Danh mục Thứ Ba, 30/04/2024

Tiêu điểm \

LGBTQI+ trong lao động: vẫn cần chính thức và hợp pháp hóa quyền lợi.

13:10 26-05-2022
Mới gần đây vào 17/5/2022, tổ chức WHO tại Việt Nam đã phản hồi kiến nghị ngưng hợp pháp hóa bệnh lý LGBTQI+ rằng đây không phải là bệnh và đưa ra khuyến cáo nghiêm cấm “chữa trị” LGBTQI+. Nhưng đó căn bản là chưa đủ, bởi vẫn cần một quyết định hợp pháp hóa quyền của họ từ nhà nước.

Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề quyền lợi của LGBTQI+ trong quyền nói chung và quyền lao động nói riêng? Hãy cùng chúng tôi trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh – TS, Giảng viên tại học viện Báo chí và Tuyên truyền, người hoạt động bình đẳng giới về vấn đề này nhé!

Trước tiên cảm ơn tiến sĩ đã bớt chút thời gian tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Thưa tiến sĩ, theo bà thì nguyên nhân do đâu mà nhiều người trong xã hội vẫn có những định kiến về cộng đồng LGBTQI+?

Tôi nghĩ rằng định kiến đối với LGBTQI+ cũng giống như là định kiến với các nhóm xã hội trong vấn đề xã hội khác, về cơ bản nó liên quan tới nhận thức. Khi người khác có nhận thức chưa đầy đủ, việc đó sẽ dẫn đến thái độ thể hiện không đúng và có những hành vi không chuẩn mực trong ứng xử.

Tôi nghĩ rằng là những vấn dề liên quan đến kỳ thì, định kiến, phân biệt đối xử đến từ nhận thức, vì vốn LGBTQI+ là vấn đề tự nhiên và có liên quan đến các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, khi nói về giới tính sinh học cũng như là xu hướng tính dục thì thường xã hội cơ bản thừa nhận xu hướng tính dục dị tính vì đây là xu hướng tính dục phổ biến, do vậy nên xu hướng tính dục không phổ biến thì dễ không được thừa nhận và người ta sẽ có thái độ không đúng vì nó không giống với họ, có nghĩa là người ta cho rằng nó không chuẩn mực, bởi vì chuẩn mực đang thuộc về đa số, và khác với đa số thì nó sẽ trở thành điều không đúng so với chuẩn mực đã được thiết lập.

Theo như lời của tiến sĩ thì có rất nhiều lý do để tạo ra định kiến, và nó như một bức tường ngăn cản sự hòa nhập của người LGBTQI+ với cộng đồng. Việc đánh giá thông qua xu hướng tính dục hay bản dạng giới rất gây ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống và công việc của họ trong khi LGBTQI+ là một nguồn lao động đông đảo và đầy tính năng như vậy. Tiến sĩ nghĩ sao về vấn đề này?

Nếu như đứng trên phương diện năng suất lao động, tôi nghĩ rẳng nếu các nhà tuyển dụng khi tuyển dụng người lao động mà không nhằm vào năng lực của người xin việc và yêu cầu cần thiết của doanh nghiệp mà lại chú trọng vào xu hướng tính dục của người khác là một sai lầm. Bởi vì đối với người tuyển dụng hay lao động mà nói thì năng lực, sở trường của họ đáp ứng thế nào với công việc mà minh đang tuyển dụng mới là vấn đề trọng điểm, và thứ cần xem trọng ở đây là hiệu quả công việc, năng lực sở trường của họ phát huy trong mắt xích lao động. Người tuyển dụng không chú trọng đến nó mà lại chú trọng đến xu hướng tính dục của họ thì có nghĩa là doanh nghiệp hoặc là các cơ sở tuyển dụng ấy đã có thể bỏ qua một lực lượng lao động dồi dào và những nhân tố tốt, có nghĩa là họ đã mất đi cơ hội khi họ xác định không đúng trọng tâm tuyển dụng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh. Nguồn: Website Học viện Báo chí và Tuyên truyền 

Thưa tiến sĩ, nếu so sánh với một người không thuộc cộng đồng LGBTQI+ thì LGBTQI+ gặp những khó khăn gì với cơ hội việc làm?

Tôi nghĩ những người không thuộc cộng đồng LGBTQI+ họ cũng sẽ có những khó khăn riêng khi tìm việc làm, như là tình trạng bất bình đẳng giới giữa nam nữ. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng nữ giới khi đi tìm việc thì ít cơ hội hơn so với nam giới, và họ có nguy cơ bị trả lương thấp hơn, có thu nhập thấp hơn so với nam giới.

Tuy nhiên đối với nhóm LGBTQI+ thì tôi nghĩ rằng là ngoài việc họ phải gánh chịu sự bất bình đẳng trong lao động nói chung thì họ phải gánh thêm một cái gánh nặng tâm lý về định kiến. Vì thế cho nên tôi nghĩ đối với LGBTQI+ thì xét theo một khía cạnh nào đó trong bối cảnh vẫn còn định kiến, kỳ thị đối xử với LGBTQI+ thì các bạn vẫn gặp nhiều khó khăn hơn so với nhóm còn lại.

