Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024

NEWS \

Mang văn hoá châu Âu đến sân khấu rối nước Việt

22:11 08-11-2023
Đấu bò tót, ballet, nàng tiên cá,... là những hình tượng không hề xa lạ khi nhắc đến văn hóa châu Âu. Đặc biệt hơn, chúng đã được Nhà hát Múa rối Thăng Long khéo léo đưa vào sân khấu rối nước Việt. Sự đổi mới này đã đón nhận không ít sự khen ngợi và hưởng ứng đến từ các chuyên gia và khán giả.

 Nhà hát Múa rối Thăng Long - nơi mang chất liệu mới đến nghệ thuật múa rối Việt.
(Ảnh: Ngọc Ánh)

Nếu trước đây khán giả biết đến múa rối nước thông qua những tích trò cổ, dân gian, những câu chuyện cổ tích, nhân vật quen thuộc thì giờ đây rối nước đã có những điểm đổi mới, sáng tạo hơn. Những vở diễn tái hiện các câu chuyện cổ nước ngoài đã xuất hiện và trở nên phổ biến hơn. Là một khán giả có niềm đam mê với múa rối nước, cô An, 50 tuổi, sống tại làng Đào Thục, Hà Nội chia sẻ:“Múa rối bây giờ nhiều tiết mục hơn ngày xưa. Trước chỉ hát về người nông dân thôi, giờ thì có hát về chú bộ đội, chú lính chì, ông ba khía, như trước tôi xem có cả nhân vật nước ngoài”.

Những nhân vật mới lạ đã khiến múa rối trở nên đặc sắc hơn trong mắt của khán giả trong và ngoài nước. Khác với những vở rối thông thường, sự xuất hiện đầy mới mẻ của chú Tễu trong “Bay lên từ mặt nước” của Nhà hát Múa rối Thăng Long, đã khiến người xem phải đứng ngồi không yên. Một chiếc mũ phớt trên đầu cùng với một chiếc áo gile đã khiến ngoại hình của chú Tễu trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết. Được biết “Bay lên từ mặt nước” là câu chuyện chú Tễu kể lại những tinh hoa văn hóa trên thế giới (gồm đấu bò tót của Tây Ban Nha và vở ballet Hồ Thiên Nga của Nga) sau chuyến đi chu du khắp nơi nhân dịp Liên hoan quốc tế lần thứ 4.

Bằng sự khéo léo và tài tình, những nghệ nhân đã đem đến một sân khấu bò tót ngay trên mặt nước. Tuy nhiên thay cho một không khí mang tính dữ dằn, hồi hộp và gay cấn như ngoài đời, trận đấu bò trở nên hài hước, vui nhộn hơn qua biến tấu của người nghệ sĩ. Bên cạnh đó, vở rối “Hồ Thiên Nga” cũng mang đến một làn gió mới cho nghệ thuật rối nước Việt. Những con rối vốn bình thường giờ đây đã trở thành những người nghệ sĩ múa ballet chuyên nghiệp, liên tục xoay tròn theo nhạc. Các vũ công không chỉ di chuyển một cách đơn giản mà còn thực hiện các động tác khó như “người thật”. Để tăng sức hấp dẫn, màn biểu diễn còn có sự kết hợp của âm nhạc đương đại, ánh sáng xanh kỳ ảo, lấy được sự khen ngợi không ngớt của khán giả. 

Tiết mục “Hồ Thiên Nga” được dàn dựng rất công phu. 
(Nguồn: Internet)  


Sẽ không ngoa khi nói những sự đổi mới này đã đem đến cho múa rối nước Việt một diện mạo hoàn toàn mới lạ. Chị Nguyễn Hoạt, khán giả xem múa rối nước tại Nhà hát Múa rối Thăng Long chia sẻ: “Mình thấy việc đổi mới, sáng tạo trong múa rối đã khiến các tiết mục trở nên đặc sắc và thu hút hơn. Các bé nhà mình cũng bắt đầu thích và mong muốn được đi xem múa rối nhiều hơn. Mình nghĩ đây là dấu hiệu tích cực cho loại hình nghệ thuật truyền thống này”.

“Bay lên từ mặt nước” là tiết mục vô cùng kỳ công do NSƯT Hoàng Tuấn và NSƯT Chu Lượng dàn dựng. Toàn bộ những con rối trong màn biểu diễn đều do Nhà Hát Múa rối Thăng Long tự nghiên cứu và thiết kế sao cho phù hợp với kịch bản, nhân vật. Quá trình thực hiện hai vở diễn trên là một sự cố gắng từ đạo diễn đến diễn viên. Để hoàn thiện được tốt vở rối, các diễn viên của Nhà hát Múa rối đã gặp rất nhiều khó khăn khi họ phải biểu diễn múa ballet bằng con rối. Vì vậy, các đạo diễn đã phải mời một biên đạo múa ballet về để hướng dẫn vũ đạo cho các nghệ sĩ rối. Quá trình thực hiện gian truân, vất vả là thế nhưng người nghệ sĩ vẫn cố gắng để đem đến cho khán giả những màn biểu diễn độc đáo, mãn nhãn nhất. 

Bên cạnh sự thành công của “Bay lên từ mặt nước”, lần đầu tiên múa rối nước Việt Nam có sự kết hợp với truyện cổ Andersen. Tiết mục này được trình diễn ở sân khấu rối nước tại Paris và đã chinh phục hoàn toàn khán giả Pháp. Ba câu chuyện quen thuộc của trẻ em là “Chú lính chì dũng cảm”, “Vịt con xấu xí”, “Nàng tiên cá” đã được những người nghệ nhân ở Nhà hát múa rối Việt Nam tái hiện lại một cách đặc biệt  thông qua những con rối nước. Có thể nói đây chính là bước đệm đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam đến với trường quốc tế. 
 

 Vở rối “Chú lính chì dũng cảm”.
(Nguồn: Internet) 

Việc khai thác nền văn hóa thế giới bên cạnh văn hóa truyền thống là một cách làm mới lạ của rất nhiều nhà hát múa rối ở nước ta. Nhất là trong bối cảnh khi mà nghệ thuật truyền thống đang dần mai một trong giới trẻ, sự sáng tạo trên như một làn sóng mới đưa sân khấu rối nước tiến gần hơn đến với mọi người đặc biệt là các bạn trẻ. Nó không chỉ thu hút du khách nước ngoài mà còn lôi kéo được khán giả trong nước tìm về với các loại hình nghệ thuật dân tộc. Tuy nhiên, đổi mới không có nghĩa là loại bỏ, du nhập hoàn toàn văn hóa phương Tây mà nó vẫn phải kế thừa từ nghệ thuật dân gian cổ, mang dáng dấp, tâm hồn của người Việt xưa.  
 

Ngọc Ánh - Truyền hình CLC K41

Phản hồi