Danh mục Thứ Sáu, 20/09/2024

Tiêu điểm \

Tọa đàm “Vấn đề đặt ra và giải pháp tối ưu hoá quản trị tòa soạn số ở các quốc gia ASEAN”: Báo chí đương đầu với thách thức chuyển đối số

23:56 07-12-2023
Chiều 7/12, tọa đàm “Vấn đề đặt ra và giải pháp tối ưu hoá quản trị tòa soạn số ở các quốc gia ASEAN” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Thông qua tọa đàm, nhiều vấn đề trong quản trị tòa soạn báo chí số đã được nêu rõ và đề xuất phương hướng giải quyết.

Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” được tổ chức từ 06 - 09/12/2023 tại Thủ đô Hà Nội. Hội thảo là diễn đàn nơi các nhà báo trong nước, 7 đại biểu của Liên đoàn báo chí ASEAN cùng nhiều chuyên gia công nghệ tham gia bàn luận, đánh giá và đề xuất các giải pháp tối ưu cho vấn đề quản trị tòa soạn số trong khu vực các nước Đông Nam Á. 

Hội thảo diễn ra theo 2 phiên: Phiên thứ nhất với nội dung “Lý luận chung về quản trị tòa soạn số” và Phiên thứ hai với nội dung “Quản trị tòa soạn số: Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp”. Tọa đàm “Vấn đề đặt ra và giải pháp tối ưu hoá quản trị tòa soạn số ở các quốc gia ASEAN” nằm trong khuôn khổ Phiên 2 Hội thảo. 

 Tọa đàm được tổ chức sau những phiên tham luận của các đại biểu. (Ảnh: CJC)

Tọa đàm diễn ra với sự dẫn dắt của TS. Tạ Bích Loan chào đón sự tham dự của 5 khách mời: PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; ông Chavarong Limpattamapanee - Chủ tịch Hội đồng báo chí quốc gia Thái Lan, Cố vấn cấp cao Liên đoàn các nhà báo Thái Lan, Quản lý Trung tâm Dữ liệu Báo Thairath Daily; Ths. Ngô Trần Thịnh - Trưởng nhóm Tin tức số của Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Vũ Văn Luật - Chủ tịch tập đoàn SM, nghiên cứu sinh tại Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và ông Nguyễn Hồng Sơn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB. 

Chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý nội dung, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung, kinh doanh. Nằm trong xu thế chuyển đổi số của thời đại, hoạt động vận hành và quản lý tòa soạn dù đã ghi nhận những bước chuyển mình tích cực nhưng vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Tọa đàm đem đến những góc nhìn chân thực về cơ hội và thách thức, đồng thời bàn luận về các giải pháp tiềm năng nhằm thúc đẩy quá trình số hóa báo chí. 

Ý kiến từ các chuyên gia sẽ chỉ ra điểm mấu chốt của vấn đề, từ đó thu thập những phương hướng giải quyết phù hợp. (Ảnh: CJC) 

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Chavarong Limpattamapanee chỉ ra sự khác biệt giữa những độc giả của báo giấy truyền thống với những người đọc trên nền tảng số. Trong khi tin tức của báo in “chậm mà chắc” thì các độc giả trực tuyến mong muốn được “chiêu đãi” với những bản tin nóng hổi. Sự thay đổi trong nhu cầu tin tức của người đọc đã khiến nhiều cơ quan báo chí phải áp dụng công nghệ để cung ứng kịp thời. 

Đề cập đến việc ứng dụng công nghệ để phân biệt nhóm khán giả và đáp ứng nhu cầu về thông tin thực (“real news”), ông Nguyễn Hồng Sơn đề xuất: “Để giải quyết vấn đề thứ nhất, chúng ta cần xác định nhóm độc giả của mỗi loại sản phẩm báo chí, việc này có thể được xử lý bằng công nghệ phân tích dữ liệu. Với vấn đề thứ hai, các tòa soạn có thể áp dụng 2 cách: Một là duy trì sản phẩm và đối tượng độc giả. Hai là sử dụng các nền tảng và dịch vụ công nghệ để lấy thông tin, xử lý và thử nghiệm khi đưa ra một sản phẩm báo chí mới, “phép thử” đó sẽ cho ta cơ sở để phân tích người đọc của mình”.

Ngoài thách thức về công nghệ, anh Ngô Trần Thịnh chỉ ra hai vấn đề lớn nhất của một tòa soạn khi chuyển đổi số là nội dung và nhân sự. Qua đó, trưởng nhóm Tin tức số của đài HTV đã chia sẻ về giải pháp sử dụng Chat GPT để hỗ trợ những nhà báo lâu năm. Việc những “cây bút” kỳ cựu học được cách đổi mới sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà báo trẻ mạnh dạn tiếp cận công nghệ trong quá trình tác nghiệp. “Chuyển đổi số bản chất là thay đổi con người” - anh Trần Thịnh khẳng định. 

 Đối với anh Ngô Trần Thịnh (bên phải), công nghệ là “viên kẹo ngọt” giúp giải quyết vấn đề nhân sự của tòa soạn số. (Ảnh: CJC)

Tọa đàm đặt ra câu hỏi tiếp theo: Bao giờ mới kiếm được nguồn thu trên nền tảng số? Hiện nay, phần lớn cơ quan báo chí sử dụng ngân sách Nhà nước để vận hành nên quá trình đấu thầu, thẩm định, duyệt giá phức tạp là “sợi dây” kéo nền báo chí thụt lùi so với sự phát triển chóng mặt của công nghệ. Trước thực trạng này, ông Vũ Văn Luật đưa ra kiến nghị đến Hội Nhà báo: “Phải có những quyết sách đặc thù để đầu tư công nghệ số kịp thời, cắt ngắn quy trình, có chính sách rõ ràng về thu và thanh toán đối với báo chí số”.

Để tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả trong quản lý, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng đưa ra kết luận: “Xét về góc độ khoa học, vấn đề đầu tiên là nhận thức, từ đó mới hình thành nên chiến lược. Mỗi cơ quan báo chí phải có một chiến lược riêng về phân phối nội dung và công chúng khách hàng”. Cô Thu Hằng bổ sung, các tòa soạn số phải phân rõ 4 khu vực: Nghiệp vụ, công chúng, tài chính và nguồn nhân lực. 4 yếu tố trên đều nằm trong hệ sinh thái tòa soạn số và có mối liên hệ chặt chẽ. 

 Cô Thu Hằng nhấn mạnh từng bước chuyển đổi số. (Ảnh: CJC)

Tọa đàm diễn ra trong không khí sôi nổi với những phần chia sẻ thiết thực đến từ các chuyên gia và phần tranh luận, đóng góp đến từ các đại biểu. Qua đó, khách mời tham dự không chỉ được học hỏi thành tựu của báo chí nước bạn mà còn nhìn nhận rõ hơn về những vấn đề quản trị tòa soạn số trong nước. Tọa đàm kết thúc nhưng đã mở ra nhiều giải pháp mới mẻ giúp báo chí thích nghi với xu thế chuyển đổi số toàn cầu. 

Ông Khieu Kola - Nhà báo, Nhà sản xuất tin tức cấp cao, Phân tích tin tức quốc tế tại Cambodia News Channel đặt câu hỏi tranh luận tại tọa đàm. (Ảnh: CJC) 

Mỹ Uyên - CJC

Phản hồi