Danh mục Thứ Năm, 19/12/2024

Chuyên đề \

“Di sản” ẩm thực truyền thống - hương vị xưa trường tồn trong dòng chảy hiện đại

18:52 14-12-2024
Những “di sản” ẩm thực truyền thống là hiện thân cho cội nguồn, đất nước và con người Việt Nam, mang nhiều giá trị văn hóa, tinh thần to lớn. Những món ăn gần gũi ấy không chỉ mang cái hồn cốt của ẩm thực xưa mà còn thu hút cả những thực khách thời hiện đại.

Nét đặc trưng của “di sản” ẩm thực truyền thống

Với bề dày lịch sử văn hóa phong phú và đa dạng, bức tranh văn hoá ẩm thực Việt Nam được thêu dệt nên bởi những  đặc trưng của ba miền Tổ quốc. TS. Nguyễn Thị Hồng Yến với bài báo “Phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam theo hướng bền vững” (Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 30/9/2024) đã viết: “Việt Nam có 3 miền Bắc, Trung, Nam, mỗi miền đều có những món ăn đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Ẩm thực mỗi vùng, miền đều có nét đặc trưng riêng, đa dạng, hài hòa, tinh tế, dễ thưởng thức và chứa đựng tính nghệ thuật cao”. Tuy nhiên cái riêng đó không làm tách biệt nền ẩm thực nước ta mà có sự đan xen, hoà quyện tạo nên bản sắc đặc biệt.

Với những giá trị văn hoá đầy tự hào, Phở Hà Nội đã trở thành món ăn mang theo bản sắc dân tộc. (Ảnh: Trần Phương) 

Sự pha trộn hài hoà của văn hoá ẩm thực ba miền đã góp phần làm “giàu” thêm cho kho tàng di sản ẩm thực nước ta. Theo dòng chảy lịch sử, nhiều món ăn biểu tượng  cho văn hoá ẩm thực Việt Nam đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, song vẫn giữ được nguyên bản những hương vị xưa cũ.. Tiêu biểu trong đó là phở Hà Nội, bún bò Huế, Pphở Nam Định, mỳ Quảng….Đây là những món ăn quen thuộc  mà mọi thế hệ người Việt đều đã từng được thưởng thức. 

Vào tháng 8/2024, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã ký ban hành các Quyết định chính thức đưa mỳQuảng, phở Nam Định và phở Hà Nội vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Xứng đáng được nâng tầm thành di sản, những món ăn này không chỉ bởi hương vị cuốn hút đặc trưng mà còn là hệ tri thức dân gian được lưu truyền, gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. 

Hơn hết, những món ăn này còn có khả năng đại diện cho một miền văn hoá, cho cả đất nước và con người của một quốc gia. Phở, bún bò hay cơm tấm không những chinh phục được thực khách Việt Nam mà còn làm “xiêu lòng” những thực khách quốc tế. Theo bình chọn từ các diễn đàn quốc tế, trên trang Lonely hay tạp chí Business Insider đều công nhận và đánh giá ẩm thực Việt truyền thống là món ăn nên trải nghiệm bởi hương vị đậm đà, hợp vị giác.

Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết, người đã dành cả đời để đắm chìm và nghiên cứu về ẩm thực truyền thống cho biết, tầm vóc và hình hài ẩm thực Việt đang dần có chỗ đứng trên trường quốc tế. Để đạt được điều này là cả quá trình nỗ lực sáng tạo không ngừng và thể hiện sự sáng suốt trong tận dụng triệt để nông sản sạch của Việt Nam để tạo nên hương vị đặc biệt trong từng món ăn đậm đà.

Nghệ nhân Ánh Tuyết tự hào rằng, chính những nông sản thực phẩm được trồng trọt, thu hoạch tại quê hương cùng với cách chế biến nấu ăn mang đặc trưng, phong cách của người dân bản địa đã giúp định vị ẩm thực truyền thống theo cách riêng nhưng vẫn giữ nguyên hồn cốt dân tộc. Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực ẩm thực, bà luôn tâm niệm, để tạo nên một mâm cơm mang phong cách cổ xưa của người Việt thì những nguyên liệu chính của món ăn phải được đúc kết từ nguồn gốc của Việt Nam mà không có sự lai căng từ nước ngoài.

 Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Ánh Tuyết và niềm đam mê gìn giữ ẩm thực cổ truyền. (Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam)

Yếu tố làm nên sức hút và sự trường tồn cho những “tri thức dân gian” về ẩm thực như phở Hà Nội, phở Nam Định hay mỳ Quảng nằm ở khả năng lựa chọn và kết hợp nguyên liệu đầy tinh tế. Những món ăn được lưu danh là di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam bởi thành phần làm nên những món này đều được chắt lọc và sử dụng hoàn toàn từ nông sản Việt. Bên cạnh đó, người Việt đã thể hiện sự trân trọng và sáng tạo của mình đối với nền văn minh lúa nước thông qua việc biến tấu đa dạng các món ăn từ lúa gạo.

