Kịch bản phim Việt vẫn "ngựa quen đường cũ"
Sau những “cơn sốt” màn ảnh như Sống chung với mẹ chồng hay Quỳnh Búp bê, nhiều năm gần đây, phim Việt cả mảng điện ảnh lẫn truyền hình vẫn chưa có tính mới và đột phá, chỉ quanh quẩn các chủ đề như gia đình, tình cảm đôi lứa,... Một số phim chiếu rạp rơi vào tình trạng trên có thể kể đến là Chạm vào hạnh phúc (2023), Sám hối (2021), Nắng 3 - Lời hứa của cha (2020)... Bên cạnh đó cũng có một số phim truyền hình đi theo lối mòn kịch bản cũ như Tiệm ăn dì ghẻ (2020), Hương vị tình thân (2021),...
Năm 2024 là một năm sôi động đối với thị trường phim Việt khi hàng loạt các dự án phim được sản xuất và ra mắt công chúng. Trong đó, những “trái ngọt” điện ảnh như phim “Mai” của Trấn Thành, “Đào, Phở và Piano”, “Culi không bao giờ khóc”,... cũng như các phim truyền hình như Hoa Sữa Về Trong Gió, Người Một Nhà,... đã thành công thu hút khán giả.
Thành công là vậy nhưng thực tế, kịch bản của đa số phim Việt vẫn chỉ xoay quanh chủ đề gia đình, với các tình tiết “đặc trưng” như ngoại tình, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu,... Trong khi đó, những phim khiến khán giả thật sự ấn tượng thường là các bản làm lại từ kịch bản nước ngoài, ví dụ như Độc Đạo (làm lại từ One Way Out của Colombia) hay Hạnh Phúc Bị Đánh Cắp (làm lại từ Jang Bo Ri Is Here của Hàn Quốc).
Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tác văn học và biên kịch phim, nhà văn, biên kịch Thảo Trang (Tết ở làng Địa Ngục) chia sẻ: “Vài năm trước, phim remake là một sự lựa chọn cực kì an toàn bởi đã có cốt truyện chỉn chu, câu chuyện được thắt nút, mở nút hợp lý, lại có sức hút từ những thương hiệu sẵn có, cho nên rất nhiều dự án remake thắng lớn.
Tuy vậy, phim remake những năm gần đây đã không còn trở thành một sự lựa chọn bứt phá nữa vì khán giả bắt đầu quan tâm đến những nội dung có tính “nguyên bản” nhiều hơn, muốn nghe, muốn xem, muốn đọc nhiều hơn những câu chuyện được viết từ người Việt.”
Bạn Nguyễn Tú Anh (20 tuổi, Hà Nội), một người trẻ đam mê phim chiếu rạp cho hay: “Khi đi xem phim ngoài rạp, mình thường không chọn phim Việt vì lời thoại nhân vật hơi khiên cưỡng và mô típ kịch bản đã cũ, chỉ đơn thuần nói về đời sống gia đình hay nhân vật vượt khó,... Trong tương lai, nếu các nhà làm phim sáng tạo những kịch bản về các khía cạnh khác mới mẻ hơn thì mình sẽ cân nhắc ra rạp ủng hộ phim Việt.”
Bạn Nguyễn Minh Khuê (20 tuổi, Hà Nội) cũng bày tỏ ý kiến của mình về một số phim giờ vàng Việt Nam: “Nhìn chung, mình thấy kịch bản phim truyền hình hiện nay đa số có tính giải trí, có thể xem để giết thời gian vào mỗi tối. Tuy nhiên, mặt logic các phim hiện tại đang không ổn, có nhiều tình tiết dễ đoán hoặc khiến người xem… bực mình.
Mình mong muốn các nhà làm phim truyền hình Việt Nam có thể khai thác thêm về chủ đề trinh thám, hình sự vì cá nhân mình thấy vừa rồi phim Độc đạo (thuộc thể loại hình sự) đã làm rất tốt, những phim sau có thể học tập, phát huy. Mình cũng mong các chi tiết trong phim có thể làm cho người xem tò mò, bất ngờ nhiều hơn.”
Vấn đề về “cơn khát” kịch bản đột phá tuy không còn còn mới nhưng vẫn còn vô cùng nan giải đối với nhiều nhà làm phim Việt Nam. Những chủ đề như lịch sử, văn hoá dân gian, khoa học viễn tưởng,... dù là mảnh đất “màu mỡ” nhưng vẫn chưa được khai thác. Nếu cứ lặp lại những bộ phim cùng một chủ đề, việc xem đi xem lại một mô típ kịch bản dễ khiến người xem cảm thấy nhàm chán.
Kịch bản độc lạ - vì sao còn hiếm?
Việc kịch bản phim Việt vẫn chỉ luẩn quẩn ở các chủ đề an toàn, chưa xuất hiện những chủ đề mới có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Biên kịch Nguyễn Phú Hậu, người chắp bút cho phim Siêu lừa gặp siêu lầy chia sẻ: “Thực chất, các biên kịch Việt Nam rất muốn khai thác các chủ đề phim thú vị và mới lạ. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có đủ điều kiện để các kịch bản đó được thực hiện vì phục trang, hóa trang, diễn viên,... ở Việt Nam chỉ dừng ở mức cơ bản và khá, chưa có nơi nào có khả năng đáp ứng được tốt nhất có thể yêu cầu của những kịch bản mới lạ.
