Năm 2021, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã trải qua cơn tai biến, không chấp nhận việc nằm một chỗ, ông đã lựa chọn cách sống tích cực, lạc quan và vươn lên trong cuộc sống. Chỉ ba tháng sau tai biến và bị cách ly do đại dịch COVID - 19, khi vừa có thể ngồi dậy được, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bắt đầu cầm bút vẽ đồng nghiệp, quyết tâm thực hiện chương trình hành động “Cách ly dịch nhưng không cách ly bút”.
Buổi khai mạc triển lãm “Nhà báo vẽ nhà báo” được tổ chức vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 68 của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Nhà báo tâm nguyện được chia sẻ niềm vui với những người bạn bè, đồng nghiệp ở Hà Nội - mảnh đất nơi ông lớn lên và học tập, gắn với rất nhiều hồi ức tuổi thơ dữ dội. Ông cũng mong muốn được cống hiến “một triển lãm nhỏ” đến với công chúng. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa nhân dịp Hội nhà Báo Việt Nam lần thứ XI và kỉ niệm 72 năm ngày thành lập Hội nhà báo Việt Nam.
Với hơn 40 năm cầm bút, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã viết rất nhiều thể loại khác nhau như truyện thiếu nhi, tản văn, nổi bật nhất là phóng sự, ông được coi là cây bút phóng sự lão luyện trong làng báo chí Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi triển lãm “Nhà báo vẽ nhà báo”, Huỳnh Dũng Nhân cho rằng bản thân luôn quên mình đã về hưu, ông tự nhận mình là người chống lại quy định 60 tuổi về hưu: “60 tuổi trong nghề viết vẫn còn sung sức lắm, tôi vẫn còn viết được, vẽ được, cống hiện được, người cầm bút thì không có về hưu, còn sức còn viết, gừng càng già càng cay, càng có tuổi thì càng nên viết”.
Sự tử tế, lý tưởng sống vô cùng cần thiết với nghề báo
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái rất vui khi hai lần được nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẽ tặng tranh. Một lần là năm 1997 trong chuyến đi thực tế nhà văn tại Yên Bái, Huỳnh Dũng Nhân vẽ thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái vào cuốn sổ và hơn 25 năm nay thiếu tướng vẫn còn giữ. Nói về lần tiếp xúc nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - một nhà báo giỏi và tử tế về nghề tại Yên Bái năm 1997, thiếu tướng bồi hồi chia sẻ: “Biết đâu nhờ sự ngẫu nhiên hiếm hoi ấy, sự tử tế ẩn chứa trong con người tôi ‘lên men’ và tôi mới có thành công như ngày hôm nay”.
Sau khi về hưu, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẫn tiếp tục sáng tác, những khát vọng đã tiếp thêm năng lượng mới, lý tưởng mới để nhà báo tiếp tục sáng tác trong cuộc đời, sống trọn vẹn với cuộc đời. Chính những lý tưởng ấy cũng đã tiếp thêm nghị lực cho thiếu tướng Hồng Thái, ông chia sẻ “Tôi sẽ học tập Huỳnh Dũng Nhân để sống với cuộc đời và những ngày còn lại trong cuộc đời mình tôi luôn luôn dũng cảm, những ngày còn binh nghiệp sẽ luôn cố gắng”.
Dù ít gặp nhưng mỗi lần gặp, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân lại thổi vào lòng đối phương những khát vọng, lý tưởng sống khiến thiếu tướng Hồng Thái nể phục.
Cái tài, nghị lực phi thường bùng cháy trong con người nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
PGS, TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo Chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền không khỏi xúc động khi được nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẽ tặng bức tranh. Cô chia sẻ bản thân luôn nể phục “đàn anh” - một cây bút phóng sự lão luyện, một cựu sinh viên Khoa Báo Chí và vô cùng vui mừng khi thấy phiên bản “nữ giảng viên báo chí” được phác hoạ qua nghệ thuật hội hoạ. Bên cạnh đó PGS, TS. Đỗ Thị Thu Hằng bày tỏ sự kính trọng và ngưỡng mộ nghị lực phi thường của người bạn lớn Huỳnh Dũng Nhân khi ông tuyên bố “không buông bút” cũng như cái tài, lý tưởng sống đối mặt với nghịch cảnh, trân quý và tận hưởng cuộc sống, yêu đời, yêu người của tác giả.
