"Review phim" ngày xưa được hiểu là phân tích và đánh giá bộ phim một cách khách quan. Nhiệm vụ của review phim là mang đến cảm giác hứng thú cho người xem, nhằm khuyến khích công chúng ra rạp xem phim trực tiếp. Nhưng những năm gần đây, khái niệm review phim đã bị một số thành phần cố ý bóp méo để trục lợi cá nhân. Nói là review phim nhưng thực chất lại là một clip với tiêu đề giật gân được cắt ghép, chắp vá từ các cảnh phim, kết hợp cùng giọng đọc vô cảm của “chị google” làm đánh mất đi sự hồi hộp khi xem phim của công chúng.
Phim điện ảnh có thường có thời lượng trên dưới 120 phút. Phim truyền hình thì dài hơn, mỗi bộ vài chục tập, mỗi tập dao động từ 45-60 phút. Vì vậy, những đoạn clip ngắn gắn mác “review” này rất phù hợp với những người bận rộn. Chỉ cần trên dưới 10 phút, người xem đã có thể nắm nội dung phim như thể vừa “cày” phim vài giờ. Tuy nhiên, những clip review này bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ chủ quan của người làm clip. Do đó, người xem không thể tự mình cảm nhận và “thấm” ý nghĩa của từng cảnh quay được.
Nhiều trang review phim còn lấy các clip review phim của Trung Quốc mang về Vietsub lại rồi đăng như của mình. Có nhiều trang thậm chí còn lấy các clip review từ những trang review lậu khác để đăng lại, gây ra tình trạng nhiều trang đăng cùng một clip.
Dù vấp phải nhiều chỉ trích nhưng những trang phim này vẫn thu hút lượng lớn người xem, có trang lên đến hàng trăm nghìn người đăng ký. Từ đó, những cá nhân ăn cắp chất xám, vi phạm pháp luật đã thu được lợi nhuận khổng lồ từ phí quảng cáo.
Có những bộ phim chỉ vừa mới chiếu đã được tóm tắt lại trên khắp các trang review, thu hút hàng triệu lượt xem. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các nhà làm phim.
Hình thức “mì ăn liền” này là một hành vi ăn cắp chất xám tinh vi, gây phẫn nộ đối với những nhà làm phim hay reviewer chân chính. Bên cạnh đó, hình thức này cũng dần hình thành thói quen xấu, làm mất đi trải nghiệm xem phim thú vị của khán giả.
Phản hồi