Danh mục Thứ Sáu, 26/04/2024

NEWS \

TikTok và việc lan truyền nội dung độc hại ẩn sau những trào lưu

16:07 22-11-2021
Cùng với thời đại 4.0, sự phát triển của công nghệ đã tạo điều kiện cho các nền tảng mạng xã hội như Instagram, Facebook,... và đặc biệt là TikTok có cơ hội được bùng nổ mạnh mẽ. Trên thực tế, tuy rằng TikTok mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam trong những năm gần đây nhưng nền tảng này đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dùng, đặc biệt là các bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z.

Những trào lưu độc hại

Với đặc trưng cho phép người dùng tự do sáng tạo những video của riêng mình cùng nhiều tính năng hấp dẫn, tại TikTok, những video trào lưu, xu hướng luôn được cập nhật liên tục hàng ngày. Bên cạnh những video, clip có ý nghĩa thì vẫn còn tồn tại những video với nội dung không phù hợp, thậm chí là truyền tải những thông tin xấu, độc gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng như đăng tải những video với phát ngôn sai lệch về lịch sử, sử dụng những hình ảnh kích động, xuyên tạc để tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam, quay video trên nền nhạc cấm, tạo những trào lưu vô nghĩa, trái với thuần phong mỹ tục, đăng tải video khoe cơ thể và những nội dung liên quan đến 18+...

Thời gian gần đây, trên nền tảng TikTok xuất hiện một tài khoản đăng tải video với nội dung xúc phạm, hạ thấp danh dự, uy tín, hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. TikToker này làm nội dung về việc đọc nhại, xuyên tạc từ “quân đội nhân dân”. Điều đáng nói ở đây là, việc đăng tải video với nội dung đả kích như vậy là vi phạm pháp luật nhưng vẫn có những cá nhân hùa theo. Quân đội nhân dân là lực lượng trực tiếp tham gia bảo vệ đất nước. Trong thời kỳ chiến tranh biết bao anh hùng đã ngã xuống để bảo vệ nền hòa bình, độc lập của Tổ quốc bây giờ. Ngày nay, thời bình không còn chiến tranh bom đạn nhưng lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam vẫn cầm chắc tay súng để bảo vệ an ninh tổ quốc, trật tự an toàn xã hội và đảm bảo cuộc sống yên bình cho người dân. Vậy mà, chỉ vì thiếu hiểu biết và ham nổi tiếng mà những TikToker ấy đã sẵn sàng xúc phạm hay nói điều trái với sự thật để video nhận được sự quan tâm và lên xu hướng.

 

 

Trước đó, khi TikTok có trào lưu “Makeover” với phong cách vintage trên nền nhạc "Gia tài của mẹ" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – một bài hát không được cấp phép tại Việt Nam vì thuộc thể loại phản chiến và những lời trong bài hát là sai sự thật với lịch sử. Vậy mà, với sự lăng xê nhiệt tình của những TikToker thì bài hát lại được “sống dậy” thêm lần nữa để tạo thành trào lưu nhún nhảy, tạo dáng,... trên nền nhạc bài hát này. Ý nghĩa của bài hát vốn nằm ở khía cạnh phản chiến, cụm từ “gia tài của mẹ” ấy gắn với sự bi thương, chết chóc, giờ lại bị một bộ phận giới trẻ đem ra làm nhạc để “khoe” cùng với nhan sắc và “đánh đu” với dân mạng. Điều đáng buồn là dưới những video đó, lịch sử dân tộc bị những con người kém hiểu biết đem ra mổ xẻ, nói rằng cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam là “nội chiến”, bác bỏ công lao và những hy sinh xương máu của cha ông xưa. Đây là việc làm hoàn toàn không phù hợp, không chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết mà còn phản lịch sử, phi nhân văn và có dấu hiệu phản động. 

