Danh mục Thứ Năm, 21/11/2024

NEWS \

“Kim Liên đệ nhất kéo” giữa lòng Hà thành

20:00 07-11-2023
“Kim Liên xanh vỏ đỏ lòng/ Đàn ông cắt tóc, đàn bà hái rau” là hai câu ca dao nổi tiếng gắn liền với làng nghề cắt tóc Kim Liên từ bao đời nay. Nhắc đến làng Kim Liên, không thể không nhớ đến tên gọi “làng nghề cắt tóc” - nơi sinh ra và lớn lên của nhiều “cây kéo” tài hoa. Một trong số đó là “Trạng nguyên cắt tóc” - nghệ nhân Phạm Duy Hào.

Chuyện nghệ nhân “làng tóc” 

Nghệ nhân Phạm Duy Hào hiện là Chủ nhiệm Hợp tác xã Làng nghề cắt tóc Kim Liên, phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Năm 1993, ông từng được phóng viên Hãng Thông tấn AP (Mỹ) gọi với cái tên “Người có đôi bàn tay vàng”. 

Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề cắt tóc. Là đời thứ 4 trong gia đình theo nghề, ông chia sẻ: “Tôi theo nghề này đến nay đã rất nhiều năm. Từ khi 13, 14 tuổi tôi đã vừa học nghề vừa làm, đến năm 17 tuổi thì tham gia một khóa học do Nhà nước đào tạo. Từ đó, tôi chính thức bước chân vào nghề cắt tóc”. 

Khi còn nhỏ, Phạm Duy Hào đã đi theo ông nội, vừa phụ việc vừa học nghề. Ông cho biết, ngày xưa khi học, phải đứng nhìn những người thợ khác, tự làm đẹp cho mình trước rồi mới làm đẹp cho khách. Thời ấy, thợ cắt tóc làng Kim Liên phải trải qua quá trình đào tạo dài ngày, vất vả mới được ra làm nghề. Nghệ nhân cho hay: “Ngày xưa, các cụ bắt cầm kéo từ 3 - 6 tháng, phải tập đánh kéo 6 tháng trời mới được hành nghề”.

Nghệ nhân từng trải qua quá trình học nghề vất vả, ông làm nghề từ 5 năm trở lên mới được xem là chuyên nghiệp. Chủ yếu, những người thợ tại đây cắt tóc bằng kéo, con dao liếc, tất cả đều làm thủ công thay vì dùng những công cụ hiện đại như bây giờ.

Thay vì sử dụng thiết bị máy móc, nghệ nhân Phạm Duy Hào vẫn giữ kĩ thuật “đánh kéo” trên tóc chỉ có tại làng nghề Kim Liên. (Ảnh: Nhật Mai) 

Chia sẻ về quãng thời gian đáng nhớ khi làm nghề, ông nhớ về những năm thời bao cấp. Ông kể lại: “Chúng tôi phải cắt tóc theo quy định kiểu đầu của Nhà nước. Nam thì mai xanh trắng gáy, nữ thì cắt theo kiểu Nhật Bản nên cũng rất khó cho người thợ”. Nghề cắt tóc là nghề làm đẹp, nhưng người thợ lúc ấy lại gặp khó khăn vì không có cơ hội được tự do sáng tạo. Thời ấy, muốn hành nghề phải được đào tạo, cấp chứng chỉ bởi ngành Quản lý ăn uống và phục vụ Hà Nội. Nghệ nhân Hào tham gia khóa học và đỗ thủ khoa khóa đầu tiên, cùng với “gen di truyền” trong nhà đã tạo nên cái tên “Trạng nguyên cắt tóc” làng Kim Liên. 

