Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, tiền thân là Tổng đội Văn công thuộc Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, được thành lập vào năm 1951 tại Chiến khu Việt Bắc. Ra đời trong bối cảnh kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, Nhà hát trở thành lực lượng tiên phong, cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội và nhân dân, đồng thời lan tỏa thông điệp yêu nước và tinh thần đoàn kết sâu sắc.
Trong những năm tháng kháng chiến, đoàn biểu diễn ngay tại chiến trường, trong các lán trại dã chiến hay vùng sâu, vùng xa. Mặc dù điều kiện gian khổ, thiếu thốn, các nghệ sĩ vẫn sáng tạo không ngừng, mang đến những tiết mục đầy cảm hứng như “Qua miền Tây Bắc”, “Chiến thắng Điện Biên”... Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn nghệ thuật được mở rộng và đổi tên thành Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội vào năm 1957. Trong kháng chiến chống Mỹ, Nhà hát tiếp tục đồng hành với chiến sĩ trên khắp các mặt trận, ghi dấu ấn những tác phẩm bất hủ như “Bài ca Trường Sơn”, “Dáng đứng Việt Nam”...
Từ khi thống nhất đất nước cho tới nay, Nhà hát chuyển sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những đơn vị nghệ thuật hàng đầu, góp phần làm rạng danh nền văn hóa cách mạng Việt Nam. Là đơn vị nghệ thuật trực thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội luôn được Đảng, Nhà nước và Quân đội tin tưởng giao phó các nhiệm vụ chính trị trọng yếu.
“Mỗi năm, Nhà hát đều tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn, phục vụ bộ đội ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, hay thực hiện nhiệm vụ đối ngoại trong và ngoài nước”, Thiếu tá Đỗ Thị Huyền, nghệ sĩ Đàn tranh đã có 14 năm công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, chia sẻ.
Cùng với đó, Nhà hát đã để lại dấu ấn đậm nét với các giải thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (2000); Huân chương Độc lập hạng Ba (2011); Huân chương Quân công hạng Nhì, Ba (1976, 1984); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì (2015, 2021); Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba (1953, 1954, 1955)...; được Đảng, Nhà nước Lào tặng Huân chương Itxala hạng Ba (2004), 2 Huân chương Hữu nghị (2009, 2013)... cùng nhiều phần thưởng cao quý khác...
Đặc biệt, đơn vị luôn chú trọng gìn giữ và phát huy bản sắc âm nhạc dân tộc. Với hai đoàn nghệ thuật: nhạc nhẹ và dân tộc, các nghệ sĩ đã mang những giá trị đặc sắc của âm nhạc truyền thống đến gần hơn với công chúng. Những tiết mục được dàn dựng công phu, kết hợp giữa chất liệu dân gian và sáng tạo hiện đại, đã tạo nên một phong cách riêng biệt, độc đáo.
Trung tá, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn, người đã dành 20 năm gắn bó với Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ gìn giữ giá trị truyền thống mà còn tìm cách làm mới để phù hợp với xu hướng thời đại, đồng thời vẫn giữ được bản lĩnh chính trị và tinh thần cách mạng trong từng tác phẩm.”
Anh cũng cho biết, điểm khác biệt lớn nhất của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội so với các đơn vị nghệ thuật khác chính là tính chính quy và tinh thần trách nhiệm của người lính. Đối với họ, âm nhạc không chỉ để giải trí mà còn mang trọng trách thiêng liêng chính là truyền tải thông điệp yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết đến mọi tầng lớp nhân dân.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám đốc, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã tích cực tham gia nhiều cuộc thi lớn như Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc, các cuộc thi Độc tấu, Hòa tấu nhạc cụ dân tộc và mang về nhiều thành tích nổi bật. Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Nhà hát xuất sắc giành giải cao nhất toàn đoàn với chương trình nghệ thuật “Con đường từ trái tim” tại Liên hoan Ca Múa Nhạc Toàn quốc 2024 đợt 1. Thành tích này là minh chứng rõ ràng nhất cho sự nỗ lực của tập thể nghệ sĩ.
Trong bối cảnh âm nhạc hiện đại không ngừng phát triển, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội luôn đặt mục tiêu giữ vững vai trò tiên phong và đổi mới. Nhà hát không chỉ cập nhật xu hướng âm nhạc quốc tế mà còn định hướng khán giả thông qua các chương trình nghệ thuật có chiều sâu và giá trị nhân văn. Những tác phẩm hợp xướng, hợp ca hoành tráng hay các tiết mục xúc động về hậu phương, tiền tuyến đều được đầu tư kỹ lưỡng, mang lại cảm xúc mạnh mẽ cho khán giả.
Với tâm huyết, tài năng và tinh thần cách mạng, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội không chỉ là niềm tự hào của quân đội mà còn là biểu tượng nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam. Trên hành trình phát triển, Nhà hát đã và đang là “cánh chim đầu đàn” của nền nghệ thuật nước nhà, mang lời ca tiếng hát đến mọi miền Tổ quốc và ghi dấu ấn trên bản đồ văn hóa nghệ thuật quốc tế.
Phản hồi