 

 

Trên nền tảng TikTok còn có nhiều video, clip xúc phạm và bôi nhọ hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Mặc dù, đã có những người dùng văn minh khi gặp những video độc hại như thế đã báo cáo TikTok nhưng trên thực tế những video với nội dung như vậy vẫn còn xuất hiện với tần suất rất nhiều.

Ngoài ra, chủ đề 18+ cũng là một đề tài được rất nhiều bạn trẻ khai thác. Với nội dung thô tục và những tư tưởng hoàn toàn sai lệch về giới tính, một số bạn vẫn cứ thản nhiên đăng tải những video không phù hợp với lứa tuổi và đi ngược thuần phong mỹ tục, tạo nên những trào lưu “vô duyên”, truyền tải những nội dung khiến người lớn cũng phải chịu thua. Bên cạnh đó, một vài TikToker khác lại tạo ra những trào lưu vô nghĩa và có phần khó hiểu như “giả làm người chết”,... tạo những video gây tranh cãi về những vấn đề như: “Ai là người nên rửa bát?”, “Đàn ông phải…” gắn mác #POV, #J4F… để đăng tải những video truyền tải nội dung độc hại.

Gen Z nói gì?

Trao đổi với những bạn thuộc thế hệ Gen Z về việc hiện nay tràn lan những trào lưu không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam:

Bạn Hà Anh (sinh viên đại học Kiến Trúc) cho biết: “Mình rất thường xuyên thấy những video với content “bẩn” như trên. Khi nhìn thấy nó, mình cảm thấy rất bức xúc và muốn mắng mỏ nhưng mình sẽ không làm như thế. Bước đầu tiên là mình sẽ comment nêu ý kiến và báo cáo những chủ tài khoản ấy. Mình cũng mong rằng thời gian tới TikTok cần tăng cường kiểm duyệt hơn, bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh việc giáo dục thêm kiến thức cho mọi người”.

Bạn Quỳnh Thơ (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng chia sẻ ý kiến: “Mình sử dụng TikTok thường xuyên và cũng đã từng bắt gặp một vài video như vậy. Khi ấy, mình sẽ vào tài khoản TikToker ấy và xem nội dung khác nó như thế nào. Nếu không phù hợp mình sẽ comment góp ý hay mạnh hơn thì mình sẽ báo cáo tài khoản”.

Để xuất hiện những video có nội dung chưa phù hợp như trên là do những tài khoản TikToker này còn chưa hiểu rõ về quy định sử dụng nền tảng nói chung và đồng thời cũng thiếu hiểu biết về kiến thức và kỹ năng sống cơ bản, chỉ vì ham nổi tiếng mà bất chấp sáng tạo ra những video với nội dung không phù hợp, tạo tranh cãi để video được chú ý. Cũng có những trường hợp chủ nhân của những video đó là các bạn chỉ mới đang học cấp 1, cấp 2, còn chưa biết thế nào là đúng là sai với thuần phong mỹ tục Việt Nam nhưng vẫn cứ “đu trend” bất chấp. Bên cạnh đó, trình kiểm duyệt về video của TikTok chưa thật sự nghiêm nên đôi khi có những video để hashtag khác là có thể tránh được kiểm duyệt và video có cơ hội lên xu hướng, tiếp cận được tới đa số người dùng.

Vấn đề về trào lưu trên TikTok không còn là chủ đề mới nhưng vẫn luôn “nóng” và nhận được sự quan tâm của công chúng hằng ngày. Vì vậy, để trở thành những TikToker văn minh, trong thời gian tới mỗi cá nhân khi sử dụng TikTok cần nắm rõ kiến thức về lịch sử, xã hội… của đất nước để cho ra những video với nội dung phù hợp, có ích cho cuộc sống. Đồng thời, TikTok cũng cần phải siết chặt hơn khâu kiểm duyệt với những nội dung không phù hợp, gây tranh cãi để xây dựng một nền tảng xem video giải trí sạch và chất lượng nhất.

Hồng Hạnh, Phạm Hương

Phản hồi