Chìa khóa “tháo gỡ” điều khó nói
Theo tài liệu truyền thông về sức khoẻ tâm thần của học sinh phổ thông do Bộ GD&ĐT mới ban hành khẳng định, khoảng 20% trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới có các vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, các vấn đề liên quan đến sức khoẻ tâm thần cũng gia tăng nhanh chóng, trong đó có nhóm tuổi học sinh.
Chia sẻ về vai trò của công tác tham vấn tâm lý học đường, cô Phan Lan Chi (Giáo viên tham vấn học đường khối tiểu học, trường Phổ thông Liên cấp Hanoi Adelaide School), cho biết: “Công tác tham vấn tâm lý học đường có vai trò vô cùng quan trọng, giúp học sinh giải quyết kịp thời các vấn đề về tâm lý để các em được phát triển nhân cách một cách bình thường”.
“Ngoài ra, công tác tham vấn tâm lý còn là cầu nối gắn kết mối quan hệ giữa học sinh, nhà trường và gia đình, giúp tháo gỡ những mâu thuẫn, khó khăn giữa học sinh - gia đình và học sinh - giáo viên. Từ đó, giúp các em có đời sống tinh thần lành mạnh và môi trường giáo dục tốt nhất”, cô Lan Chi cho biết thêm.
Bên cạnh đó, cô Lan Chi còn nhấn mạnh vai trò của công tác tham vấn học đường trong việc phòng ngừa các vấn đề về tâm lý có thể xảy ra ở từng độ tuổi học sinh. Thông qua các chương trình, hoạt động giáo dục tâm lý, học sinh sẽ có các kỹ năng quản lý cảm xúc, giúp giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường và các bệnh phức tạp về tâm lý có thể xảy ra.
Lắng nghe, tôn trọng và bảo mật
Tuy nhiên, mỗi học sinh có những tâm lý khác nhau, có trường hợp học sinh gặp khó khăn trong việc chia sẻ vấn đề và những khúc mắc khó nói. Đây cũng là thách thức mà bộ phận làm công tác tham vấn tâm lý trăn trở.
Cô Lan Chi cho rằng, với những học sinh đang gặp vấn đề về tâm lý nhưng ngại chia sẻ, giáo viên tham vấn cần chủ động tìm đến đối tượng đó thông qua việc quan sát trong suốt quá trình học tập. Từ đó đưa ra các phương pháp tiếp cận phù hợp nhất để thiết lập mối quan hệ ban đầu, mang đến sự tin tưởng và an toàn cho học sinh, đồng thời sử dụng các kỹ thuật đặt câu hỏi dựa trên sự tôn trọng, cởi mở và không phán xét, để có thể khai thác triệt để vấn đề mà học sinh đang gặp phải.
Chia sẻ về phương pháp tham vấn học đường, cô Nguyễn Thị Thủy (Giáo viên Tham vấn học đường khối THCS, Trường Phổ thông Liên cấp Hanoi Adelaide School) cho biết: “Khi gặp các bạn có tâm lý phòng vệ, chưa sẵn sàng để chia sẻ, mình có thể trò chuyện với học sinh trên tinh thần thái độ gần gũi để “phá băng” cảm xúc đó. Ngoài ra, giáo viên có thể sử dụng tranh vẽ, đồ dùng học tập hay những vật dụng khác để bắt đầu câu chuyện, vấn đề của con”.
Cầm trên tay quả bóng được cô Thủy tặng trong phòng “Check in cảm xúc”, em Hà Anh (học sinh lớp 9A1, trường Phổ thông Liên cấp Hanoi Adelaide School) chia sẻ: “Do đang là học sinh cuối cấp nên em dễ bị áp lực và căng thẳng. Những khó khăn, vướng mắc trong học tập và mối quan hệ bạn bè khiến em ngại chia sẻ. Thông qua những cụm từ trên trái bóng này, em dễ dàng chỉ ra cảm xúc của mình, giúp tâm lý của em ổn định hơn, có tinh thần và động lực để tiếp tục học tập”.
Việc tuân thủ các nguyên tắc trong tham vấn tâm lý học đường cũng rất quan trọng. Để giúp học sinh dễ dàng chia sẻ vấn đề trong tâm lý, sự lắng nghe, tôn trọng và bảo mật thông tin được xem là yếu tố cốt lõi, giúp giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong tâm lý, ngăn chặn các hành vi, cảm xúc tiêu cực có thể xảy ra.
Cô Lan Chi cho rằng, những nguyên tắc chấp nhận vô điều kiện, lắng nghe và bảo mật chính là chìa khóa mở cánh cửa nội tâm để học sinh thoát khỏi những rắc rối, bế tắc, giúp học sinh tìm được niềm vui và hạnh phúc trong môi trường giáo dục và cuộc sống.
Phản hồi