Danh mục Thứ Bảy, 14/12/2024

Chuyên đề \

Giữ lửa di sản hát Đúm trong đời sống đương đại

22:59 12-12-2024
Hát Đúm Thủy Nguyên - một nét văn hóa dân gian đặc trưng độc đáo đã được vinh danh trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018. Với giá trị nghệ thuật và văn hóa đặc sắc, loại hình này không chỉ là minh chứng sống động về lịch sử truyền thống mà còn là niềm tự hào của người dân Thủy Nguyên (Hải Phòng). Để bảo tồn và phát huy, các câu lạc bộ (CLB) hát Đúm đã trở thành lực lượng nòng cốt, kiên trì thực hành, sáng tạo và truyền dạy qua các lớp thế hệ.

Nhiệt huyết của những nghệ nhân

Vào mỗi Chủ Nhật hàng tuần, tại nhà văn hóa Lập Lễ (xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên) luôn rộn ràng những lời ca đối đáp giao duyên cổ. Các thành viên của CLB tụ họp định kỳ để luyện tập và “giữ lửa” nhiệt huyết trong lòng nghệ nhân.

Tổng Phục Lễ xưa vốn là cái nôi khai sinh ra nghệ thuật hát Đúm. Tại vùng đất ven sông Bạch Đằng, những lời ca đã trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng, từ lao động vất vả đến những lễ hội rộn ràng. Trải qua hàng trăm năm nhưng các giá trị cốt lõi của loại hình này vẫn chưa bị “mai một” phần nào. Bởi các nghệ nhân vẫn luôn kiên định trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa quý báu này đến tận hôm nay. Những làn điệu giao duyên mộc mạc nhưng thấm đượm tình cảm ca ngợi quê hương và con người Thủy Nguyên đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với người dân nơi đây.

Nghệ nhân ưu tú Đinh Như Hăng, Chủ nhiệm CLB Hát Đúm xã Lập Lễ chia sẻ: “Hát Đúm là đặc trưng duy nhất chỉ có ở huyện Thủy Nguyên. Tuy làn điệu hát Đúm dí dỏm nhưng lại rất ngang, kén người nghe và cũng kén người hát. Do vậy, để theo đuổi nghề lâu dài, người nghệ nhân phải thực sự nhiệt huyết và có niềm đam mê dành cho bộ môn này.”

Các thành viên CLB Hát Đúm tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ tại Nhà văn hóa xã Lập Lễ. (Ảnh:PV)

Nghệ nhân Vũ Thị Mỹ Đào, thành viên của CLB Hát Đúm xã Lập Lễ cũng cho biết, mỗi dịp Tết, xã Lập Lễ lại tưng bừng mở hội hát Đúm. Trong ngày hội đặc biệt mang tên “mở mặt”, nam nữ đối đáp giao duyên nhưng không được nhìn mặt nhau. Các cô gái đội khăn mỏ quạ che kín mặt, kín đầu, và cuộc hát chỉ kết thúc khi bên nữ thua, lúc đó bên nam được phép tháo khăn. Không giống những làn điệu dân gian như Ca trù hay Xoan, hát Đúm nổi bật bởi sự linh hoạt và thông minh trong đối đáp giữa nam và nữ, vừa duyên dáng vừa khéo léo, khơi dậy tình cảm lứa đôi và hướng đến những mối nhân duyên bền chặt. Với những giá trị đó, làn điệu hát Đúm vẫn lưu truyền đến nay. “Với sự bồi đắp của thời gian, hát Đúm không chỉ dừng lại ở những ca từ cổ, mà được các nghệ nhân chúng tôi sáng tác, đổi mới lời ca phù hợp với sự đổi mới của quê hương, thành phố, nhưng vẫn giữ được bản sắc mà ông cha để lại…”, nghệ nhân Vũ Thị Mỹ Đào bộc bạch.

