Danh mục Chủ Nhật, 12/05/2024

NEWS \

Rất ít tác phẩm trong nước viết cho thiếu nhi, trách nhiệm có thuộc về các nhà văn?

15:58 20-03-2022
Hiện nay, có thể nói các ấn phẩm trong nước dành cho thiếu nhi hiện rất khiêm tốn về số lượng trong mặt bằng xuất bản chung, chúng tôi phỏng vấn nhà văn Lê Tấn Hiển về vấn đề này, đặng tìm ra nguyên nhân, tháo gỡ hiện trạng trên.

 Nhà văn Lê Tấn Hiển (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

PV: Thưa nhà văn, được biết vừa qua, Ban chấp hành nhiệm kỳ mới của Hội nhà văn Việt Nam đã quyết định khôi phục Hội đồng văn học thiếu nhi và chủ trương khuyến khích, động viên các nhà văn sáng tác để có nhiều ấn phẩm phục vụ độc giả lứa tuổi măng non. Là một nhà văn từng có nhiều đầu sách viết cho thiếu nhi, ông có thể cho biết cảm nghĩ về sự kiện này ?

NV Lê Tấn Hiển: Phải nói đó là một tín hiệu rất đáng mừng, không chỉ riêng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi nói riêng, những người sáng tác chuyên và không chuyên nghiệp, mà còn đối với cả các tầng lớp cha mẹ các cháu nói chung. Động viên và khuyến khích viết cho thiếu nhi cũng đồng nghĩa với việc sẽ cho ra đời những ấn phẩm dành cho thiếu nhi thời gian tới.  Cảm ơn ban chấp hành mới của Hội nhà văn, đặc biệt là chủ tịch hội Nguyễn Quang Thiều, có thể nói đã kịp thời hàn lấp một khoảng hổng bị lãng quên khá lâu trên văn đàn nước nhà.

PV: Mặt bằng sách của các tác giả trong nước viết cho thiếu nhi quá ít ỏi và khiêm tốn, theo ông phải chăng các nhà văn viết cho thiếu nhi của chúng ta hiện không nhiều ?

NV Lê Tấn Hiển: Tất nhiên điểm này có phần đúng. Thực tế số lượng nhà văn của ta cũng khá nhiều, nhưng (vì nhiều lý do khác nhau) không phải nhà văn nào cũng viết cho thiếu nhi. Song, nếu được động viên, khuyến khích hợp lý và cụ thể, tôi tin rằng các nhà văn chuyên nghiệp đều có thể có tác phẩm dành cho các em. Bằng chứng là đã có khá nhiều nhà văn, kể cả nhà thơ, tuy số đầu sách viết cho thiếu nhi rất ít, nhưng tác phẩm của họ viết cho trẻ đều rất xuất sắc, được NXB Kim Đồng xếp vào “Tủ sách vàng”, ví dụ như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, các nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phạm Ngọc Tiến chẳng hạn…

PV: Trong những lý do được đưa ra, thiếu sách dành cho thiếu nhi liệu có phải trách nhiệm thuộc về các nhà văn ?

NV Lê Tấn Hiển: Đương nhiên, các ấn phẩm sách do các nhà văn viết, nên không cứ sách dành cho thiếu nhi, mà thiếu bất cứ thể loại sách nào, trách nhiệm trước hết thuộc về các nhà văn. Nhưng nói rộng ra, theo tôi, để các nhà văn chăm chút cho lứa độc giả nhỏ tuổi, lại rất cần sự vận động đồng bộ của một hệ thống, từ tổ chức Hội nhà văn-như vừa nêu trên- đến ngành xuất bản trong nước. Nhà văn viết ra tác phẩm, nhưng để “xã hội hoá” và quảng bá tác phẩm của mình thì nhất thiết phải được in ra sách phục vụ độc giả, mà việc in sách là của các nhà xuất bản.

PV: Theo như ông vừa nói, ngành xuất bản, mà cụ thể là các nhà xuất bản có cần sự khởi động nào đó để hưởng ứng ?

