Danh mục Thứ Năm, 19/12/2024

Chuyên đề \

Sáng mãi tình đồng đội và ý chí người lính Cụ Hồ

21:34 18-12-2024
Chiến tranh đã qua đi, nhưng những ký ức về tình đồng đội keo sơn và ý chí kiên cường của những người lính vẫn còn mãi. Với cựu chiến binh Nguyễn Đình Tiến - người từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên năm 1971, những năm tháng khốc liệt ấy là biểu tượng thiêng liêng của tình đồng đội, minh chứng cho tinh thần bất khuất, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của người lính Cụ Hồ.

Tình đồng đội nơi chiến trường khốc liệt

Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên 17 tuổi - Nguyễn Đình Tiến khi ấy đã cùng khoảng 1000 thanh niên khác tình nguyện tham gia nhập ngũ, đóng quân tại Hiệp Hòa, Bắc Giang. Sau 3 tháng hành quân từ Bắc Giang vào Thanh Hóa, sư đoàn ông Tiến men theo đường số 7 của Lào để tiến vào chiến trường Tây Nguyên khốc liệt. Trong suốt những năm tháng chiến đấu gian khổ, ông đã góp mặt trong nhiều trận chiến lớn, chiến thắng vang dội tại Đăk Tô - Tân Cảnh, Ngọc Bay Ngọc Hồi, Đồi Tròn Trung Nghĩa,... 

Giữa bom đạn ác liệt và muôn vàn thiếu thốn, tình đồng đội được xây dựng từ những điều bình dị sâu sắc, trở thành điểm tựa tinh thần lớn lao cho những người lính trẻ. Dù đến từ những vùng quê khác nhau, nhưng những người lính đều xem nhau như máu thịt, cùng nhau vượt qua những gian khó, khắc nghiệt. “Anh em thương nhau còn hơn ruột thịt. Có gì ngon, ai cũng nhường nhịn cho người khác trước", ông Tiến chia sẻ.

Ông Tiến vẫn giữ mãi một kỷ vật đặc biệt, đó là chiếc ca nhôm của lính Mỹ, món quà từ người đồng đội đã tặng ông khi ông bị thương vào năm 1973. Đến nay, chiếc ca ngày ấy vẫn được ông giữ cẩn thận, đó không chỉ là một đồ vật bình thường mà còn là biểu tượng cho tình cảm gắn bó giữa những người đồng đội. 

Chiếc ca nhôm của lính Mỹ năm 1973. (Nguồn: Soha) 

Ký ức đáng nhớ nhất của ông Tiến trong những năm tháng ở chiến trường là khi ông chiến đấu cùng đồng đội trong trận chiến Đồi Tròn Trung Nghĩa năm 1973. Trong khoảng 1 tiếng rưỡi giao chiến cùng kẻ thù, ông và người đồng đội thân thiết – ông Nguyễn Công Thọ đã bị địch tấn công bằng lựu đạn. Trước ranh giới của sự sống và cái chết, ông Thọ đã trao lại khẩu súng AK của mình cho ông với lời dặn cầm súng tiếp tục chiến đấu. Ngay sau câu nói đó, ông Tiến mãi mãi mất đi người tiểu đội phó thân thiết của mình. Sự hy sinh ấy không chỉ là nỗi đau mà còn là nguồn sức mạnh để ông Tiến tiếp tục chiến đấu, trả thù cho đồng đội và bảo vệ Tổ quốc. 

Ảnh minh họa hoàn cảnh của ông Tiến và đồng đội giữa mưa bom bão đạn. (Nguồn: Giáo dục Việt Nam) 

Tây Nguyên những năm chiến tranh đầy rẫy khắc nghiệt, không chỉ đối mặt với bom đạn mà còn phải chịu đựng sự tàn phá của chất độc hóa học. Những cánh rừng chết khô, trắng xóa vì chất độc da cam trở thành nơi sinh hoạt, cư trú và chiến đấu của bộ đội ta. “Khi ấy, chúng tôi không biết đó là chất độc màu da cam, mà chỉ lấy khăn mặt ướt để che chắn tạm thời rồi tiếp tục hành quân, đào hầm, chiến đấu” ông Tiến nhớ lại.

Ngọn lửa chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi đau chiến tranh để lại quá lớn. Những người lính chiến trường Tây Nguyên như ông Tiến không chỉ đối mặt với thương tích chiến tranh mà còn phải chịu đựng hậu quả của chất độc màu da cam. Tuy mang trong mình căn bệnh ung thư do di chứng chất độc hóa học, ông Tiến vẫn sống lạc quan, vì ông hiểu rằng, ông đang sống thay cho những người đồng đội đã hy sinh.

Ý chí và tinh thần bất khuất của người lính

Dẫu chiến tranh đã lùi xa, ý chí bất khuất và tinh thần quả cảm của những người lính cụ Hồ vẫn là những giá trị trường tồn mãi mãi. Khi được hỏi điều gì giúp ông kiên cường trước mọi khó khăn, ông Tiến khẳng định: “Đó là ý thức trách nhiệm với Tổ quốc và tình đồng đội.” Lời dạy của Bác Hồ: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” luôn là kim chỉ nam dẫn đường cho ông và đồng đội.

Không gì có thể làm lung lay ý chí của những người lính như ông. Kẻ thù có đủ mọi kế hoạch, từ đe dọa, dụ dỗ đến bắt nhốt, bỏ đói, nhưng những người lính vẫn là một lòng vì nước. Năm 1972, trong trận chiến ác liệt tại Thị xã Kontum, ông Tiến cùng một số đồng đội khác bị địch bắt nhốt và bỏ đói nhiều ngày với âm mưu muốn lấy thông tin của quân đội ta. Trước mọi thủ đoạn của kẻ thủ, những người lính vẫn không một lần lung lay, quyết trí trung thành giữ vững lời thề son sắt với Tổ quốc, quê hương. Cuối cùng, bằng ý chí kiên cường và tinh thần không chịu khuất phục trước kẻ thù, ông cùng đồng đội đã mở ra “con đường máu”, vượt qua vòng vây để trở về với đồng đội. 

Trung đoàn 66 làm chủ căn cứ 42, ngày 24/4/1972. (Nguồn: Tư liệu Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên)

Những câu chuyện về tình đồng đội nơi chiến trường khói lửa của ông Tiến là minh chứng sống động về sự hy sinh, ý chí kiên cường và tình đồng đội keo sơn của những người lính Bộ đội Cụ Hồ. Chúng không chỉ là ký ức mà còn là lời nhắc nhở quý giá, cho thế hệ trẻ về trách nhiệm bảo vệ và xây dựng đất nước. Tình đồng đội – một ngọn lửa bất diệt sẽ mãi cháy sáng, không chỉ trong trái tim của những người lính mà còn trong tâm hồn của mọi người dân Việt Nam.

Kim Thủy - Báo In K42

Phản hồi