Trào lưu quay trở lại
Quần áo secondhand đã trải qua một hành trình phức tạp trước khi trở thành một phần quan trọng trong thị trường thời trang hiện đại. Vào khoảng đầu thế kỷ 20, quần áo secondhand thường được coi là đồ "bỏ đi" và chỉ dành cho những tầng lớp kinh tế thấp, đặc biệt là công nhân lao động.
Tuy nhiên, theo thời gian, cái nhìn về thời trang secondhand đã thay đổi. Xu hướng sử dụng đồ secondhand được đông đảo lứa tuổi ưa chuộng trong đó đặc biệt là giới trẻ. Họ có thể tận dụng những trang phục đó để biến tấu thành một bộ đồ độc, lạ và mang phong cách cá nhân hóa.
Bạn Trà My, sinh viên năm 2 Đại học Sân khấu Điện ảnh (Hà Nội), đã tận dụng tốt xu hướng thời trang secondhand. Bạn cho biết: “Những món đồ cũ không chỉ độc đáo, mà giá cũng rẻ chỉ bằng 50% so với đồ mới. Đây cũng là cơ hội cho người mua được thúc đẩy sáng tạo trong việc chọn lựa quần áo. Đặc biệt, với ngành sân khấu điện ảnh mà mình đang theo học, việc thử vai và đóng phim đòi hỏi sự linh hoạt trong trang phục, và việc sử dụng đồ secondhand giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo phù hợp với nhu cầu của công việc”.
Bằng cách mang đến những trải nghiệm cá nhân, hai bạn Nguyễn Sơn Trà và Phạm Thị Phương Ngọc đã lập kênh Tiktok “Cậu rảnh không?” với mục đích chia sẻ trải nghiệm mua đồ secondhand tại nơi mà hai bạn đã đến. Điều này không chỉ giúp họ kết nối với cộng đồng mà còn có thể lan tỏa thông điệp tích cực và ý nghĩa đến với mọi người.
Bạn Nguyễn Sơn Trà đề cập đến lý do khiến cho thời trang secondhand ngày càng trở nên hấp dẫn và được giới trẻ ưa chuộng: “Mình nghĩ là phong cách thời trang secondhand thường tạo nên một "tính chất xoay vòng", nơi mà người mặc có thể tìm thấy những món đồ độc đáo và khác biệt mà họ khó có thể gặp trong các cửa hàng thời trang truyền thống. Và cả sự đầu tư của chủ cửa hàng secondhand tạo không gian mua sắm thoải mái. Thay vì trước kia chỉ bày bán trên vỉa hè, giờ đây người kinh doanh đã đầu tư mặt bằng, nhập thêm đa dạng các mặt hàng và trang trí cửa hàng đẹp, có gu”.
Hiện tại, trào lưu đã biến cửa hàng thành các địa điểm đi chơi và check-in, thậm chí còn kết hợp với một quán cà phê nhỏ. Kênh của bạn Trà và Ngọc ngày càng nhận được sự chú ý nhờ cách truyền thông các shop secondhand thành địa điểm đi chơi thú vị và ấn tượng.
Hướng kinh doanh mới
Nhắc đến thị trường đồ secondhand ở Việt Nam trong những năm gần đây, cô Hồng - chủ tiệm đồ secondhand (chợ Đông Tác) chia sẻ: “Trước đây, người ta chỉ biết rằng đồ secondhand là đồ cũ, không còn giá trị sử dụng nhưng hiện tại nó đã được ưa chuộng và biết đến nhiều hơn. Với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, đồ secondhand đang là lựa chọn phổ biến hơn, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ tuổi”.
Chị Lương Thị Dung (34 tuổi), chủ cửa hàng đồ secondhand ở chợ Đông Tác đã chia sẻ về việc kinh doanh của mình. Việc chọn lựa hàng secondhand từ các nước như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc thường mang lại chất lượng tốt hơn so với một số nguồn hàng mới như hàng Quảng Châu. Điều này có thể thu hút khách hàng vì tính đa dạng và chất lượng của sản phẩm.
Kinh doanh mặt hàng này có ưu điểm là vốn đầu tư thấp, sản phẩm đa dạng, giá thành rẻ và chất lượng. Tuy nhiên, chị Lương Thị Dung chia sẻ thêm, kinh doanh đồ secondhand cũng có nhược điểm. Sản phẩm secondhand thường có thể có các vết nhăn nhúm và lỗi nhỏ do đã được sử dụng trước đó. Điều này có thể khiến sản phẩm trở nên khó tiếp cận hơn so với hàng mới và đôi khi ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng nếu không được vệ sinh kỹ càng.
“Cửa hàng mình cũng có nhu cầu xây dựng kênh truyền thông để quảng bá và thu hút khách hàng. Hiện tại mình đang cung cấp sỉ, lẻ cho một số đầu mối, cung cấp cho những bạn trẻ livestream trên nền tảng mạng xã hội. Do đó, nếu vừa bán buôn, vừa bán sỉ và vừa bán trên mạng thì sẽ hơi bất cập, không chăm chút được nhiều vì không có nhiều thời gian”, chị Dung cho hay.
Phản hồi