Danh mục Thứ Sáu, 20/09/2024

Tiêu điểm \

Dệt may mã hóa: Khơi dậy sức sống cho di sản

23:42 06-12-2023
Sáng 6/12, Workshop “Dệt may mã hóa: Câu chuyện khâu vá về tương lai di sản” được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Chương trình do Đại học RMIT Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS), cùng các đối tác liên quan thực hiện. 

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2023 nhằm khám phá sự tích hợp giữa công nghệ với nghề thủ công truyền thống. Khách tham dự không chỉ cùng nhau ngồi bàn luận về tương lai của các nghề thủ công trong thời đại AI, mà còn trực tiếp thực hành, tương tác, tạo ra câu chuyện. 

Cô Corinna Erken - giảng viên hướng dẫn chia sẻ với khách tham dự về câu chuyện bảo tồn di sản. (Ảnh: Lan Nguyễn)

Tại workshop, người tham gia được các giảng viên hướng dẫn thêu mã QR. Các mã này được tạo thủ công, tượng trưng cho sự phát triển của thời trang đồng thời là cổng kết nối chúng ta với thế giới kỹ thuật số.

Cô Corinna Erken hướng dẫn người tham dự khâu QR. (Ảnh: Lan Nguyễn)

Bên cạnh đó, buổi workshop còn có sự góp mặt của các đại diện: Hoa Tiến Brocade - hợp tác xã sản xuất vải thổ cẩm tại bản Hoa Tiến - Quỳ Châu - Nghệ An và Ecosoi Việt Nam. Họ đã chia sẻ kiến thức chuyên môn của mình cho thế hệ trẻ, nhằm nâng cao sự trân trọng các kỹ năng truyền thống đồng thời khích lệ người trẻ khám phá các phương pháp sáng tạo để bảo tồn chúng.

Chị Sầm Thị Tình - đại diện Hoa Tiến Brocade chia sẻ quy trình làm vải của người Thái. (Ảnh: Lan Nguyễn)

Buổi workshop đã thu hút nhiều khách tham dự ở những độ tuổi, nghề nghiệp, thậm chí là đất nước khác nhau. Lần đầu tiên tham dự trải nghiệm được các khâu trong dệt - may, anh Thanh (32 tuổi) chia sẻ: “Là một người làm giáo dục, tôi luôn mong muốn có một môi trường để cho các em trải nghiệm thực tế. Tôi thấy buổi workshop vô cùng, thú vị bổ ích vì nó giúp cho các thế hệ trẻ gắn kết nhiều hơn với giá trị truyền thống. Các bạn được trực tiếp trải nghiệm, biết cách làm một tấm vải dệt sẽ phải tỉ mỉ, kỳ công như nào thì khiến các bạn trân trọng hơn”.

Các bạn nhỏ chăm chú nghe hướng dẫn để tự tay làm sản phẩm. (Ảnh: Lan Nguyễn)

Thông qua sự kiện, người tham gia có được kiến thức về kĩ thuật và quy trình làm vải. Đồng thời, họ được tiếp cận với các công cụ kỹ thuật số giúp thúc đẩy việc bảo tồn văn hóa và củng cố nghề thủ công truyền thống. 

Nguyễn Thị Lan - Báo In K41

Phản hồi