Danh mục Thứ Năm, 19/12/2024

Tiêu điểm \

Diễn đàn chuỗi phân phối LNG toàn cầu và vị thế của Việt Nam

13:01 18-12-2024
Sáng ngày 18/12, tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược, Chính sách Công Thương – Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn khoa học với chủ đề “Diễn đàn chuỗi phân phối LNG toàn cầu và vị thế của Việt Nam”, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp trong ngành năng lượng.

Chủ trì Diễn đàn gồm ông Nguyễn Khắc Quyền - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, TS. Mai Duy Thiện - Tổng Biên tập Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI).

Trong bối cảnh toàn cầu chuyển dịch từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch, LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) được xem là giải pháp quan trọng nhằm giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo an ninh năng lượng. Tại diễn đàn, đại diện cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia quốc tế trong ngành năng lượng đã cùng thảo luận về xu hướng phát triển LNG, cơ hội đầu tư, và chính sách liên quan tại Việt Nam.  

Diễn đàn nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học và doanh nghiệp trong ngành năng lượng. (Ảnh: Phương Dung) 

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Khắc Quyền, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương nhấn mạnh: “Xét về mặt tổng thể, nước ta có nhiều lợi thế đặc biệt về mặt cảng biển để thúc đẩy phát triển các dự án LNG. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng LNG trên thế giới ngày càng tăng, trong khi nguồn cung chủ yếu đến từ các khu vực sản xuất chính như Mỹ, Qatar, Nga, Australia. Bên cạnh đó, xung đột chính trị và các biện pháp trừng phạt đã dẫn đến sự phân chia thị trường và tạo biến đổi lớn với ngành năng lượng toàn cầu. Với tình hình thực tế này, việc hiểu rõ chuỗi phân phối LNG toàn cầu sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam." 

Ông cũng cho biết thêm, để tận dụng được các cơ hội, Việt Nam cần có những chiến lược hợp tác quốc tế và phát triển hạ tầng một cách bài bản, đồng thời cập nhật những xu hướng mới và những chính sách năng lượng tiên tiến từ các quốc gia dẫn đầu.

Ông Nguyễn Khắc Quyền - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương phát biểu khai mạc (Ảnh: Phương Dung) 

Diễn đàn đã nhận được hơn 100 bài tham luận của các nhà khoa học, tập trung phân tích về vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng LNG, thực trạng ngành khí, thách thức và triển vọng phát triển nguồn điện LNG đến năm 2030. 

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết: “Ngành LNG Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức, như giá điện LNG cao hơn so với điện truyền thống, chi phí đầu tư lớn, công nghệ phức tạp, và sự phụ thuộc vào thị trường thế giới với nhiều biến động. Để khắc phục, Bộ Công Thương đã triển khai các chính sách phát triển thị trường cạnh tranh, theo Quyết định 2233/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để từng bước thiết lập một thị trường khí LNG cạnh tranh, minh bạch, lành mạnh.”

Thông qua Diễn đàn, các chuyên gia đã đề xuất các mô hình hợp tác công - tư, chính sách tài chính và giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy ngành LNG, mở ra cơ hội giúp Việt Nam gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng LNG toàn cầu.

Phương Dung - Báo In K42

Phản hồi