Khốn đốn vì rác thải. rác thải "vây" làng quê
Về xã thị xã Sơn Tây, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những bãi rác “khổng lồ” luôn trong tình trạng đầy ắp rác. Xung quanh, những bọc rác thải sinh hoạt cùng với xác động vật vứt ngổn ngang, rồi tràn xuống cả ruộng lúa, bờ kênh. Bãi rác tồn tại từ lâu, khu tập kết rác thải sinh hoạt quy mô lớn nhếch nhác “lộ thiên” bốc mùi hôi thối nằm ngay kế bên đường đi. Không ít khu vực nước thải do rác phân hủy đen ngòm khiến những người đi ngang qua đều “nín thở” và bức xúc.
Bãi rác Xuân Sơn nằm ở địa bàn giáp ranh giữa thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì. Bãi rác này ảnh hưởng đến hầu hết khu dân cư hai xã Xuân Sơn (Sơn Tây) và Tản Lĩnh (Ba Vì). Nơi đây là nơi tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 13 địa bàn gồm 12 huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây với khối lượng bình quân hiện nay khoảng 1.500 tấn/ngày. Ghi nhận tại khu xử lý rác thải theo công nghệ đốt bên phía Xuân Sơn đang vận hành, khói bay mù mịt khiến người đi đường phải dùng tay bịt mũi dù đã đeo một lớp khẩu trang dày.
Bãi rác Xuân Sơn giờ đây như một núi rác khổng lồ, chất đống hàng nghìn thứ rác thải hỗn tạp kể cả những loại rác độc hại nguy hiểm. Cả một khu vực rộng lớn nồng nặc mùi hôi thối, có thể xộc vào mũi người đi đường dù cách xa bãi rác gần một cây số. Không khí đặc quánh như bóp nghẹt lá phổi khi tiến gần. Chỉ đứng khoảng 10 phút ở cổng bãi rác chúng tôi đã xây xẩm, choáng váng, cố nén cơn buồn nôn từ thứ mùi khủng khiếp.
Ô nhiễm “chồng chất” ô nhiễm dọc con đường dẫn vào Khu liên hiệp xử lý rác thải Xuân Sơn, mùi rác thải bao trùm khu dân cư. Ngay sát khu vực hoạt động của bãi rác, hàng trăm hộ dân đã sinh sống từ nhiều năm nay. Cuộc sống của họ đã và đang từng ngày bị “tra tấn” bởi những hệ lụy từ bãi rác này. Ước tính có khoảng gần 40 hộ dân đang nằm trong phạm vi ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường từ bãi rác Xuân Sơn.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Ba Vì thực hiện dự án di dân, giải phóng mặt bằng quanh bãi rác, tổng đầu tư gần 400 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Chính quyền di dời tất cả hộ dân và tổ chức nằm trong vùng ảnh hưởng (bán kính 500m tính từ tường rào khu xử lý); phá dỡ các công trình trong phạm vi giải phóng mặt bằng; trồng cây xanh tạo hành lang cách ly. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc do liên quan tới giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất. Nghiêm trọng hơn, nguồn nước ngoài đồng ruộng bị ô nhiễm bởi mỗi khi xe vận chuyển rác đi qua khu vực này, lượng lớn nước thải và rác thải từ hàng trăm xe rác chảy xuống đường, gây mùi hôi thối bao trùm cả làng.
Hàng ngày, người dân nơi đây phải phơi quần áo trong nhà vì ngoài trời có rất nhiều ruồi nhặng bay đến bãi rác. Trong hoàn cảnh này, nhiều người dân đã phải lắp cửa kính để ngăn chặn “bão ruồi” và mùi hôi thối của bãi rác. Nhưng dù đóng kín cửa sổ thì mùi hôi thối vẫn cứ bay vào nhà, chỉ là người dân ở đây ngửi nhiều rồi thành “quen”. Tuy nhiên, nhiều người vẫn phải đeo khẩu trang dù đang ngồi trong chính ngôi nhà của mình bởi mùi hôi thối trở nên nồng nặc hơn sau những ngày mưa hoặc trời nồm.