NV Lê Tấn Hiển: Về điều này, trước hết cũng xin tiết lộ một câu chuyện : Cách đây ít lâu, cá nhân tôi mang một vài tập bản thảo viết cho thiếu nhi đi gặp biên tập viên một nhà xuất bản (xin không tiện nêu tên NXB) - mà đều là các BTV đã từng biên tập và in khá nhiều sách thiếu nhi của tôi - để “chào hàng” in sách, thì bị chối đây đẩy bằng câu trả lời : “Truyện thiếu nhi à, bây giờ truyện thiếu nhi thì chúng em không in!” Đó là một thực tế. Điều này khó thể cắt nghĩa vì nguyên nhân gì. Nhưng có thể nói, dù viện bất cứ lý do nào (do chủ trương của giám đốc NXB? Chỉ thị của ngành? hay tính toán kinh tế…) thì đây cũng là điều không thể chấp nhận được. Trên thực tế, không có quy định nào nói sách thiếu nhi chỉ có thể in ở NXB Kim Đồng. Bộ truyện “C21” của tôi trước đây cũng là in ở NXB Hà Nội đó thôi. Tình trạng nêu trên bất luận vì sao thì cũng có thể nói là một trong những động thái “ngáng đường” khiến sách dành cho thiếu nhi thiếu vắng nhiều năm qua.

Bởi vậy, muốn có nhiều tác phẩm nội địa viết cho thiếu nhi, như trên đã nói, rất cần sự vào cuộc của cả một hệ thống, thậm chí từ chỉ thị của cơ quan tuyên giáo, các hội nhà văn đến các nhà xuất bản ưu tiên ấn loát các tác phẩm phục vụ các em. Và để thực hiện điều này, hội nhà văn và các nhà xuất bản cần khôi phục lại cách thức vốn nhiều năm trước đã làm, là mở những cuộc vận động (ngắn hạn và vừa hạn : 1 năm, năm rưỡi, 2 năm), có thành phần giám khảo uy tín, cơ cấu giải thưởng hấp dẫn… Làm được điều đó, tin rằng số lượng đầu sách dành cho thiếu nhi chắc sẽ chiếm tỷ lệ đáng kể trên mặt bằng ấn phẩm chung.

PV: Cách đây nhiều năm, bộ truyện “Nhóm đặc nhiệm nhà C21”do ông viết, được chuyển thể thành phim, thế hệ độc giả và khán giả của “C21” giờ đã là thanh niên, nhưng được biết ấn tượng và sự hâm mộ tác phẩm trong hồi ức nơi họ vẫn rất rõ. Hiện nhà văn có còn viết cho thiếu nhi? Và thời gian tới ông có dự định ra mắt tác phẩm nào cho lứa độc giả này không ạ?

NV Lê Tấn Hiển: Lứa thiếu niên này lớn lên, sẽ lại có lớp măng non khác kế tiếp, đó là quy luật của thế hệ, điều này cũng khẳng định bất cứ giai đoạn nào văn học cũng cần dành tâm huyết cho lứa tuổi này. Chức năng của văn học là thẩm mỹ và giáo dục, mọi ấn phẩm dành cho các em chính là đang thực hiện chức năng này. Còn cá nhân tôi ư? Vẫn tiếp tục viết chứ, Nhà văn mà không sáng tác thì thì còn làm gì (cười), và viết cho thiếu nhi chính là sở trường và đam mê của tôi. Hiện trong năm nay, tôi dự định đưa in hai cuốn. Một cuốn truyện vừa thiếu nhi viết về những năm chiến tranh bắn phá của giặc, dày chừng 280 trang; một cuốn mỏng hơn, có chút phiêu lưu, trinh thám, vụ án… Chắc là cũng hấp dẫn tuổi học trò. Có thể xin bật mí luôn nhan đề “Đội sư tử xóm Kho” và “Hầm bí mật dưới ngôi miếu cổ”.

PV: Xin cảm ơn nhà văn.
 

Lê Cẩm Tú

Phản hồi