Nghề đóng sách du nhập vào Việt Nam sớm nhất vào thời Pháp thuộc. Thế nhưng, nghề thủ công tốn sức lao động này đã dần tàn lụi trước những bước tiến của công nghệ hiện đại, mà nhờ đó sách được sản xuất hàng loạt nhanh chóng. Là một người trẻ, cũng là một sinh viên học ngành mỹ thuật, anh chàng Trần Trung Hiếu đã "phải lòng" nghề đóng sách thủ công truyền thống và quyết tâm theo nghề. Biết Trung Hiếu qua một trang blog, chúng tôi đã ghé thăm nơi làm việc của anh chàng để trò chuyện và tìm hiểu nhiều hơn về câu chuyện của người thợ trẻ tuổi.
Hành trình tìm kiếm đam mê
Đến với nơi làm việc của Trần Trung Hiếu vào một ngày khi rét "nàng Bân" ghé thăm Hà Nội, chúng tôi mang trong mình sự hào hứng khi nghĩ về một không gian mà bản thân chưa từng được trải nghiệm. Hiếu đón chúng tôi bằng nụ cười tươi rói cùng ánh mắt sáng lấp lánh. Và hơn hết, chúng tôi thấy được sự lạc quan, tình yêu nghề và niềm đam mê vẫn sục sôi trong ánh mắt ấy.
Bước vào xưởng, bên trong được bày trí sao cho thuận tiện nhất với công việc đóng sách. Giữa xưởng đặt chiếc bàn lớn với "thiết bị hiện đại" là bàn khâu và máy ép chữ Hiếu tự chế tạo. Trong góc có một bàn gỗ cùng chiếc đèn nhỏ luôn được bật sáng, sát tường là kệ để dụng cụ làm nghề. Điểm đặc biệt chính là mùi giấy mới của những cuốn sách cứ thế vấn vương theo chút mùi da thuộc, chút mùi keo dán. Tất cả hòa quyện tạo nên mùi hương của không gian "có một không hai" - một mùi hương thật khó đặc tả.
Cũng như nhiều người, nói đến nghề đóng sách, chúng tôi lại tự hỏi rằng: "Công việc của những người thợ sẽ là gì?". Câu hỏi đó cũng dễ dàng có được câu trả lời thông qua từ điển. Tuy nhiên, với Trung Hiếu, anh chàng nói về công việc của mình bằng một cách rất khác. Hiếu bảo với chúng tôi rằng, công việc của một người thợ đóng sách chính là "thổi hồn", tạo nên cuốn sách có tuổi thọ cao nhất có thể và mang đến sự thoải mái khi sử dụng. Và có lẽ đúng như Trung Hiếu nói, đó là lý do mà cuốn sách của các bậc thầy đóng sách tại Châu Âu đã tồn tại được cả ngàn năm, trong suốt tiến trình lịch sử của cả nhân loại.
Bước vào thế giới tuổi thơ của Trung Hiếu, chúng tôi biết thêm anh chàng trẻ tuổi từng được đánh giá là đứa trẻ luôn tò mò với mọi thứ. Cuộc sống của Trung Hiếu gắn bó mật thiết với các chương trình khoa học về thiên nhiên, động vật, máy móc,...được chiếu trên Tivi. Thêm vào đó, gia đình cũng là nền tảng thôi thúc con người bên trong Trung Hiếu định hướng đam mê của bản thân. Mở tấm ảnh gia đình trên chiếc điện thoại, Trung Hiếu kể về người bố của mình. Trong trái tim người con trai ấy, bố là một người đàn ông tháo vát, được mọi người mến mộ bởi khả năng xử lý gần như tất cả mọi vấn đề trong căn hộ, không chỉ cho gia đình mà cho cả những người xung quanh.
"Bố chính là người giúp mình trở nên đặc biệt ngưỡng mộ những công việc về chế tạo, những con người có khả năng hiện thực hóa những ý tưởng bằng chính đôi tay của họ", anh nói.
Khoảng thời gian sau đó, khi đặt chân vào ngôi trường cấp Hai, Trần Trung Hiếu "bén duyên" và dành niềm yêu thích đặc biệt cho hội họa. Nói về câu chuyện này, người thợ trẻ nhẹ nhàng lấy ra một cuốn sổ. Trông có vẻ cũ kỹ, nhưng Hiếu vẫn nâng niu trong tay bởi lẽ đó là tác phẩm đầu tay của anh kết hợp với cậu bạn cùng lớp. Bộ truyện được lên ý tưởng riêng và thực hiện vẽ bởi bàn tay non nớt của cậu nhóc ngày nào.
