Danh mục Thứ Hai, 17/06/2024

Tiêu điểm \

Nâng cao giá trị từ đổi mới hình thức tiêu thụ

14:02 02-04-2024
Vịnh Bắc bộ là vùng biển có trữ lượng sứa kinh tế lớn nhất nước ta, chiếm 88% tổng trữ lượng sứa tập trung chủ yếu ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Từ loại mặt hàng xuất thô với giá rẻ, con sứa giờ đây được nâng tầm thành sản phẩm ăn liền đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đổi mới hình thức tiêu thụ

Nếu như trước đây, sứa chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc dưới dạng thô với giá trị kinh tế thấp thì nay với mô hình sản xuất “sứa ăn liền”, người dân đã tạo ra hướng đi mới cho sản phẩm. Đánh giá hiệu quả từ sản phẩm sứa ăn liền, Anh Đinh Đình Mạnh - chủ cơ sở sản xuất “sứa ăn liền Phú Quý” tại phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn (Hải Phòng) khẳng định đây là cách làm độc đáo, giúp nâng cao lợi nhuận và giá trị kinh tế.

Sn phẩm “sứa ăn liền” - một hình thức tiêu thụ mới của sứa muối mặn đang được người tiêu dùng quan tâm và đón nhận. (Ảnh: Ngọc Tân) 

Sứa tươi theo mùa được anh Mạnh thu mua trực tiếp từ các tàu đánh bắt của ngư dân. Sau khi sơ chế sạch sẽ, sứa được chia làm hai phần chân và bìa (thân sứa). Phần chân chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, còn phần bìa được chế biến thành “sứa ăn liền” tiêu thụ trong nội địa. Sứa trước khi muối được cắt thành từng miếng dài, cho vào máy quay từ 10-15 tiếng cho sạch nhớt. Sau đó đem ngâm sứa trong bể muối phèn 25 độ mặn để giảm thủy phần, ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập, đồng thời giúp sứa giữ được độ cứng và giòn, bảo quản lâu. 

Sứa sau khi đánh bắt về sẽ được sơ chế làm hai phần chân và thân sứa (hay còn gọi là bìa). (Ảnh: Ngọc Tân)

Sứa muối từ 7–10 ngày là có thể đem đi chế biến thành sứa ăn liền. So với việc sản xuất các loại sứa muối mặn khác, sứa ăn liền chỉ thêm một công đoạn ngâm nước để giảm độ mặn trước khi đóng gói. Trong một sản phẩm ăn liền bao gồm sứa tươi, các loại gia vị ăn kèm như rau, lạc, ớt, nước chấm…được hút chân không và đóng gói. Điều đặc biệt ở sứa ăn liền là chỉ việc sử dụng mà không cần thông qua bất kì một hình thức chế biến nào khác. Nhờ độ tươi ngon, tiện lợi, giàu các vi lượng như canxi, iot, vitamin…mà sản phẩm sứa đang là một trong những mặt hàng thu hút người tiêu dùng hiện nay.

Sau khi được phân loại, sứa sẽ được cho vào máy cắt thành sợi vừa ăn. (Ảnh: Ngọc Tân)

Mọi công đoạn sản xuất sứa đều tuân theo quy trình và dây chuyền nghiêm ngặt, quan trọng nhất là yếu tố nhiệt độ và an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ khu vực sơ chế cho đến nơi chế biến, đóng gói đều sạch sẽ, nhân công khi sản xuất phải mặc đồng phục. Đặc biệt là khâu bảo quản lạnh được giữ từ 0 đến 5 độ để đảm bảo an toàn tuyệt đối sản phẩm đến tay người dùng. Bên cạnh đó, nhãn mác, bao bì cũng là yếu tố quyết định giá trị sản phẩm hàng hóa”, anh Mạnh cho hay. Vào ngày cao điểm, cơ sở của anh nhập từ 5-6 nghìn con sứa. Với 16 nhân công trên 1000m2 nhà xưởng, trung bình mỗi tháng cơ sở của anh có thể xuất ra thị trường 20 tấn sứa thành phẩm, bao gồm cả sứa chân xuất khẩu và sứa ăn liền. Trừ chi phí, mỗi năm anh thu lợi nhuận từ 400-500 triệu đồng, trong đó gần 60% giá trị là từ sứa ăn liền. 