 Dù đã từng có những giai đoạn làm nghề khó khăn, nghệ nhân Phạm Duy Hào vẫn kiên trì với nghề “cha truyền con nối”. (Ảnh: Nhật Mai)

Trăn trở với hành trình giữ danh làng nghề

Nghề cắt tóc được xem là vất vả, độc hại. Một phần vì “cơm” kiếm được từ nghề không đủ, phần còn lại vì phải tiếp xúc nhiều với hóa chất làm tóc nên thanh niên trong làng dần không theo nghề lâu dài. Là người đã gắn bó với nghề từ lâu, ông luôn trăn trở nỗi niềm làm thế nào để giữ nghề, để thanh niên trong làng tiếp nối nghề lâu đời. 

Xứng danh “Trạng nguyên cắt tóc”, nghệ nhân Phạm Duy Hào với hơn 40 năm trong nghề đã mở lớp đào tạo, ông nhận thêm nhiều người theo học. Các học viên của ông chủ yếu đến từ “Tổ bán báo Xa mẹ” - nơi cưu mang những đứa trẻ mồ côi, sống lang thang cơ nhỡ. Nghệ nhân bồi hồi chia sẻ: “Tôi thấy các cháu cơ nhỡ, đưa các cháu về dạy, nuôi các cháu ăn học, cho các cháu cái nghề. Bây giờ nhiều cháu đã trưởng thành, vẫn nhớ ơn đến thầy”. Đối với ông Hào, việc nhận người theo học vừa là cách để ông tìm thấy “tay kéo vàng” đời sau, vừa giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn có công ăn việc làm. 

Bên cạnh việc mở lớp, ngày 15/3 âm lịch hàng năm, ông cũng tham gia vào “Hội thi Tay kéo vàng”. Đây vừa là dịp để mọi người cùng chia sẻ, học hỏi từ người đi trước, vừa là cơ hội truyền động lực cho lớp trẻ kiên trì với nghề. Tuy cái danh “nức tiếng thiên hạ” không còn được như trước, nhưng với nghệ nhân Hào, đây là những đóng góp thành công trong nỗ lực vực dậy, tiếp nối nghề truyền thống. 

 

Những bằng khen, giấy chứng nhận là thành quả nghệ nhân Hào nhận được trong suốt quá trình làm nghề của mình. (Ảnh: Nhật Mai)

Người xưa có câu: “Cái răng cái tóc là góc con người”. Nghề làm nên “góc con người” ấy cần được gìn giữ và bảo vệ, nhất là đối với một làng nghề truyền thống Kim Liên. Nghệ nhân tâm sự: “Nghề cắt tóc là nghề không thể thiếu ở bất kì một đất nước nào. Đây là nghề làm đẹp cho đời, một nghề vô giá, nó chỉ quanh quẩn giữa cái mới và cái cũ xung quanh chúng ta”. 

Nhìn lại từng ấy năm kiên trì phục dựng lại, nghệ nhân Hào đã phần nào yên tâm hơn. Đó là khi lớp thanh niên trong làng bắt đầu quay lại với nghề, yêu và sống cùng nghề. Ông mong rằng lớp người trẻ hãy tiếp nối truyền thống làng, cố gắng giữ đạo đức nghề ở mỗi sản phẩm làm cho khách. Mỗi người thợ phải thật sự tâm huyết, yêu nghề, sáng tạo, bởi hành trình này chỉ với mục đích duy nhất là làm đẹp cho đời, cho người. 

Ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày hội làng nghề Kim Liên. Vào ngày này, Hội làng nghề sẽ tổ chức: “Hội thi Tay kéo vàng”. Hội thi không chỉ nhằm mục đích tìm ra những “tay kéo” khéo léo mà còn là nơi để mọi người giao lưu học hỏi. Đặc biệt, đây là dịp để nhắc nhớ cho mọi người, cho lớp trẻ về nghề truyền thống của làng và cũng là cơ hội để kêu gọi, truyền động lực cho thế hệ thanh niên tiếp nối nghề tổ tiên để lại.
Nguyễn Lê Nhật Mai - Báo in K41

Phản hồi