Danh mục Thứ Bảy, 14/12/2024
Dệt thêu những tinh thần bất diệt -0

Văn hóa, nghệ thuật không chỉ là liều thuốc tinh thần dành cho người lính sau những giờ chiến đấu, luyện tập vất vả, mà còn có vai trò định hướng, bồi đắp phẩm chất, nhân cách, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Dệt thêu những tinh thần bất diệt -0

Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật cũng được Đảng ta hết sức quan tâm và coi là yếu tố cốt lõi trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị. Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa trong Quân đội; đồng thời ban hành các chỉ thị, hướng dẫn triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Trong môi trường luyện tập đầy khó khăn, thử thách của quân ngũ, nghệ thuật nói chung vừa làm vơi đi những căng thẳng, vừa có tính giáo dục mạnh mẽ, giúp định hình nhân cách, phẩm chất và ý chí của những người cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, các hoạt động văn hóa, văn nghệ không chỉ giúp giải trí mà còn là cầu nối góp phần đưa lý tưởng sống cao đẹp thấm sâu vào tâm hồn mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Dệt thêu những tinh thần bất diệt -0

Những bài ca, vở kịch tái hiện hình ảnh người lính bất khuất trước bom đạn không đơn thuần kể những câu chuyện cũ, mà còn là bài học cho cuộc sống hiện tại, là lời nhắn gửi, khích lệ người lính giữ vững niềm tin, kiên cường trước mọi khó khăn. Những giá trị về lòng kiên trung, sự hy sinh cao cả và tinh thần đồng đội đã trở thành kim chỉ nam cho những thế hệ chiến sĩ trẻ. Họ không chỉ học cách chiến đấu với kẻ thù mà còn học cách chiến thắng chính mình, giữ vững bản lĩnh trước những thử thách cam go.

Với sự quan tâm đặc biệt ấy, các đoàn văn công, nhà hát Quân đội thường xuyên đưa văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật tới những nơi đóng quân, làm nhiệm vụ trên khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là địa bàn biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa của các cán bộ, chiến sĩ. Ở đó, mỗi tiết mục biểu diễn là một món ăn tinh thần gắn kết người lính, tạo dựng niềm tin, tình cảm giữa quân và dân. Người lính, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, vẫn cảm nhận được sự động viên, khích lệ từ tiếng hát, lời ca của những nghệ sĩ mang trên mình bộ quân phục. Đó là nơi lý tưởng cách mạng được nuôi dưỡng, nơi phẩm chất anh hùng được hun đúc và nơi những giá trị cao đẹp được truyền tải tự nhiên, chạm đến trái tim mỗi người. Những sân khấu đặc biệt ấy, dù không phô trương, lộng lẫy, nhưng luôn là nguồn động viên tinh thần mạnh mẽ, giúp người lính giữ vững niềm tin, sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Dệt thêu những tinh thần bất diệt -0

Không chỉ vậy, các hoạt động văn hóa, văn nghệ còn đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị kiến thức, bản lĩnh cho người chiến sĩ trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, văn hóa xấu độc, âm mưu phản động; phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, chiến sĩ. Trong bối cảnh các thế lực thù địch không ngừng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trên mặt trận văn hóa, người lính cần có nhận thức sâu sắc, vững vàng để phân biệt đúng - sai, tạo sức đề kháng mạnh mẽ, xây dựng “lá chắn” tư tưởng trước sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai phản động.