Cô Nguyễn Thị Quyên (người dân sống tại xã Xuân Sơn) chia sẻ: “Những hôm thay đổi thời tiết gió từ trong đấy ra mùi thối khét, người ta đốt mà, ở quanh đây nhiều ruồi lắm. Ung thư thì khối, bây giờ ở đây cũng nhiều ung thư lắm, chết nhiều. Nói thật là rất ảnh hưởng. Mùa hè những hôm nóng thì mùi, ruồi muỗi nhiều. Trước thì không có mấy đâu nhưng từ khi có bãi rác thì ruồi nhiều. Mỗi trận mưa xuống người ta đốt nó lại khét thối nữa. Trước đây không khí trong lành, ở đây hoang sơ, từ ngày có bãi rác thì ruồi muỗi nhiều, đầy người ốm đau, ở thôn quanh đây rất nhiều người chết cả già cả trẻ, phải đến 20 người".
“Sống chung với bệnh”
Không khó quan sát từ khu vực bãi rác, liên tục một lượng lớn nước thải độc hại, đen ngòm chảy ra kênh mương, ruộng đồng khiến nguồn nước tại đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hồ Suối Hai trước trong sạch là thế, nay bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tưới tiêu gây mất mùa, tác động đến sinh kế của người dân Tản Lĩnh. Đã một thời gian dài, người dân thôn Hiệu Lực không canh tác được cây gì ở cánh đồng Lò Than vốn phì nhiêu màu mỡ này.
Chúng tôi tìm đến nhà bà Vũ Thị Kim Tình (SN 1958), cũng ở thôn Hiệu Lực. Bà Tình cho biết, cuộc sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi bãi rác. Cháu bà vẫn phải đi khám tại trạm y tế xã vì luôn bị ho, khó thở, tay chân nổi mẩn liên tục.
“Bãi rác đây tối nhiều đêm không ngủ được, thối lắm, thối nực người. Có hôm nằm tôi phải đóng cửa hết tất cả kín mít, có hôm phải nằm trùm chăn kín. Mà ở đây nhiều người ốm lắm, trẻ con lúc thì bệnh nọ lúc thì bệnh kia, người tôi cũng đau hết, đêm nằm không cựa được" - Bà Tinh nói.
Ông Nguyễn Ngọc Đỗ (xã Xuân Sơn) chia sẻ: “Dân chúng tôi ở đây chịu ảnh hưởng lớn bởi cái mùi hôi thối, nảy sinh nhiều vấn đề. Dịch bệnh ở đây là mối đe dọa đến sức khỏe người dân, nhất là trẻ con, chủ yếu là cái họng, cái phổi,..."
Nhiều hộ dân nơi đây từng bức xúc chặn xe rác vì tiền đền bù ruộng đất không được thực hiện theo đúng cam kết. Ngay cả tiền bồi thường về môi trường 2 năm qua cũng chưa được nhận. Trong khi đó, nhiều hộ dân cũng xác nhận, nhiều người trên địa bàn đã qua đời vì mắc bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư vòm họng.
Trước thực trạng ô nhiễm bủa vây trong một thời gian dài, người dân đang vô cùng lo lắng cho tình trạng sức khỏe của cả gia đình và những thế hệ tương lai. Đặc biệt, họ hoang mang, sợ hãi bạo bệnh ung thư ập đến “gõ cửa” bất cứ lúc nào.
Khói từ nhà máy mang theo mùi hôi thối, cháy khét. Cách bãi rác khoảng hơn 100m, ông Mai Quang Hùng (60 tuổi) ở thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh ngày ngày sống chung với ruồi muỗi và mùi hôi bốc lên nồng nặc. Dáng người ông gầy gò nằm trên giường, thở khò khè nói không rõ tiếng. Thấy chúng tôi, với giọng yếu ớt, ông bảo không ngồi dậy tiếp chuyện được. Ông Hùng chỉ tay vào mấy tấm lưới chắn ngang ô ánh sáng để ngăn ruồi vào nhà, bộc bạch rằng trước đây, cứ đến bữa cơm là gia đình phải mắc màn để tránh ruồi “tranh cơm”. Rác thải ảnh hưởng tới môi trường nên nhiều người chết vì ung thư, đến nay ông đã nghỉ 3 năm nay rồi không làm ăn được gì.
