chính trong bối cảnh đó, thư pháp lại tìm thấy một sức sống mới, một không gian riêng để tỏa sáng.

Thầy Kiều Quốc Khánh (bút danh Nguyệt Trà), một trong số những thư pháp gia vẫn đang miệt mài hằng ngày giữ nét đẹp truyền thống văn hoá Việt Nam. Chia sẻ về xu hướng mọi người tìm tới thư pháp trong cuộc sống hiện đại, thầy cho hay: “Bản thân những người tìm tới thư pháp đều là những người yêu thích những giá trị văn hoá truyền thống và mỹ thuật. Và thường thì mọi người đều muốn tìm cho mình một sự tĩnh tâm, bây giờ là mình gọi là sống chậm lại.”

  Thầy Kiều Quốc Khánh (trái). (Ảnh: Linh Nga)

Từ những nét chữ Nôm cổ kính đến những biến tấu hiện đại, thư pháp Việt Nam đang trải qua một cuộc "cách mạng" đầy sáng tạo. Giới trẻ không chỉ học cách viết thư pháp theo lối truyền thống mà còn mạnh dạn thử nghiệm những phong cách mới, kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc, tạo nên những tác phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân.

Nhiều người trẻ tìm đến thư pháp như một cách để tìm về những giá trị truyền thống, để cân bằng lại cuộc sống bận rộn và xô bồ. Việc tỉ mỉ cầm bút lông chấm mực, nhẹ nhàng đặt từng nét chữ lên giấy dó mang lại cho họ một cảm giác thư thái, tĩnh lặng, giúp họ quên đi những muộn phiền lo toan. Không chỉ vậy, thư pháp còn giúp giới trẻ kết nối với cội nguồn, tìm về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.Việc tìm hiểu về lịch sử, ý nghĩa của từng chữ viết giúp họ thêm yêu và trân trọng những giá trị văn hóa mà cha ông đã dày công vun đắp.

Những người trẻ giữ lửa

Trên khắp cả nước, ngày càng có nhiều câu lạc bộ, lớp học thư pháp dành cho người trẻ được thành lập. Những lớp học này không chỉ là nơi để truyền dạy kỹ thuật viết chữ mà còn là nơi để các bạn trẻ giao lưu, chia sẻ niềm đam mê, cùng nhau sáng tạo và phát triển. Điều này cho thấy mối quan tâm của mọi người, đặc biệt là giới trẻ, đối với thư pháp ngày càng mạnh mẽ. Đơn cử như Bộ môn Hán Nôm của trường của Đại học khoa học xã hội nhân văn, khoa tiếng Trung, tiếng Nhật của Đại học Ngoại ngữ, Đại học Ngoại Thương có thành lập các câu lạc bộ thư pháp… 

  Các câu lạc bộ thư pháp ở các trường đại học. (Ảnh: Facebook)

Ngày càng nhiều bạn trẻ tìm đến các lớp học, câu lạc bộ pháp để học hỏi và rèn luyện kỹ năng viết chữ đẹp. Lớp của thầy Khánh cũng có rất nhiều các bạn trẻ tìm tới học: “Các học viên của lớp tôi chủ yếu là lứa tuổi trẻ, sinh viên và công chức trẻ là nhiều. Với khối trẻ thì họ học thư pháp để tìm hiểu kỹ hơn về giá trị văn hóa truyền thống, cũng như là một thú vui mang lại cho các bạn trẻ sự tĩnh tâm, tinh trí hơn sau quãng thời gian làm việc căng thẳng ở công ty, cơ quan”.

  Lớp học thư pháp của thầy Kiều Quốc Khánh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Một số bạn trẻ còn tự mình tìm tòi, học hỏi qua sách vở, internet, tham gia các hội nhóm trực tuyến để trao đổi kinh nghiệm. Họ không ngại khó khăn, kiên trì luyện tập để nâng cao trình độ. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok trở thành nơi để người trẻ chia sẻ tác phẩm, trao đổi kinh nghiệm và kết nối với những người có cùng đam mê. Chính các nền tảng mạng xã hội cũng góp phần lan tỏa cái đẹp và giá trị nghệ thuật văn hoá truyền thống của thư pháp Việt Nam tới mọi miền Tổ quốc.

 Các video chia sẻ, hướng dẫn viết thư pháp trên mạng xã hội. (Ảnh: TikTok)

Nhiều bạn trẻ đã tìm thấy ở thư pháp một niềm đam mê thực sự. Họ dành thời gian nghiên cứu, luyện tập, và sáng tạo, không ngừng nâng cao trình độ thư pháp của mình. Đối với họ, thư pháp không chỉ là một thú vui, mà còn là niềm đam mê, là con đường để khám phá bản thân và phát triển tiềm năng nghệ thuật. 

Ngoài ra, viết thư pháp giúp các bạn trẻ rèn luyện nhiều đức tính tốt đẹp. “Thư pháp là để luyện trí, rèn tâm”, thầy Khánh cho biết. Luyện viết thư pháp mang lại sự kiên nhẫn và tập trung; phát triển tư duy sáng tạo, tự do thể hiện cá tính, cảm xúc của mình qua từng nét chữ cũng như nâng cao khả năng thẩm mỹ, cảm thụ cái đẹp. Chị Mai (23 tuổi) chia sẻ: “Học thư pháp giúp mình rèn luyện được tính kiên trì, ban đầu học thì cảm thấy hơi cực, như việc đứng viết lâu khiến mình cảm thấy mệt và đau chân… Nhưng học lâu rồi giúp mình kiên nhẫn hơn cũng như yêu các nét đẹp truyền thống văn hoá của Việt Nam hơn”.

Với đam mê và nhiệt huyết của những người trẻ, thư pháp Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những khó khăn này để tiếp tục phát triển. Các bạn trẻ ngoài việc viết thư pháp như một sở thích, thú vui, đồng thời cũng lan tỏa các giá trị văn hoá truyền thống của thư pháp tới cho nhiều người biết hơn nữa. Để bảo tồn và phát triển loại hình văn hoá nghệ thuật thư pháp không bị mai một mà ngày càng đậm đà bản sắc, chị Mai cho hay: “Mình vẫn luôn thường xuyên nói về việc học thư pháp của bản thân đối với người quen, bạn bè, rồi mình cũng đăng các bức thư pháp lên mạng xã hội để lan tỏa nét đẹp của thư pháp cho mọi người biết tới”.

Sự trỗi dậy của thư pháp trong giới trẻ Việt Nam là một hiện tượng đáng mừng. Nó cho thấy tinh thần trân trọng và gìn giữ di sản văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ. Với sự đam mê và sáng tạo của mình, những người trẻ đang thổi một làn gió mới vào thư pháp, giúp bộ môn nghệ thuật này tiếp tục tỏa sáng trong thời đại mới.

Linh Nga - MĐT K41

Phản hồi