Danh mục Thứ Sáu, 20/09/2024

Tiêu điểm \

Giáo viên mầm non: Thu nhập thấp, áp lực nhiều

18:21 07-12-2023
Là người chăm sóc và dạy dỗ các bé trong những năm tháng đầu đến lớp, trách nhiệm và vai trò của giáo viên mầm non rất quan trọng. Tuy nhiên, dưới áp lực của nghề, nhiều giáo viên bỏ ngành hoặc lựa chọn làm thêm việc khác để trang trải cuộc sống.

Đồng lương không xứng với công sức

Công việc dạy học ở trường mầm non có đặc thù riêng, giáo viên đi sớm về muộn và phải đảm đương nhiều công việc Họ phải có mặt ở trường lúc 6 giờ sáng và về nhà lúc 5 giờ chiều, bên cạnh đó, giáo viên thường xuyên tăng ca nếu có công việc khác phát sinh.

Thực tế, giáo viên mầm non không chỉ phụ trách trông trẻ mà còn chăm cho các con từng miếng ăn, giấc ngủ. Sĩ số lớp của các trường mầm non công lập lúc nào cũng lên đến 15-20 em, yêu cầu phải có 2 giáo viên đứng lớp để có thể kiểm soát được hết.

Giáo viên mầm non thường vất vả hơn trong việc điều hành lớp học. (Ảnh: NVCC) 

Cô Đặng Thị Thu (giáo viên trường mầm non Nguyễn Đức Sáu, huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương) cho biết: “Thời điểm khó khăn nhất của giáo viên mầm non là lúc trường thiếu giáo viên, hoặc giáo viên nghỉ thai sản. Khi đó, giáo viên khác phải luân phiên hỗ trợ vào lớp của người đã nghỉ. Ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng các cháu, các cô còn phải làm thêm đồ dùng, đồ chơi tự tạo vào các giờ trưa khi các cháu ngủ hoặc vào thứ 7, chủ nhật”.

Trong khi đó, với thu nhập chưa đến 5 triệu, nhiều giáo viên phải bỏ nghề hoặc làm thêm 2-3 công việc khác để có đủ tiền trang trải cho cuộc sống và gia đình.

“Ngoài công việc làm giáo viên mầm non, mình cũng đã đi học nghề làm móng vào các buổi tối và hai ngày cuối tuần. Chứ dựa vào lương của giáo viên thì không đủ trang trải cuộc sống. Cũng có lúc mình có ý định bỏ nghề nhưng mình nghĩ bản thân đã vào nghề được vài năm, cũng quen công việc, mà bỏ thì bố mẹ lại lo lắng”, cô Thu chia sẻ thêm

Giáo viên luôn phải sáng tạo bài giảng để tập trung sự chú ý của học sinh. (Ảnh: Internet)

Công việc áp lực lớn từ phụ huynh

Không chỉ bị áp lực từ nhà trường, mà các giáo viên còn bị áp lực từ phía phụ huynh. Nhiều phụ huynh không thấu hiểu được cho tình cảnh của các cô, chỉ cần một vết xước nhỏ trên mặt, chân tay của con khi đi lớp về cũng khiến họ lên án giáo viên ngay lập tức. Giáo viên cũng cảm thấy khó xử nếu các em học sinh bị thương do bạn cào cấu. Cô Thu cho biết: “Nếu hôm nào ở lớp có cháu nào chẳng may nô đùa rồi xô xát, mình cảm thấy rất lo lắng và ái ngại với phụ huynh”. 

Tuy nhiên, đó chỉ là số ít phụ huynh, nhiều phụ huynh vẫn có cái nhìn cảm thông cho giáo viên đối với việc con bị thương do bạn đánh hay cào cấu. Là một phụ huynh có con nhỏ đang đi học mầm non, chị Hoàng Linh (thường trú tại Hải Dương) chia sẻ: “Việc để các con đi học thì không thể tránh khỏi bị ốm hay chân tay bị thương vì các con còn rất nhỏ, không làm chủ được hành vi của mình. Mình gửi con cho cô giáo đồng nghĩa với việc là mình phải chấp nhận những sự việc đó xảy ra”. 

Động lực của các cô Đặng Thị Thu chính là nụ cười của những đứa trẻ. (Ảnh: NNCV) 

Chị Linh còn chia sẻ thêm, việc các con xô xát nhau dẫn đến thương tích, các cô giáo cũng không thể kiểm soát hết và cũng không muốn điều này xảy ra. Ở nhà chị chỉ trông một đứa cũng đã thấy vất vả, trong khi đó các cô phải chăm sóc cho hơn chục cháu như thế nên chị cũng rất thông cảm cho công việc của các cô.

Thùy Dương - Báo In K41

Phản hồi