Cô chia sẻ thêm cảm nghĩ về thông điệp nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã truyền tải: “Sống để sáng tạo và sáng tạo để sống ý nghĩa từng ngày. Đó là thông điệp tác giả muốn chuyển đến khách triển lãm. Tôi nghĩ vậy”.
Mặc dù không thể đến tham dự buổi triển lãm, PGS, TS. Đỗ Thị Thu Hằng đã gửi lời chúc mừng sinh nhật, chúc sức khỏe tới người đồng môn, đồng nghiệp đáng kính - Huỳnh Dũng Nhân cũng như chúc mừng nhà báo với buổi triển lãm nghệ thuật đặc biệt.
Không có thất bại thì không có thành công
Chia sẻ về những khó khăn, Huỳnh Dũng Nhân tự nhận bản thân may mắn vì được học đúng ngành nghề, làm việc mình muốn, khó khăn nhất nhà báo phải gặp thời còn trẻ là hay bị chi phối vì mê nhiều thứ, thể thao, văn hóa, giảng dạy,... nhưng chính những khó khăn đấy lại trả công cho ông, tôi luyện ý chí, lý tưởng sống. Nhân dịp giao lưu với sinh viên tại buổi triển lãm, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ báo chí thời nào cũng thế, cần phải bắt tay vào viết ngay, cộng tác nhiều với các báo vì bốn năm báo chí là rất ngắn. Nhà văn, họa sĩ cho rằng nếu không bắt tay ngay vào viết thì sẽ muộn, đối với sinh viên báo chí thì cứ viết, sống có mục đích, có ý nghĩa cho đời.
Khi được hỏi về những thành tựu đạt được, Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ: “Quá trình hoạt động có người nói tôi thêm thành tựu nhưng không phải, tôi làm công việc của 1 người xếp gạch, người xây dựng, cứ mỗi năm tôi sẽ thêm một viên gạch vào ngôi nhà của mình cho nó vững chắc, to cao hơn”. Chính vì vậy, vào ngày sinh nhật ông thường kỉ niệm bằng việc một đầu sách, một tác phẩm, triển lãm ra đời hay một công trình nào đó chứ không chỉ có bánh sinh nhật, ông cho rằng nếu cuộc sống cứ bình thường ngày qua ngày thì thật tẻ nhạt. Vì lý tưởng ấy nên mỗi dịp kỉ niệm sinh nhật, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân luôn luôn phải có sự kiện đi kèm để tạo ra dấu ấn trưởng thành của bản thân.
Đề tài quanh ta, nhân vật quanh ta, vốn liếng trong ta
Cũng trong buổi triển lãm, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã dành rất nhiều những kinh nghiệm gửi tới thế hệ nhà báo tương lai: “Các bạn đừng đắn đo đi tìm những đề tài ở đâu, hãy viết những điều bình dị nhất xung quanh cuộc sống của ta. Khi viết về chính mình sẽ khám phá được rất nhiều điều hay, điều mới mẻ, hãy viết những gương mặt quanh mình”. Khi sống, chúng ta hãy sống hết mình với những đam mê, với sự yêu thích của bản thân, có thể tìm tòi những điều mới lạ bởi đó cũng chính là chất xúc tác, những gia vị, là nguồn cảm hứng bất tận. Tuy nhiên sứ mệnh của những nhà báo tương lai là vô cùng vinh quang, khi đã theo đuổi phải làm tròn, phải sống thật ý nghĩa, đừng để những năm tháng tuổi trẻ trôi đi một cách lãng phí.
Cuối cùng, một điều không kém phần quan trọng mà nhà báo Huỳnh Dũng Nhân muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ, những nhà báo tương lai đó là chữ “Liều”. Ông đã liều viết, liều vẽ, liều tổ chức triển lãm và cũng rất may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của mọi người. Vì thế tuổi trẻ phải luôn đặt mục tiêu cao hơn ngưỡng của bản thân để cố gắng, không ngại thử sức và khi chúng ta vượt qua được hết thử thách, vượt qua được chính mình thì đó chính là thành công.
Phản hồi