Danh mục Thứ Bảy, 14/12/2024

Chuyên đề \

Tinh hoa nhạc dân gian Việt Nam trong lòng thế hệ trẻ

20:39 11-12-2024
Theo dòng chảy của thời gian, những khúc ca mang giai điệu dân gian đã khéo léo giao thoa với âm hưởng của thời đại, tạo nên nét đặc sắc của tinh hoa nhạc dân gian Việt Nam. Điều này đã giúp giới trẻ thuộc thế hệ Gen Z có cách nhìn nhận và tiếp biến nền âm nhạc dân gian trong giai đoạn hiện nay.

Những làn điệu dân ca truyền thống (chèo, tuồng, cải lương, hát văn, ca trù,...) luôn đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nên một dấu ấn riêng biệt trong lòng khán giả. Dẫu đất nước có trải qua bao nhiêu biến cố, và dân tộc ta phải đối mặt với thách thức của kỷ nguyên văn hoá mới, thế nhưng, những giá trị di sản âm nhạc cổ truyền vẫn sống mãi trong tâm thức của bao thế hệ người Việt. Bởi đây là thước đo cho bề dày lịch sử, là sức mạnh nội sinh của một dân tộc. 

Di sản nhạc Việt cổ trong tâm thức người trẻ 

Giá trị của âm nhạc dân gian vẫn nằm trọn vẹn trong những giai điệu cổ và được người nghệ sĩ truyền thụ qua nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, sự đón chờ và tiếp nhận của công chúng mọi thời đại cũng là nhân tố quan trọng giúp những làn điệu dân gian có chỗ đứng trong thế giới âm nhạc hiện đại đa sắc màu.

Những làn điệu dân gian mang đậm nét truyền thống được biểu diễn bởi các nghệ sĩ đa tài. (Ảnh: Trần Phương) 

Hiện thực hóa khát vọng của toàn dân tộc ta trong nỗ lực trao truyền những giá trị văn hoá cổ truyền, vừa qua tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước đã hướng tới kỷ niệm Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam. Tại đây, nhiều hoạt động, chương trình âm nhạc truyền thống, những khúc ca hội tụ và kết tinh những di sản tinh hoa Việt Nhạc đã được diễn ra. 

Tiêu biểu là chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” được tổ chức tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội, với chủ đề năm nay là “Xưa - Mới - Đây - Xa”. Ngoài ra còn có sự góp mặt của các chương trình hướng tới tôn vinh di sản âm nhạc dân gian như Hồn Việt, Giai điệu quê hương hay Anh trai vượt ngàn chông gai,... Đây đều là các chương trình có vai trò và dấu ấn đặc sắc trong việc củng cố cũng như làm giàu thêm giá trị của di sản nhạc Việt truyền thống.

Gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Công ty 1Production (Yeah1) sản xuất chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai. Điểm nhấn của chương trình là những ca khúc kết hợp giai điệu truyền thống và âm hưởng hiện đại như Trống Cơm, Đào Liễu, Chiếc Khăn Piêu,... được đông đảo khán giả trẻ yêu thích. Điều này đạt được là bởi các nghệ sĩ như NSND Tự Long, Soobin Hoàng Sơn, Cường Seven đã sáng tạo biến tấu nghệ thuật, làm sống lại giá trị di sản nhạc Việt cổ truyền, vừa đáp ứng thị hiếu đương đại vừa giữ hồn cốt dân tộc.

Theo học tại trường Đại học Văn Hóa Hà Nội, cô gái trẻ Đinh Tú Quyên (19 tuổi) luôn thể hiện niềm trân quý sâu sắc cho những giá trị di sản nghệ thuật. Quyên chia sẻ: “Trước bối cảnh âm nhạc hiện đại với muôn vàn thể loại âm nhạc thú vị thu hút giới trẻ, tôi nghĩ những làn điệu dân gian mang sắc thái âm nhạc truyền thống sẽ không dễ dàng bị lãng quên. Bởi đây là sự hiện diện cho văn hoá độc đáo của dân tộc ta. Mặc dù dòng chảy của thời gian sẽ luôn có những thay đổi nhất định, tuy nhiên ở thời đại nào cũng luôn có những người say mê âm nhạc, nỗ lực sáng tạo và đổi mới để phù hợp với thị hiếu”.