Thưa tiến sĩ, hiện nay có rất nhiều cá nhân trong cộng đồng LGBT hoạt động ở trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, đời sống, giải trí ví dụ như hoa hậu Hương Giang, ca sĩ Lâm Khánh Chi, ca sĩ Lynk Lee ngày càng khẳng định được bản thân. Vậy thì theo tiến sĩ tại sao họ lại hoạt động trong lĩnh vực này thoải mái hơn những lĩnh vực khác?

Tôi nghĩ rằng là cái này chúng ta cũng cần phải xem xét vì những người trong lĩnh vực vừa nêu ra là những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, tức là họ sẽ phải tương tác liên tục với công chúng, và hình ảnh của họ sẽ xuất hiện liên tục trên truyền thông, vì thế thông tin về công việc của họ sẽ đến với công chúng nhiều hơn và theo đó công chúng biết đến họ nhiều hơn. Điều đó không có nghĩa là LGBTQI+ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật sẽ thuận lợi hơn so với lĩnh vực khác. Tôi nghĩ rằng là trong lĩnh vực nào thì cũng như vậy thôi, tức là nó còn tùy thuộc vào các môi trường và năng lực cụ thể của người lao động nói chung và LGBTQI+ nói riêng.

Truyền thông nên đa dạng hóa nhận diện LGBTQI+ để không gắn nhãn định kiến trong nghề nghiệp của họ. Mỗi cá nhân sẽ có những năng lực và sở trường, sở đoản. Điều cần thiết là nên làm thế nào có thể phát huy được năng lực, sở trường cho sự phát triển chung mà không tùy thuộc vào xu hướng tính dục của họ.

Thưa tiến sĩ, có ý kiến cho rằng ở Việt Nam người chuyển giới đối mặt với sự kỳ thị nặng nề hơn so với người đồng tính ở các quốc gia khác. Tiến sĩ nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi nghĩ rằng điều này tùy thuộc vào từng quốc gia đấy, vì nếu so sánh với những quốc gia cực đoan thì ở Việt Nam nói về cái độ đậm đặc trong vấn đề về kỳ thị phân biệt đối xử thì nó vẫn loãng hơn rất là nhiều. Tuy nhiên đối với người chuyển giới ở Việt Nam, theo như tôi được biết thì một cái từ kì thị chuyển giới nói chung có vẻ như nó không mô tả được hết, người chuyển giới nam và người chuyển giới nữ nhận được ở thái độ xã hội có thể nó khác nhau.

Ví dụ như đối với chuyển giới nam, tức là nữ chuyển nam thì theo như tôi được biết khả năng bạn gặp sự kỳ thị hoặc khó khăn nhiều hơn bởi hệ lụy của định kiến giới hai giá trị như tư tưởng trọng nam khinh nữ ở Việt Nam vẫn còn khá nhiều. Vì vậy những mong đợi đối với nữ bị khắt khe hơn so với nam, mà ở đây người chuyển giới nam còn phải gánh chịu định kiến kép, tức là vốn nữ giới đã không được tôn trọng như nam giới mà bây giờ các bạn là nữ chuyển thành nam thì các bạn bị kỳ thị qua cái định kiến kép đó. Tôi nghĩ rằng là nhóm đồng tính nữ, chuyển giới nam là người ta sẽ bị nhiều sự kỳ thị hơn so với các nhóm còn lại.

Ngoài những định kiến xã hội như vậy thì nhà nước và xã hội cần có những động thái như thế nào để giúp đỡ LGBT?

Tôi nghĩ là các giải pháp sẽ ở nhiều cấp độ khác nhau, ví dụ như là giải pháp chính thức liên quan đến thể chế xã hội như các căn cứ về luật, chẳng hạn như luật lao động nếu có những đề cập cụ thể hơn về việc chống phân biệt đối xử hỗ trợ LGBTQI+ có căn cứ đảm bảo quyền của mình.

Tiếp theo chúng ta xem xét về những can thiệp liên quan đến phi chính thức thì truyền thông truyền thông không nên định kiến đối với LGBTQI+, không gắn nhãn, đồng thời cung cấp những nhận thức đúng về LGBTQI+.

Quan trọng nhất là các bạn LGBTQI+ nên trân trọng bản thân, tự hào, phát triển và tích cực hòa nhập xã hội, thể hiện được năng lực sở trường của mình.

Theo giáo sư có cách giải quyết nào triệt để làm thay đổi nhận thức về cộng đồng này được không ạ?

Tôi nghĩ rằng cần chính thức hóa và thừa nhận, tạo nên một xã hội bình đẳng tôn trọng sự đa dạng khác biệt thì đó mới là giải pháp triệt để và bền vững nhất. Tức là thay đổi nhận thức chưa đúng trước kia. Ví dụ như chúng ta nghĩ LGBTQI+ là bệnh, vấn đề về thần kinh, ... nhưng bây giờ mọi thứ đã được giải mã rằng nó không phải bệnh và chúng ta không được phép gán nhãn như thế. Khi thay đổi nhận thức, mọi người sẽ thấy LGBTQI+ cũng giống người dị tính, đó là câu chuyện cá nhân, việc người ta có công khai xu hướng tính dục với ai hay không thì đó là quyền cá nhân của họ

Nhận thức thay đổi thì thái độ sẽ thay đổi và hành vi cũng sẽ thay đổi!

Xin cảm ơn bà!

Thuỳ Liên

Phản hồi