Hàng năm, từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, người dân Thủy Nguyên háo hức chờ đợi các liền anh, liền chị hoặc các nghệ nhân ra đình, sân UBND xã để hát rồi đi thi cấp huyện. Với bà con nơi đây, hát Đúm không chỉ là một phong tục đẹp mà còn là linh hồn của mùa xuân, mang đến không khí vui tươi, ấm áp cho ngày Tết. Thiếu đi những câu hát Đúm giao duyên, người dân coi như mùa xuân chưa trọn vẹn. Tính đến nay, CLB Hát Đúm xã Lập Lễ có hơn 35 thành viên, trong đó nhiều nghệ nhân đạt danh hiệu nghệ nhân dân gian và nghệ nhân ưu tú.

Nhờ những hoạt động sôi nổi, CLB hát Đúm xã Lập Lễ vinh dự đạt được nhiều bằng khen do Nhà nước cấp. (Ảnh:PV)

Di sản trong nhịp sống mới 

Thời gian qua, nghệ thuật hát Đúm như mạch nguồn, đã được khơi dậy trở lại mạnh mẽ, không chỉ dừng ở việc lưu giữ những giai điệu, ca từ cổ mà còn thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ, tạo nên một làn sóng mới cho bộ môn nghệ thuật dân gian này. Những sự kiện, cuộc thi văn hóa và lễ hội tại địa phương đã góp phần lan tỏa tinh thần hát Đúm tới nhân dân, biến nét đẹp văn hóa dân gian thành một phần không thể thiếu trong đời sống thường nhật. Hát Đúm không chỉ mang lại một cộng đồng nghệ thuật bổ ích, mà còn gắn kết người dân, khẳng định giá trị của bản sắc văn hóa địa phương trong xã hội hiện đại tại Thủy Nguyên.

Theo Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thủy Nguyên Phùng Văn Mạnh, hiện nay trên địa bàn huyện có 10 câu lạc bộ hát Đúm được tổ chức ngay tại các địa phương có di sản gốc, gồm các xã thuộc Tổng Phục xưa (Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ, Tam Hưng, Ngũ Lão) và được mở rộng sang nhiều địa bàn khác (Gia Đức, Thủy Đường, Trung Hà) với 7 lễ hội đều có các sinh hoạt văn hóa hát Đúm thường niên. 

Hàng năm vào tháng Giêng huyện Thủy Nguyên đều tổ chức Lễ hội Hát Đúm với nhiều phần thi để các CLB cùng nhau tranh tài. (Ảnh:NVCC)

Để văn hóa gần gũi hơn với quần chúng nhân dân hơn, địa phương cùng phòng Văn hóa Huyện kết hợp với nhà trường đã có những bước hoạt động thực tiễn, đưa hát Đúm vào sách giáo khoa để các em học sinh được tiếp xúc, có ý thức gìn giữ và phát huy môn nghệ thuật cổ truyền của quê hương. Bản thân các nghệ nhân như ông Đinh Như Hăng cũng trực tiếp tham gia giảng dạy học sinh trường Tiểu học và trường THCS Lập Lễ đều đặn mỗi tháng hai buổi, duy trì lớp học gần 20 em. 

Trong hành trình làm nghề và nỗ lực truyền dạy nét văn hóa cổ truyền tới lớp trẻ cùng mong muốn bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Đúm, NNƯT Đinh Như Hăng cho rằng, chính quyền các cấp cùng với ngành văn hóa cần định hướng và triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động mở rộng, cuộc thi, nâng cao tầm quy mô và chất lượng cho Lễ hội Hát Đúm để các câu lạc bộ, nghệ nhân có thể sáng tạo và tìm ra những nhân tố mới; đề ra chính sách hỗ trợ kinh phí; đầu tư cơ sở vật chất cho các câu lạc bộ sinh hoạt; tích cực huy động tầng lớp trẻ thực hành những bài giao duyên cổ; đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền di sản văn hóa tới quần chúng nhân dân sâu sắc hơn. 

Như vậy, hát Đúm đã và đang thấm nhuần vào tiềm thức của nhân dân, mang theo những giá trị văn hóa và lịch sử phong phú. Với những nỗ lực và quyết tâm của người dân Thủy Nguyên, hát Đúm luôn có sức sống mãnh liệt và bền bỉ trong đời sống văn hóa của dân tộc, khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng nghệ thuật truyền thống.

Thanh Thảo

Phản hồi