Dệt thêu những tinh thần bất diệt -0

Hơn 10 năm gắn bó với sân khấu kịch, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Đoàn trưởng Đoàn diễn 1, Nhà hát Kịch nói Quân đội vẫn luôn nhớ và trân trọng những ngày đầu bước chân vào nghề. Chị chia sẻ, lần đầu tiên hóa thân vào vai chính là tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 với quy mô gần 5.000 khán giả, đều là những chiến sĩ đang công tác và học tập tại trường. Tuy sau này, vở diễn ấy được sáng đèn ở gần 300 đêm diễn, song khoảnh khắc lần đầu tiên được đứng trên sân khấu ấy vẫn là ký ức không phai mờ. “Khi kết thúc đêm diễn, các chiến sĩ ùa lên sân khấu, mang theo những chiếc áo, khăn mặt… để xin chữ ký. Có người còn trao tặng những bông hoa dại được hái ngay trong khuôn viên đơn vị. Những ánh mắt chân thành, hồn hậu của các chiến sĩ ấy khiến bản thân tôi cảm thấy vừa thương, vừa yêu họ vô cùng”, chị bộc bạch. Chính những khoảnh khắc ấy là lý do để Thiếu tá QNCN Kim Dung và mỗi người đang làm công tác văn hóa, văn nghệ trong quân ngũ mong muốn được cống hiến lâu dài, không chỉ vì nghệ thuật mà còn vì sứ mệnh mang đến niềm vui, tinh thần tích cực cho những người lính trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Dệt thêu những tinh thần bất diệt -0
Dù hiện tại, khán giả đã biết đến Nghệ sĩ Kim Dung qua nhiều vai diễn trên truyền hình hay những chương trình nghệ thuật, nhưng những cảm xúc ngày đầu vẫn là điều khó có thể quên. Những đêm diễn dưới ánh sao, giữa những tiếng cười và ánh mắt của các cán bộ, chiến sĩ, không chỉ là sân khấu, mà còn là nơi ghi dấu lý tưởng sống, là ngọn lửa bền bỉ để mỗi người nghệ sĩ Quân đội tiếp tục lan tỏa giá trị văn hóa và tinh thần cho người lính.
Dệt thêu những tinh thần bất diệt -0
Trong bối cảnh các loại hình giải trí trực tuyến đang chiếm ưu thế, khán giả không còn đến sân khấu để xem diễn, họ có xu hướng tìm đến những thứ mới mẻ, nhanh gọn và hấp dẫn hơn chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, điều này đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người làm nghề, đặc biệt trong việc duy trì sức hút của sân khấu với công chúng. Nếu như trước đây, sân khấu Quân đội thường gắn liền với phong cách diễn xuất cường điệu, mang tính khuôn mẫu thì thế hệ sau này lại hướng đến sự gần gũi, chân thực. “Sân khấu bây giờ phải là đời. Người nghệ sĩ phải sống cùng nhân vật, chứ không phải chỉ đang diễn một vai”, Thiếu tá Kim Dung nhấn mạnh. Ngoài ra, nếu sân khấu chỉ tập trung vào đề tài người lính mà không có những góc nhìn mới, chắc chắn khán giả sẽ cảm thấy nhàm chán, phải làm sao để sân khấu Quân đội trở thành một điểm sáng, không chỉ là nơi tái hiện câu chuyện chiến tranh, mà còn phản ánh được hơi thở cuộc sống hiện đại.
Dệt thêu những tinh thần bất diệt -0
Điểm sáng trong quá trình “chuyển mình” này chính là sự tham gia của lớp lớp các nghệ sĩ trẻ, những người được đào tạo bài bản về chuyên môn, mang đến luồng gió mới nhờ tư duy đổi mới, sáng tạo, phong cách biểu diễn hiện đại. Nói thế không có nghĩa là sự đổi mới này làm cho sân khấu Quân đội đánh mất cái nét riêng có. Các vở diễn vẫn giữ được trọn vẹn hồn cốt của nghệ thuật cách mạng, được khéo léo lồng ghép các giá trị nhân văn, truyền thống vào từng tác phẩm. Sự linh hoạt biến hóa sân khấu Quân đội là minh chứng cho sức mạnh của nghệ thuật trong việc thích nghi với thời đại, để dù có bao nhiêu lựa chọn giải trí mới, người ta vẫn dành chỗ cho một loại hình nghệ thuật đặc biệt, nơi tiếng nói của lịch sử và hiện thực hòa quyện trên sân khấu, chạm đến trái tim khán giả.
Dệt thêu những tinh thần bất diệt -0Dệt thêu những tinh thần bất diệt -1
Nhìn lại chặng đường phát triển, có thể thấy sân khấu Quân đội không chỉ là nơi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục các cán bộ, chiến sĩ mà còn góp phần không nhỏ vào đời sống văn hóa tinh thần của xã hội. Sân khấu Quân đội đã vượt qua ranh giới phục vụ riêng lẻ để trở thành điểm tựa văn hóa, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Sứ mệnh của nhà hát và đội ngũ văn công, từ đó, không dừng lại ở việc biểu diễn mà còn là sự gắn kết, định hướng lý tưởng cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, thúc đẩy tinh thần bảo vệ và dựng xây đất nước. Chính những giá trị ấy đã khẳng định vai trò đặc biệt của văn hóa nghệ thuật trong Quân đội, góp phần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Việt Nam trong mọi thời kỳ.
 

Nội dung: Anh Tuấn - Thục Quyên

Thiết kế: Thu Trang