Trớ trêu thay, cách đây một năm, người vợ của ông, bà Nguyễn Thị Tươi cũng bị phát hiện mắc căn bệnh ung thư phổi: “Suốt cái dãy này nhà tôi 2 người, còn đầu đằng kia chú đấy chết rồi, bây giờ vào trong làng lại mấy người nữa, đầu ngoài đường kia là 1 cô 48 tuổi, với 1 anh không biết bao nhiêu tuổi nhưng mà hai anh cùng chết trẻ".
Giải pháp nào cho vấn đề này?
Về việc phải chịu ảnh hưởng khi sống gần bãi rác Xuân Sơn, người dân đã nhiều lần phản ánh tới các cơ quan chức năng và được đưa vào các kỳ họp của xã, tỉnh. Bà Cát Thuý Liên - Cán bộ thanh tra xây dựng thị xã Sơn Tây cho hay: “Về cơ bản việc đền bù của bãi rác Xuân Sơn với các hộ dân đã hoàn thành, nhưng về phía xã Tản Lĩnh huyện Ba Vì thì còn một số vướng mắc vì chưa đền bù được 21 hộ dân vì còn vướng mắc về thủ tục giấy tờ đất đai và chi phí đền bù. Chính quyền ở xã Xuân Sơn đang nỗ lực để giải quyết nhanh nhất việc đền bù cho người dân”.
Đại biểu quốc hội khóa XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng - bà Bùi Thị An cho rằng cần sự cân bằng giữa chính quyền địa phương với người dân. Bà cho hay: “Rõ ràng vấn đề ô nhiễm do bãi rác gây ra có thể gây ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân vùng lân cận. Thành phố Hà Nội đã ra nhiều chỉ thị, phương án để giải quyết chuyện này, có thể là di dân, một trong những khó khăn là vấn đề là thỏa thuận cho đền bù, là nên làm thế nào để cho hài hòa lợi ích của cả Thành phố và cả của dân. Các bên tức là kể cả thành phố cũng làm thế nào để bớt ảnh hưởng đến quyền lợi của dân. Về phía dân thì tôi cũng xin khuyến nghị có những mức tương đối để có thể xử lý trong chuyện này. Tôi muốn phải hài hòa lợi ích, thì hai bên làm thế nào đấy để có mức thỏa thuận được, để cho hài hòa giữa 2 bên để xử lý được dứt điểm. Chứ nếu mà cứ kéo dài cái tình trạng này thì sẽ rất là ảnh hưởng đến sức khỏe của dân vùng đấy trước hết và đương nhiên là ảnh hưởng đến sức khỏe của dân là ảnh hưởng đến an sinh của thành phố".
Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nhất là việc xử lý mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường tại các ô chứa nước rỉ rác, ô chôn lấp, việc đưa vào vận hành Nhà máy Điện rác được kỳ vọng giảm ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực. Ngày 30/3, nhà máy điện rác Seraphin tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được khởi công với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Nhà máy được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa, công suất tiêu thụ rác 1.500-2.000 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 37MW và dự kiến hoàn thành sau 20 tháng.
Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh chóng, quy hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt là cần thiết nhằm đáp ứng lượng rác thải đang tăng lên nhanh chóng của thủ đô. Tuy nhiên, việc xử lý rác là trách nhiệm chung của toàn xã hội chứ không riêng gì các khu xử lý chất thải. Chính vì vậy, mỗi người, dù ít hay nhiều đều cần tham gia thực hiện phần việc đó, bắt đầu từ bước hình thành thói quen phân loại rác thải sinh hoạt từ nguồn.
Phản hồi