Truyền ngọn lửa Dân ca Quan họ Bắc Ninh cho thế hệ mai sau
Nói đến Dân ca Quan họ là nói đến một loại hình nghệ thuật dân ca độc đáo, gắn liền với phong tục, tập quán và các lễ hội đặc sắc của người dân Kinh Bắc. Không gian văn hóa Quan họ là do lối chơi Quan họ của cộng đồng xây dựng lên và được vun đắp qua từng dòng chảy của lịch sử. Dân ca Quan họ ngày nay đã có bước phát triển vượt bậc, không chỉ được giữ gìn trong không gian truyền thống mà còn xuất hiện đầy ấn tượng trong các sự kiện văn hóa và lễ hội, góp phần quảng bá rộng rãi bản sắc Kinh Bắc đến công chúng.
Nhằm chuyển giao những giá trị văn hóa truyền thống đến với thế hệ trẻ, tại Bắc Ninh, nhiều lớp dạy hát Quan họ và các câu lạc bộ Quan họ được tổ chức tại Nhà chứa Quan họ của làng vào sáng chủ nhật hàng tuần, bởi các nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm. Các nghệ nhân là nhân vật đóng vai trò quan trọng khi trực tiếp hướng dẫn lớp trẻ, không chỉ dạy cách hát mà còn là người truyền lửa để các em thêm yêu thích và trân trọng di sản quê hương.
Vốn có niềm đam mê với Quan họ từ nhỏ, Như Quỳnh (16 tuổi, Bắc Ninh) rất hứng thú khi được tham gia lớp dạy hát Quan họ, em cho biết: “Bài dân ca Quan họ nhẹ nhàng, trầm bổng giúp em thư giãn sau mỗi giờ học. Hơn nữa, việc học hát và hát Quan họ còn giúp em hiểu và khẳng định đây là một di sản quê hương cần được gìn giữ, phát triển.”
“Em mong muốn có thể lan tỏa vẻ đẹp của dân ca Quan họ đến các bạn cùng trang lứa. Em tin rằng nếu các bạn trẻ hiểu và cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong từng lời ca, giai điệu của Quan họ thì chắc chắn các bạn sẽ yêu thích và tự hào về di sản này. Khi Quan họ xuất hiện gần gũi hơn với giới trẻ, các bạn sẽ cảm thấy nó không chỉ là một di sản của cha ông mà còn là một phần của chính mình. Bằng cách đó, Quan họ có thể tiếp tục sống mãi qua từng thế hệ." Như Quỳnh chia sẻ thêm.
Sự kết hợp mới mẻ đầy sáng tạo
Sự chuyển giao đến thế hệ trẻ được lan tỏa rộng rãi, trở thành niềm cảm hứng đặc sắc cho nền âm nhạc hiện đại. Nhiều nghệ sĩ trẻ và nhà sản xuất âm nhạc đang nỗ lực sử dụng chất liệu dân gian độc đáo Quan họ vào các sản phẩm âm nhạc điện tử, thể hiện sự giao thoa trên dòng chảy thời gian, giữa những tinh hoa xưa và hơi thở hiện đại.
Gần đây, chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai đã đưa “Trống cơm” - một bài dân ca Quan họ quen thuộc lên sân khấu với sự biến tấu, thể hiện vô cùng sáng tạo. Điểm độc đáo trong bài hát được thể hiện ở phong cách phóng khoáng nhưng vẫn giữ được chất liệu dân gian vùng Kinh Bắc, kết hợp cùng sự cao trào của nhạc đương đại đã tạo nên một cơn sốt lớn vào thời điểm mới ra mắt, thu hút công chúng ở mọi lứa tuổi.