Ví dụ, một kịch bản khoa học viễn tưởng thường gặp những vấn đề như thiếu phim trường để sản xuất, kỹ xảo hình ảnh chưa đủ “mạnh”, hay các nhà đầu tư có chịu chi cho kịch bản đó được thực hiện ở Việt Nam không; kịch bản về lịch sử thì không chỉ thiếu phim trường bối cảnh lịch sử mà còn thiếu tay nghề tạo hình nhân vật để nhân vật ấy trông thật “đúng” với giai đoạn lịch sử trong kịch bản.”
Ngoài vấn đề về điều kiện sản xuất và nhân sự làm phim kể trên, nhà văn, biên kịch Thảo Trang cho rằng vấn đề kinh phí làm phim cũng rất cần được chú ý đến: “Vì kinh phí của thị trường phim tại Việt Nam còn hạn chế nên những kịch bản có yêu cầu cao như khoa học viễn tưởng, thần thoại, lịch sử,... đều rất khó để các nhà làm phim chọn và thực hiện.”
Biên kịch Nguyễn Phú Hậu cũng cho biết thêm: “Thực tế, khán giả thường không đặt niềm tin vào các phim có kịch bản có chủ đề khác lạ do Việt Nam sản xuất, trong khi yếu tố thị hiếu khán giả là yếu tố chủ chốt để một kịch bản có thể “thuyết phục” khán giả đến phòng vé. Dù mỗi biên kịch đều rất muốn khẳng định chất riêng của mình qua các tác phẩm nhưng đều phải đặc biệt chú ý xem liệu cách “kể chuyện” đã phù hợp với thị hiếu khán giả hay chưa.”
Ngoài những nguyên nhân kể trên, chính bản thân nghề biên kịch cũng có những cái khó nhất định khiến họ dù có ấp ủ những kịch bản đột phá vẫn chưa thể hiện thực hoá được. Đứng ở vị trí người trong nghề, anh Nguyễn Phú Hậu cho cho hay: “Các nhà làm phim thường rất tiết kiệm trong khâu kịch bản, khiến cho lương của biên kịch Việt Nam không có “giá sàn” cụ thể, nghề biên kịch thường bị ép giá, hoặc buộc mình phải phá giá, trong khi “giá sàn” của những vị trí khác lại rất rõ ràng, ví dụ như một người kéo nét máy quay (focus camera) có thể nhận được 3 triệu đồng/ngày, một người làm âm thanh có thể được trả 1 triệu đồng/ngày.”
Như vậy, nếu chất xám của các biên kịch không được ghi nhận một cách xứng đáng, dù có nhiệt huyết và yêu nghề hết mực, vẫn rất khó để các biên kịch dồn tâm sức sáng tạo ra các kịch bản thật sự tạo được tiếng vang, thoát khỏi lối mòn và đem đến cho khán giả những sản phẩm điện ảnh thật sự mới lạ.
Làm sao để giải được “cơn khát” kịch bản đột phá?
Theo quan điểm của nhà văn, biên kịch Thảo Trang, có hai giải pháp dành cho chính người biên kịch để “giải” được “cơn khát” kịch bản cho phim Việt, đó là không chạy theo thị trường và không được phép lặp lại chính mình. “Cá nhân mình không bao giờ chạy theo thị trường, bởi hôm nay người ta thích cái này, mai người ta thích cái khác. Vì thế, mình chỉ viết những thứ mình thực sự thích và giữ được ngọn lửa động lực lâu dài.” nhà văn, biên kịch Thảo Trang nói.
Biên kịch Nguyễn Phú Hậu cũng bày tỏ: “Các biên kịch thay vì hoạt động đơn lẻ thì nên “hợp” lại ở một nơi có tính liên kết cao, ví dụ như một hội gồm các nhà biên kịch trong nước nhằm đại diện cho tiếng nói của biên kịch Việt Nam cũng như để tạo ra nguồn kịch bản tốt. Ở đó, bản thân các nhà biên kịch cũng có thể định giá kịch bản của mình và các nhà đầu tư có thể tìm đến chọn lọc kịch bản.”
Khi đã có những kịch bản tốt, việc cần làm tiếp theo của các nhà sản xuất phim là tìm cách để biến kịch bản trên giấy thành tác phẩm sống động trên màn ảnh, thu hút người xem. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào đạo diễn, diễn viên, kỹ thuật làm phim,...
Kịch bản đóng vai trò là bước khởi điểm để các nhà làm phim “thai nghén” một dự án phim. Chỉ khi được cân nhắc đầu tư nâng cao chất lượng, thị trường điện ảnh Việt Nam mới "đón" được những làn gió mới, thoả mãn nhu cầu giải trí của khán giả trong nước, vừa thu hút sự đón nhận của khán giả quốc tế.
Phản hồi