Múa rối nước là nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo, thân thuộc đối với những người dân vùng châu thổ sông Hồng. Trải qua những biến thiên của lịch sử, phường múa rối Đào Thục - một trong những phường rối còn tồn tại đến nay vẫn lưu giữ và phát triển nghề làm rối nước trong suốt 300 năm qua.
Theo nghệ nhận Nguyễn Văn Phi, quá trình làm rối nước thường thông qua 4 giai đoạn: chọn gỗ, tạo hình, sơn màu và gắn động cơ. Ở làng Đào Thục, con rối thường được làm từ một khối gỗ sung. Để có thể tạo hình, khối gỗ này cần ngâm qua nước, đến tay nghệ nhân và đục đẽo, tạo phần thô. Con rối bắt đầu rõ ràng đường nét ở công đoạn khó khăn nhất, đó chính là đục đẽo chi tiết. Đối với nghệ nhân Nguyễn Văn Phi, mỗi một con rối đều mang một cái hồn riêng, một màu sắc, nét mặt riêng. Bởi, làm rối ở Đào Thục là hoàn toàn thủ công và khác nhau qua mỗi lần chế tác.
Theo ông Phi, “Múa rối là nghệ thuật dân gian, mỗi một khúc gỗ thể hiện cho tâm hồn của một con người, nó phải có giá trị và sự tôn trọng. Trong tạo hình con rối, gỗ sung đạt được 2 giá trị. Thứ nhất, chữ “sung” thể hiện cho sức khỏe và sự sung túc. Thứ hai, gỗ sung nhẹ, có độ bền khi ngâm trong nước, có thớ và dai. Đặc biệt, khi xuống nước, nó tiếp xúc với mặt nước thấp”. Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi nhấn mạnh, vật liệu, đặc biệt là gỗ sung đã góp phần tạo nên những màn trình diễn như “lướt trên mặt nước”, nhẹ nhàng, mềm mại của các sân khấu múa rối nước.
Sơn màu là công đoạn cuối cùng để hoàn thiện phần hình thức bên ngoài của mỗi con rối. Theo ông Phi, đây là một công đoạn mất nhiều thời gian: “Mỗi một lớp sơn là phải đi phơi, phơi khô rồi mới có thể sơn tiếp. Chính vì vậy mà làm một con rối phải mất từ 5 đến 7 ngày là vì thế”. Khi đã hoàn thiện phần hình, người nghệ nhân bắt đầu gắn động cơ, hoặc lắp ráp các bộ phận lại với nhau để tạo cho con rối những chuyển động uyển chuyển trên mặt nước. Quá trình làm con rối càng trơn tru, việc biểu diễn trên sân khấu càng mượt mà, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi khẳng định.
Đa phần, kích thước mỗi con rối không to, khoảng 30cm-70cm và không có trọng lượng cụ thể. Các tuyến nhân vật múa rối nước đa dạng theo các chủ đề bao quát mọi lĩnh vực cuộc sống đến đời sống tâm linh như thần linh (bát tiên), linh vật (long, ly, quy, phượng), anh hùng dân tộc và con người, vật thường ngày của làng quê Việt Nam xưa (con trâu, con gà, nông cụ).
Về màu sắc, theo thời gian, con rối đã được biến tấu để phù hợp hơn với nhu cầu thẩm mỹ của người xem. Trước đây, người nghệ nhân thường lựa chọn các màu sắc gắn với đồng quê Việt Nam và nền văn minh lúa nước như: nâu, vàng dòng, đen, hồng,... Ngày nay, theo từng kịch bản khác nhau, người nghệ nhân cũng đã khéo léo, đa dạng tạo nên nhiều tuyến nhân vật như: lính đánh trận, bộ đội hải quân, ca-nô, cá heo,... Các bộ rối bắt đầu đa dạng, có nhiều sự chuyển biến, đưa cuộc sống thường nhật vào nghệ thuật dân gian để tiếp cận gần hơn với khán giả trẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Phi, cái khó khăn nhất trong quá trình tạo ra con rối là giữ gìn và truyền cái hồn đến với người xem. Đồng thời, yếu tố kỹ thuật cũng góp phần quan trọng trong quá trình tạo nên sự thành công của một vở rối. 10 năm cần mẫn với nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi vẫn luôn không ngừng nghiên cứu, tự trau dồi các kiến thức về kỹ thuật để tạo nên những chuyển động mượt mà và theo ý đồ mà khách hàng mong muốn. Đồng thời, ông Phi cùng làng rối nước Đào Thục vẫn luôn sáng tạo thêm những tích trò thú vị để rối nước ngày càng đổi mới và sáng tạo hơn.
Múa rối là một loại hình nghệ thuật chuyển động. Ra đời cùng với nền văn minh lúa nước, múa rối như một phần cuộc sống và cũng đang tái diễn cuộc sống thông qua nghệ thuật. “Múa rối nước không chỉ mang những giá trị về nghệ thuật mà những giá trị về văn hóa đã nằm trong bộ môn nghệ thuật này. Đó là một nền văn hóa của con người Việt Nam ta, của các thế hệ ngày xưa và của chính những người nông dân. Đó chính là những ý nghĩa sâu sắc là nghệ thuật múa rối nước mang lại” - Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi trải lòng.
Hiện nay, phường múa rối Đào Thục mở thêm các lớp học làm rối cho các bạn nhỏ sự yêu thích đối với bộ môn thủ công này. Theo ông Phi, thật khó để có thể truyền nghề cho các tất cả các bạn. Tuy nhiên, các lớp học diễn ra với tần suất 2 buổi/1 tuần phần giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực tương lai. Bạn Đinh Đức Hải, thành viên lớp học múa rối chia sẻ: “Có bố là nghệ nhân làm con rối, mình luôn cố gắng học hỏi từ bố cũng như các nghệ nhân trong làng để yêu bộ môn nghệ thuật này hơn và cũng sẽ có thiên hướng tiếp nối nghề làm rối này”.
Thực chất, trong xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất con rối ra đời, sản xuất theo dây chuyền, tiện lợi hơn cho các nhà hát múa rối lớn. Tuy nhiên, với ông Phi, “Hồn cốt nhân vật là yếu tố tiên quyết để tạo nên cảm xúc trong một buổi biểu diễn. Để làm được điều đó, con rối phải được đục đẽo qua bàn tay của nghệ nhân. Mỗi con rối là một lần người nghệ nhân thả hồn mình trong đó, nên có thể nói, thật khó để nghề rối nước sẽ bị lụi tàn”.
Phản hồi