Để miếng sứa sạch nhớt, đảm bảo đủ độ để có thể đem đi muối, sứa sẽ được cho máy quay từ 10 - 15 tiếng đến khi sạch nhớt. (Ảnh: Ngọc Tân) 

Đổi hướng đi mới cho “lộc trời”

Giá trị kinh tế từ sản phẩm sứa ăn liền đem lại cho người dân là không hề nhỏ. Sứa ăn liền qua chế biến có giá cao gấp nhiều lần so với sứa thô xuất khẩu. Sản lượng càng cao thì càng bị thương lái ép giá. So sánh với sứa thô chưa qua chế biến xuất sang thị trường Trung Quốc hiện nay chỉ 50-70 nghìn đồng/kg, thì sau khi chế biến đã có giá thành từ 150-200 nghìn đồng/kg. 

Từ sản phẩm thô phụ thuộc hoàn toàn vào giá thị trường, việc nghiên cứu, ứng dụng, chế biến sứa ăn liền đã và đang tạo hướng đi mới cho con sứa, giúp người dân chủ động hơn trong khâu chế biến và tiêu thụ, nâng tầm giá trị sản phẩm. Với việc chế biến sứa không chỉ đem lại thu nhập cho ngư dân mà còn làm giàu cho nhiều chủ cơ sở và doanh nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nhiều địa phương ven biển.

Ngư dân đang tiến hành đổ sứa cho các chủ cơ sở chế biến và sản xuất sứa tại cảng cá Ngọc Hải. (Ảnh: Ngọc Tân)

Qua ghi nhận cho thấy, thị trường sứa Đồ Sơn nói riêng và cả nước nói chung năm nay có phần ảm đạm so với mọi năm. Số lượng tàu đánh bắt và cơ sở chế biến sứa mặn tại Đồ Sơn giảm dần, từ 14 cơ sở với hàng chục chiếc thuyền nay chỉ còn 3 cơ sở với 9 thuyền đánh bắt sứa. Nguyên nhân do sứa bị “rớt giá” không phanh, giảm từ 28.000 đồng/con (năm 2023) xuống 15.000 đồng/con (năm 2024). 

Thực trạng này bắt nguồn từ phía thị trường chính là Trung Quốc khi các thương lái hạn chế thu mua hoặc thu mua với giá rẻ mạt, do nước bạn siết chặt các quy định về kiểm soát nhập khẩu và tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm,...Thực tế này càng đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc mở ra lối đi mới để gỡ rối bài toán cho con sứa, hướng tới thị trường chính trong nước thông qua các dòng sản phẩm chế biến.

 

Công đoạn sơ chế sứa tất bật ngay tại cảng cá. (Ảnh: Ngọc Tân) 

Bà Hoàng Thanh Thảo – chuyên viên phòng Kinh tế quận Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng) cho biết, sứa ăn liền đang là một hướng đi mới, đem lại sự ổn định và bền vững so với hình thức xuất khẩu luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cùng với những sản phẩm đặc thù khác, sứa đang được đánh giá là thế mạnh của địa phương. Thời gian tới, quận chủ trương áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, định hướng phát triển ngành chế biến thủy sản trong đó có sứa, tiến hành đưa các sản phẩm chế biến từ sứa vào trong các chuỗi siêu thị, cửa hàng và phân phối trên quy mô toàn quốc.

Hiện có từ 70–80% lượng sứa đã qua sơ chế ở Hải Phòng được xuất đi thị trường Trung Quốc. Việc xuất khẩu chủ yếu qua đường biển tiểu ngạch và phải chịu chi phí rất lớn, số lượng hàng xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ nhỏ trong cán cân xuất khẩu. Đây đang là bài toán chung đặt ra cho ngành sứa nước ta. Việc tạo điều kiện và đẩy mạnh phát triển những mặt hàng mới, thay đổi hình thức tiêu thụ và mẫu mã sản phẩm đang là một hướng đi bền vững, phù hợp với xu thế thời đại, thể hiện bản lĩnh và khả năng thích ứng của ngành thủy sản Việt trước nghịch cảnh.

Ngọc Tân

Phản hồi