Bạn Hoàng Thu An (28 tuổi, Hà Nội) có niềm đam mê với  nghệ thuật dân gian truyền thống luôn tâm niệm rằng, việc tìm về những bản nhạc mang âm hưởng truyền thống chính là cách để nhìn nhận sâu sắc hơn những giá trị cốt lõi của di sản văn hoá phi vật thể nước ta. “Tôi tin rằng những giá trị di sản Việt Nhạc sẽ không hoàn toàn bị mất đi. Nó sẽ là nền tảng để những người nghệ sĩ cải tiến và đổi mới nền âm nhạc Việt Nam theo chiều hướng tích cực phù hợp với thời đại” - Thu An chia sẻ thêm.

Nỗ lực kiến tạo cộng đồng lưu giữ di sản

Di sản âm nhạc dân gian truyền thống đã góp phần tô điểm thêm cho nền văn hoá của cả dân tộc. Các thể loại nhạc Việt cổ truyền như dân ca quan họ, nhã nhạc cung đình Huế, ca trù,... đã trở thành sợi dây gắn kết bao thế hệ người Việt. Có thể thấy, dân gian đương đại đã “đào tạo” nên những nhóm nhạc mang sứ mệnh giữ “lửa” cho di sản nhạc Việt cổ truyền lưu danh mãi trong mọi thời đại, tiêu biểu như Câu lạc bộ Phú Xuân (biểu diễn Nhã nhạc cung đình và ca Huế), Giáo phường Thái Hà (với nhiều đời diễn xướng ca trù). Đặc biệt, nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc cũng là một dấu ấn đặc sắc qua nhiều hơi cổ nhạc đồng thanh. 

Di sản nhạc Việt xưa được thể hiện và lưu giữ bằng niềm đam mê, tâm huyết của người nghệ sĩ. (Ảnh: Trần Phương) 

Tại buổi biểu diễn “Chuyện nhạc phố cổ”, ông Đàm Quang Minh - nhà nghiên cứu âm nhạc, người khởi dựng nhóm nhạc Đông Kinh Cổ Nhạc cho hay, trong mỗi tác giả đều có một miền văn hoá, đó là cái gốc chắc chắn của mọi bản nhạc dân gian. Dù ở thời đại nào, trong bối cảnh lịch sử nhất định, mỗi người nghệ sĩ cần định hình rõ về “miền văn hoá” đó để tiếp biến, cải tiến và đổi mới nền âm nhạc truyền thống cho phù hợp với thị hiếu người nghe.

Bên cạnh những người nghệ sĩ có niềm đam mê diễn xướng nghệ thuật với khát vọng lan tỏa giá trị thẩm mỹ của dân tộc, quá trình công chúng tiếp nhận và thưởng thức những “tác phẩm” nghệ thuật đó cũng là điều đáng lưu tâm. Ông Minh chia sẻ thêm: “Nếu những câu hò, lời ru, tiếng hát truyền thống mang đặc trưng của Việt Nam không được thế hệ trẻ biết đến và đón nhận thì những giai điệu dân gian sẽ nhanh chóng bị lãng quên, mai một”.

Nhằm đẩy mạnh, gìn giữ và phát huy bền vững giá trị văn hoá đặc sắc của di sản nhạc Việt truyền thống, việc quảng bá sâu rộng di sản văn hoá phi vật thể nói chung và di sản Việt Nhạc nói riêng trên trường quốc tế đem đến nhiều hiệu quả tích cực. Trong thời kỳ toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng,  đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các lưu học sinh, du học sinh, đóng vai trò quan trọng trong lan tỏa tích cực giá trị văn hoá Việt Nam.

Với mong muốn gìn giữ, kế thừa và phát huy sâu rộng bản sắc của nền âm nhạc Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh sáng tạo và phát triển vai trò, ý nghĩa của lĩnh vực văn hoá nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Cụ thể, tại Điều 23 Luật Di sản Văn hoá nêu rõ: “Nhà nước có chính sách khuyến khích việc sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian của cộng đồng các dân tộc Việt Nam để lưu truyền trong nước và giao lưu văn hoá với nước ngoài”. 

Trần Phương - Báo in K42

Phản hồi