Quảng bá mạnh mẽ ẩm thực truyền thống 

Lưu giữ văn hóa ẩm thực truyền thống Việt Nam đã trở thành câu chuyện lịch sử mang ý nghĩa thiêng liêng hiện thân cho giá trị văn hóa của cả một dân tộc. Tuy nhiên để những món ăn mang hương vị cổ truyền được sống mãi trong tiềm thức của mọi thế hệ người Việt lại là một thử thách lớn. Điều này đòi hỏi những người có sứ mệnh lưu truyền ẩm thực truyền thống phải có cách lan tỏa những di sản ẩm thực một cách tinh ý và sáng tạo. Đó là cả quá trình lao động nghệ thuật bởi những người nấu ăn phải thực sự thấu hiểu cảm nhận, suy nghĩ, thị hiếu của người tiếp nhận. Trên cơ sở đó, người đầu bếp sẽ điều chỉnh cách chế biến để phù hợp hơn nhưng vẫn giữ nguyên nét đặc trưng của hương vị truyền thống.

 Lưu giữ tình yêu ẩm thực quê nhà đối với những người trẻ luôn là khát khao của những người nấu phở. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Cùng với những người trực tiếp tạo nên các món ăn truyền thống, thái độ của công chúng trong thưởng thức những món ăn đó là yếu tố quan trọng để những di sản ẩm thực Việt lưu danh mãi trong lòng bao thế hệ. Dưới sự tác động của công nghệ số, thế hệ trẻ đang dần làm quen với xu hướng thưởng thức ẩm thực truyền thống theo cách hiện đại. Họ không đơn thuần chỉ thưởng thức và cảm nhận hương vị tuyệt hảo của món ăn mà còn có cách lan toả nét đẹp ẩm thực dân gian đến cộng đồng một cách độc đáo và sâu sắc.

Bày tỏ suy nghĩ về cách thức khám phá và lưu truyền di sản ẩm thực trong bối cảnh hiện tại, Trần Thị Yến Nhi (18 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Thưởng thức ẩm thực truyền thống luôn đem đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Khi thưởng thức các món ngon với hương vị đặc sắc, tôi thường có thói quen chụp ảnh và đăng tải những khoảnh khắc đó lên mạng xã hội. Tôi nghĩ đây là cách mà giới trẻ đã và đang làm để lan toả rộng rãi bản sắc ẩm thực nước ta”.

Các thông điệp về gìn giữ tinh hoa ẩm thực truyền thống có thể được lan tỏa tích cực hơn nhờ việc tận dụng các tính năng của công nghệ số để truyền tải hệ giá trị về ẩm thực một cách hiệu quả. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram,... đã và đang trở thành không gian để các bạn trẻ đam mê ẩm thực lan toả những hình ảnh, video đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Là người trẻ có niềm khát khao lan tỏa các giá trị về ẩm thực di sản đến đông đảo công chúng trên mạng xã hội, Hoàng Quỳnh Nga (20 tuổi, Đại học Văn hoá Hà Nội) tâm sự: “Lý do tôi lựa chọn sử dụng nền tảng mạng xã hội để lan tỏa nội dung về ẩm thực truyền thống bởi đây là “cánh cửa” để kết nối với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ gần gũi hơn. Những video tôi đăng tải về chủ đề ẩm thực truyền thống may mắn nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng qua các lượt tương tác hay bình luận tích cực. Đây là hành trình cá nhân ý nghĩa mà tôi đã, đang và sẽ tiếp tục làm để truyền tải thông điệp về gìn giữ ẩm thực dân gian”.

 Quỳnh Nga đang nỗ lực sáng tạo nội dung và xây dựng Fanpage truyền thông về ẩm thực truyền thống. (Ảnh chụp màn hình)

Cùng thuộc thế hệ Gen Z như 2 bạn trẻ trên, Nguyễn Ngọc Minh (20 tuổi, Sóc Sơn) luôn tâm niệm: “Giới trẻ ngày nay là thế hệ sinh ra trong thời bình được kế thừa những giá trị văn hoá truyền thống nên cần có trách nhiệm học hỏi và bảo tồn các giá trị cốt lõi của ẩm thực truyền thống. Bên cạnh đó, với khả năng nắm bắt và thích ứng nhanh chóng với công nghệ, các bạn trẻ đã có sự tiếp biến sáng tạo trong chế biến và thưởng thức các món ăn mang hương vị cổ truyền”.

Di sản ẩm thực truyền thống không chỉ là những món ăn mang đậm hương vị quê hương mà còn là nơi kết tinh giá trị văn hóa, phong tục, và tâm hồn của một dân tộc. Việc kết hợp di sản ẩm thực với những xu hướng đương đại không chỉ góp phần giữ gìn mà còn giúp lan tỏa giá trị này ra thế giới, đồng thời khẳng định bản sắc độc đáo của dân tộc trên bản đồ văn hoá thế giới. Trên hành trình đó, thế hệ trẻ giữ vai trò then chốt trong bảo tồn và phát huy bền vững ý nghĩa của ẩm thực dân gian trong xã hội hiện đại.

Trần Phương - Báo in K42

Phản hồi