Sự kiện “Nghìn năm rác nhựa” đã nêu ra những vấn đề cấp thiết về môi trường. Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà tất cả các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt. Đồng thời sự kiện cũng đưa ra những số liệu về vấn đề ô nhiễm môi trường.Theo báo cáo năm 2018 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, trong đó ước tính khoảng 79% lượng rác thải nhựa trên thế giới thải ra bãi rác/bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Đây có lẽ là một điều vô cùng đáng lo ngại bởi để tiêu huỷ được lượng rác nhựa khổng lồ đó mất từ 400 đến 1000 năm.
Có lẽ, bởi tính tiện lợi, kích thước gọn, nhẹ, giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng mà nhựa đang được sử dụng rộng rãi, phổ biến, hàng ngày, hàng giờ. Đặc biệt, chúng ta có thể bắt gặp sự xuất hiện của túi nilon khắp mọi nơi: từ siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các khu chợ thực phẩm,…Trong khi trung bình một người thải ra ít nhất một túi nilon mỗi ngày. Chưa đợi túi cũ phân hủy, túi mới đã bị ném xuống. Rác nhựa trên các bãi đất cứ chồng chất lên, đốt không hết, phân hủy không kịp.
Chúng ta có thể chỉ đang nhìn thấy phần nổi về mặt trái của nhựa trong cuộc khủng hoảng ô nhiễm rác thải nhựa...Muốn thay đổi luôn thật khó, nhưng chúng ta hãy bắt đầu từ những cái hành động nhỏ nhất: Đi mua sắm không dùng túi nilon, có thể ưu tiên sử dụng những món đồ sống xanh: Túi hoặc làn đi chợ; Hộp đựng thức ăn an toàn, tiện lợi; Bình nước cá nhân, đựng được mọi loại chất lỏng như trà, cà phê, nước detox;… Và cuối cùng, đừng quên bỏ rác đúng nơi quy định - Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn.
Cùng chung nỗ lực của thế giới về phòng chống rác thải nhựa và cũng như để tiếp tục lan tỏa những thông điệp ý nghĩa. Chương trình truyền thông “Nghìn năm rác nhựa” đã mang tới cho người xem, đặc biệt là những người đang đi mua sắm tại Big C Thăng Long một câu chuyện truyền cảm hứng, tiếp thêm cho chúng ta động lực để thay đổi các hành vi tiêu dùng.
Chia sẻ tại chương trình, bạn Phan Linh - Thành viên của ban Trị sự CLB Báo chí Truyền thông CJC cho biết: “Là một trong những người có mặt trong vở kịch, thì mình cảm thấy là đây là một sự kiện cực kì ý nghĩa, sự kiện giúp chúng ta nâng cao ý thức của mình hơn về việc bảo vệ môi trường, sau khi mà chúng ta được theo dõi quá trình diễn ra sự kiện ngày hôm nay. Mình hy vọng sau chương trình này thì mọi người có thể nâng cao hơn ý thức về rác thải nhựa xung quanh mình, để góp phần làm cho môi trường xung quanh mình ngày càng xanh sạch đẹp hơn”.
Chương trình sẽ giúp người xem có được cái nhìn tổng thể hơn về hiện trạng rác thải nhựa tại Việt Nam, nhìn lại những hành vi tiêu dùng túi ni-lông và đồ nhựa dùng một lần của mình để cùng nỗ lực hành động, lựa chọn các giải pháp bền vững thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần vì môi trường tốt đẹp hơn. Ba chú quái vật đất, nước và không khí được hình thành từ rác thải nhựa vừa đáng sợ, vừa đáng thương. Chúng là hình ảnh phản chiếu hậu quả của việc chúng ta không đối xử với thiên nhiên bằng ý thức đúng đắn và sự tôn trọng. Hãy thay đổi từ những hành động nhỏ để gìn giữ sự xanh tươi, yên bình cho Trái đất.
Phản hồi