Danh mục Thứ Sáu, 19/04/2024

NEWS \

Fast Fashion: Thời trang bắt kịp xu hướng và gánh nặng môi trường

08:03 24-11-2021
Ngành công nghiệp thời trang hiện nay đang thịnh hành một xu hướng thời trang đó là Fast Fashion. Các ông lớn trong ngành như Zara, H&M, Uniqlo,... đã cho ra nhiều bộ sưu tập mới và liên tục “cháy hàng” sau nhiều ngày mở bán nhưng vẫn vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều vì lý do về môi trường.

Fast Fashion (thời trang nhanh) là một thuật ngữ dùng để mô tả một mô hình kinh doanh mang lại lợi nhuận cao và có khả năng khai thác dựa trên việc nhân rộng các xu hướng trên sàn catwalk và các thiết kế thời trang cao cấp , sản xuất hàng loạt với chi phí thấp. 

Fast Fashion nổi lên như một xu hướng và được rất nhiều người yêu thích bởi tính nhanh, gọn và tiện lợi. Những món đồ thời trang này liên tục được thay đổi mẫu mã, kiểu dáng và màu sắc với tốc độ chóng mặt. Người tiêu dùng thường chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn, sau đó sẽ không dùng nữa do lỗi mốt hoặc không hợp “trend” (xu hướng). 

Vào cuối những năm 90, đầu những năm 2000, ngành công nghiệp thời trang dường như đã bùng nổ và chạm tới đỉnh điểm. Kể từ đây, những xu hướng thời trang dần được mọi người bắt kịp và chuyển thành “trend”. Những thương hiệu thời trang nổi tiếng như H&M, Zara,... đã liên tục cho ra đời những bộ sưu tập thời trang cao cấp phù hợp theo từng mùa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

 Những thương hiệu thời trang nổi tiếng liên tục cho ra đời những bộ sưu tập cao cấp để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. (Ảnh: Shutterstock)

Thời trang nhanh luôn là sự lựa chọn hàng đầu của khách hàng bởi sự tiện lợi lớn nhất là giá thành rẻ. Không tốn quá nhiều tiền để người dùng có thể sở hữu cho mình một bộ đồ hợp mốt. Bên cạnh đó, sự đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc sẽ mang đến rất nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Cho dù là họ có gu thời trang như thế nào, ở độ tuổi ra sao thì không khó để chọn cho mình một bộ đồ phù hợp. 

Tuy nhiên, bên cạnh những sự hưởng ứng nồng nhiệt từ người dùng, thì Fast Fashion đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều vì tác hại lớn gây ô nhiễm môi trường. Ngành công nghiệp thời trang là nhân tố thứ hai gây ra những tổn thất đến tài nguyên và môi trường trên toàn thế giới. 

Theo EcoWatch thống kê, ngành thời trang chịu trách nhiệm trong việc thải ra 10% cacbon trong không khí. Người tiêu dùng mua quần áo để bắt kịp xu hướng, sau khi quần áo bị hỏng hoặc lỗi mốt thì họ sẽ đem vứt bỏ và sự phí hoài đó vô hình trung đã gây nên một lượng rác thải lớn khó phân hủy ra môi trường.  Và vì những món đồ đó có giá thành rẻ nên chất liệu được làm từ Polyester và chất liệu này sẽ phải tốn đến hơn 200 năm để phân hủy. 

 "Rác thải" quần áo tại Chile. (Ảnh: AFP)

Xã hội ngày càng phát triển, những xu hướng thời trang đã cuốn con người vào guồng quay của nó và nhiều người đang dần quên mất rằng môi trường cđang bị hủy hoại như thế nào. Không bắt kịp xu hướng thời trang, con người không thể chết nhưng nếu môi trường sống bị hủy hoại, chắc chắn sẽ dẫn tới sự diệt vong.

Thanh Huyền, Kim Anh

Phản hồi