Lịch sử lâu đời
Khắc gỗ đã xuất hiện từ hàng nghìn năm trước và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động hành chính, thương mại và tôn giáo.
Các nghệ nhân xưa sử dụng các công cụ thủ công như dao, đục để tạo nên các hoa văn và ký tự trên bề mặt gỗ. Những kỹ thuật này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ năng cao để tạo ra những đường nét sắc sảo. Gỗ thường được chọn là các loại gỗ cứng như gỗ lim, gỗ trắc để đảm bảo con dấu có thể sử dụng lâu dài mà không bị mài mòn.
Loại hình khắc gỗ nghệ thuật này không chỉ lưu truyền qua những hình ảnh trên báo đài, sách vở mà còn hiện hữu ngay trên con phố Hàng Quạt, Hà Nội. Ông Phạm Ngọc Toàn (Hàng Quạt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã 40 năm gắn bó với nghề khắc dấu gỗ thủ công. Ông luôn tâm huyết giữ gìn nghề truyền thống của gia đình, từng ngày bảo tồn những giá trị văn hóa đất Hà thành xưa.
Nghề khắc gỗ được lưu truyền 4 đời, ông đã ngồi tại quán nhỏ này từ năm 1993. Được gắn bó với nghề từ nhỏ, nên "cái nghề đã ngấm vào trong người". Ông Toàn chia sẻ: “Tôi đã dạy nghề cho ba người học trò, các bạn ăn tại nhà để học nghề hết. Sau khi học xong thì mỗi người 1 hướng nhưng vẫn có bạn theo và làm khắc dấu gỗ”
Những con dấu được khắc đục theo yêu cầu, theo mong muốn của khách hàng, từ khắc tên, hình hay thậm chí cả chân dung luôn được bàn tay ông khéo léo hoàn thiện. Nhờ sự độc đáo, tạo nên những thành phẩm mang tính cá nhân hóa nên những con dấu gỗ không chỉ tiếp cận được với người thế hệ trước mà còn được các bạn trẻ hứng thú và quan tâm.
Khắc gỗ “chuyển mình”
Ngày nay, nghệ thuật khắc gỗ không chỉ giữ gìn những giá trị truyền thống mà còn phát triển mạnh mẽ với những đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và ứng dụng trong thời đại mới.
Nghệ thuật khắc gỗ hiện đại mở rộng sang nhiều chủ đề hơn, từ truyền thống đến hiện đại, từ các hoa văn cổ điển đến các thiết kế sáng tạo, độc đáo. Như tài khoản mạng xã hội trên, với sự khéo léo các bạn trẻ đã giúp khắc gỗ “chuyển mình” sang một nét độc đáo mới lạ.
Về việc người trẻ khắc gỗ, Minh Hải - sinh viên năm 3 trường Mỹ thuật công nghiệp chia sẻ: “Khi học ở trường thì em được tiếp xúc với khắc gỗ và cảm thấy rất thú vị. Việc khắc rất tỉ mỉ, cẩn thận từng mũi một nên hoàn thiện 1 tác phẩm thì khá mất thời gian. Ngoài ra, khắc gỗ đã xuất hiện từ rất lâu nên việc bọn em được học và làm môn này cũng là một cách để giữ gìn truyền thống, đây cũng là một điểm em cảm thấy khá vui vì mình được làm khắc gỗ. Mong rằng sau này, giới trẻ sẽ được tiếp cận nhiều hơn với môn này ạ.”
Nghệ thuật khắc gỗ thời hiện đại, với sự kết hợp giữa truyền thống và sáng tạo, đã và đang phát triển mạnh mẽ, mang đến những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và đầy ý nghĩa. Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, những khối gỗ vô tri vô giác đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, là biểu tượng của văn hóa và sự sáng tạo không ngừng.
Nghệ thuật khắc gỗ, từ xưa đến nay, luôn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa và nghệ thuật. Từ những con dấu, bức tranh của các triều đại phong kiến đến những tác phẩm nghệ thuật hiện đại, khắc gỗ đã và đang phản ánh sự sáng tạo, kỹ năng và tinh thần của con người qua từng thời kỳ. Việc kế thừa và phát triển nghệ thuật này không chỉ giúp bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống mà còn mang đến những tác phẩm mới mẻ, sáng tạo, phù hợp với xu hướng và nhu cầu của thời đại.
Phản hồi