Cứ như vậy, chàng trai 18 tuổi Trần Trung Hiếu quyết định thi vào khoa Nội Thất của một trường nghệ thuật có tiếng tại Hà Nội với suy nghĩ mà giờ đây được Hiếu cho rằng khá ngây thơ: "Học nội thất sẽ được xây những căn nhà thật đẹp, có gỗ và cả máy cưa". Nhưng rồi, trái ngược với suy nghĩ của một đứa trẻ mới chập chững lớn, thời gian học Đại học của Hiếu…thật tệ!
"Lúc đó, dường như tâm lý của mình dường như từ từ rơi xuống vũng lầy. Mình bỏ học. Mình không làm bài, và kể cả có làm, đôi lúc tôi cũng chả buồn nộp. Đây thực sự không phải chốn dành cho mình… Dù vậy nó cũng không hoàn toàn là khoảng thời gian u tối và vô nghĩa. Mình đã gặp được những người bạn rất tốt, trong đó còn có một người đặc biệt đưa mình bước đầu đến với nghề đóng sách - đó là làm sổ tay", Hiếu trải lòng về quãng thời gian học Đại học của mình.
Cho đến giờ đây, thật khó để Hiếu nhớ ra cách bản thân đã đóng cuốn sổ đầu tiên, có lẽ là khâu kiểu Long-stitch. Thế nhưng khoảnh khắc lần đầu tiên đặt chân tới tiệm da thuộc lại là điều mà Hiếu chẳng thể nào quên được. Cảm giác kì cục, sự lúng túng khi không biết "pia" (1 square feet, kích cỡ khoảng 30x30cm) là gì khiến Trung Hiếu hỏi chủ tiệm mà cứ như nói thầm.
Cuốn sổ đầu, rồi đến cuốn thứ hai, thứ ba,...ra đời. Dẫu có hài lòng về sản phẩm nhưng Trung Hiếu vẫn muốn làm tốt hơn. Trong một lần tình cờ, Hiếu biết đến nghề đóng sách thông qua một kênh Youtube rất cũ - kênh Bookbinder's Chronicle của cô Mie H. Radcliffe cùng một phóng sự về xưởng đóng sách của John Newman & Son tại Dublin, Ireland. Ở thời điểm đó, Hiếu thấy được cách một xưởng đóng sách hoạt động, thấy được các dụng cụ chưa từng biết đến, các thuật ngữ chưa bao giờ được nghe. Tất cả thật mới lạ, thật đẹp mắt! Và hơn tất cả, hình ảnh người thợ đóng sách Dessie Smith tỉ mẩn hoàn thiện một cuốn sách là điều giúp chàng trai trẻ tuổi nhận ra: Đây chính là nghề mà bản thân muốn theo đuổi!
Mong muốn của người thợ đóng sách thế hệ mới
Để bắt đầu công việc đóng sách, Trung Hiếu xới tung các trang web để tìm tài liệu viết về Bookbinding. Từ các tài liệu cũ, những trang lưu trữ về ngành cho đến những blog riêng của những người thợ hay các cuộc thảo luận trên nhóm ở Facebook. Lặng lẽ tìm tòi mọi thứ một mình, phải mất đến 2 năm, Hiếu mới có thể làm ra "một cuốn sổ ra hồn".
Nghe câu chuyện của Trung Hiếu, chúng tôi chợt nhớ đến những sản phẩm đã thực sự mang được nét riêng biệt, ít nhất ở thời điểm hiện tại của anh chàng. Thật thà bộc bạch, Hiếu bảo rằng bản thân mới chỉ bắt đầu làm việc với sách từ năm 2019. Ở nước ngoài, ví như nước Anh, những người như Trần Trung Hiếu được biết đến như một thợ học việc và phải trải qua 7 năm, họ mới chính thức được lên làm thợ đóng sách.
"Thực tế để nói thì cho đến bây giờ, mình vẫn chưa thành thạo bất cứ kĩ năng nào trong nghề này. Thông thường 7 năm sẽ được lên thợ chính, nhưng với trường hợp của mình thì chắc còn dài…", Trung Hiếu khẽ cười và bảo.