Sân khấu “Trống cơm” tràn ngập tinh thần văn hóa dân tộc với trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc pha trộn màu sắc âm nhạc đương đại và làn điệu dân ca đã chạm đến tâm hồn thế hệ trẻ Việt Nam. Việc làm mới một bài dân ca đã lâu không chỉ là một hình thức sáng tạo trong việc gìn giữ và phát huy di sản truyền thống, mà còn là cách tiếp cận tinh tế, phù hợp với thị hiếu và cảm xúc của lớp trẻ, giúp họ thêm yêu và tự hào về văn hóa truyền thống.
Yến Nhi (20 tuổi, Sinh viên) bày tỏ suy nghĩ về tiết mục: “Mình thấy việc cải biên một tác phẩm dân gian truyền thống trở nên mới mẻ và có thể tiếp cận được với giới trẻ là việc không phải ai cũng làm được. Có thể nói Trống cơm đã đặt một dấu ấn đầy mạnh mẽ và vô cùng độc đáo trong nền âm nhạc nước nhà. Trống Cơm sử dụng nhạc cụ dân tộc một cách thông minh, đồng thời kết hợp khéo léo với âm nhạc điện tử hiện đại. Sự thành công của Trống Cơm nằm ở việc màn trình diễn không khiến hai chất liệu vốn khác biệt đối chọi nhau mà còn khiến chúng trở nên hòa hợp đến lạ, đầy sáng tạo và tinh tế. Điều này giúp bài hát không chỉ là một di sản cần được gìn giữ, mà còn trở nên gần gũi và hấp dẫn với thế hệ trẻ tụi mình.”
Không chỉ những nghệ sĩ trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, nhiều nghệ sĩ trẻ khác cũng khai thác chất liệu Quan họ dân gian trong sản phẩm âm nhạc của mình. DJ Masew với bài dân ca “Mời trầu” được làm mới vô cùng độc đáo, từng “làm mưa làm gió” trên các nền tảng âm nhạc trực tuyến. Mới đây, DJ Bubi Tran kết hợp cùng NSND Thu Huyền tạo nên một bản “Cò lả” hoàn toàn mới lạ, góp mặt trong danh sách 100 bài hát hay nhất năm 2024 của Apple Music.
Dù có nhiều sự đổi mới, từ việc khai thác chất liệu mới trong sáng tác, sử dụng nhạc cụ đệm hay phối khí theo phong cách điện tử thì Quan họ cổ truyền vẫn giữ vị trí không thể thay thế trong chính không gian văn hóa đã sinh ra và nuôi dưỡng nó. Những nỗ lực làm mới góp phần lan tỏa Quan họ, giúp loại hình nghệ thuật này tiếp cận đến nhiều đối tượng khán giả ở mọi lứa tuổi, thuộc các dòng nhạc khác nhau, và vươn ra thế giới. Qua đó, văn hóa và âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là vẻ đẹp của dân ca Quan họ, được nhiều người biết đến hơn.
Có thể thấy, sau 15 năm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, dân ca Quan họ Bắc Ninh vẫn đang thể hiện sức lan tỏa mạnh mẽ và sức sống mãnh liệt. Việc chuyển giao quan họ đến thế hệ mới không chỉ là nhiệm vụ của các nghệ nhân hay cơ quan văn hóa mà cần sự tham gia của cả cộng đồng. Những nỗ lực làm mới quan họ, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đang giúp di sản này tiếp tục lan tỏa, đặc biệt là trong giới trẻ. Quan họ không chỉ là một nghệ thuật mà còn là niềm tự hào văn hóa dân tộc, cần được kế thừa, bảo tồn và phát huy sáng tạo bởi các thế hệ mai sau.
Tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Abu Dhabi - thủ đô của Tiểu vương quốc A rập thống nhất từ ngày 28/9/2009 – 2/10/2009, vào lúc 16.55 giờ (Abudhabi) tức 19.55 giờ (Việt Nam) ngày 30/9/2009, Quan họ Bắc Ninh đã được Ủy ban long trọng công bố là Di sản Văn hóa phi vật thể Đại diện của Nhân loại. (Nguồn: Cổng thông tin Cục Di sản Văn hóa). |
Phản hồi