Mỗi ngày làm việc của Trung Hiếu lại không giống nhau. Hiếu thường ghi các công đoạn đang làm dang dở trên tấm bảng làm việc và cập nhật thông tin trên đó mỗi khi đến xưởng. Trung bình, anh chàng thường mất khoảng 1 tuần để hoàn thiện một cuốn sách cơ bản. Đối với các cuốn sách đòi hỏi sự phức tạp trong trang trí và thiết kế, người thợ trẻ phải bỏ ra vài tuần, có khi vài tháng để hoàn thiện.
Vừa xếp lại những cuốn sách thật ngăn nắp, Hiếu vừa nói: "Đối với những cuốn sách đóng bằng tay mình sẽ phải chăm chút từng công đoạn, từ cấu trúc, cách làm, vật liệu bọc đều được sử dụng vật liệu chất lượng cao. Vì thế mà sách đóng bằng tay có thể nói rất bền và có khả năng phục chế lại được sau quãng thời gian dài".
Mỗi cuốn sách được đóng chỉnh tề lại mang theo những kí ức cảm xúc nhất định của Trung Hiếu bởi lẽ sẽ không có cuốn sách nào được làm giống nhau, nhất là những cuốn sách Hiếu tự thiết kế hay những cuốn sách cần "chữa lành". Mỗi lần làm sách, chàng trai trẻ ấy đều học được những điều mới, rút ra những bài học làm kinh nghiệm.
Khi được hỏi về những khó khăn khi làm nghề, Trung Hiếu trầm tư hơn. Nghề đóng sách không được coi là một nghề truyền thống ở nước ta. Thay vào đó là các quốc gia tại Châu Âu và Trung Đông. Đến với Việt Nam bởi người Pháp, nghề đóng sách cũng chết dần khi họ rời đi. "Cho đến hiện tại, vẫn chưa có một người thợ Việt nào có thể đóng một cuốn sách đúng chuẩn theo kiểu Pháp. Bắt đầu công việc này, những người như tôi đều phải bắt đầu với vốn kiến thức bằng không. Đồ đạc, dụng cụ để là nghề cũng rất hiếm hoặc không có. Hoặc khó khăn hơn rất nhiều nếu người thợ là một người trẻ, là sinh viên thì sẽ không có cách nào để sở hữu những dụng cụ chuyên dụng đắt tiền", Hiếu tâm sự về những khó khăn.
Kỹ thuật đóng sách không chỉ đòi hỏi nhiều thời gian mà còn phải dùng hàng loạt những dụng cụ bằng đồng và gỗ như khay xếp chữ, bếp dụng cụ, dụng cụ nét thẳng,... Thế nhưng, việc tìm mua dụng cụ tại Việt Nam là cả một thử thách với Hiếu. Chi phí đắt đỏ cộng thêm sự "hiếm" nên Trần Trung Hiếu đã phải bỏ ra một khoảng thời gian rất dài, nhập từng loại vật dụng cần thiết cũng như tự chế thêm dụng cụ cơ bản.
Dừng lại một chút, chúng tôi hỏi Hiếu về điều anh chàng cảm thấy bản thân đã may mắn. Trung Hiếu cười hiền và trả lời chính là vốn ngoại ngữ. Tiếng Anh của Trần Trung Hiếu khá tốt, đủ để anh chàng tiếp cận với các loại tài liệu nước ngoài hướng dẫn về nghề đóng sách dù cho Hiếu không có chỗ mình một người thầy giàu kinh nghiệm để chỉ dạy. Trung Hiếu đã biến chính những khó khăn trở thành niềm cảm hứng trong công việc.
Đối với Trung Hiếu, đóng sách bằng tay là sự trân trọng lớn nhất mà người thợ 23 tuổi dành cho một cuốn sách. Mặc dù mọi thứ đã có thể làm bằng máy móc và sách cũng đã được số hóa, nghề đóng sách thủ công lại vẫn có những nét giá trị riêng biệt với nhiều người.
Nhờ sự quan tâm ngày càng nhiều dành cho những phiên bản sách thủ công đặc biệt đến từ những người yêu thích sách và cả những nhà xuất bản, người thợ đóng sách trẻ không còn cảm thấy cô đơn trên hành trình của mình. Giờ đây, mong muốn giản đơn của người thợ ấy chỉ là lan tỏa nghề đóng sách đến với nhiều bạn trẻ. Trần Trung Hiếu luôn tin rằng các bạn trẻ Việt Nam vào một ngày không xa cũng sẽ ghi dấu ấn của mình trên những cuốn sách và mang chúng ra với thế giới.
Trung Hiếu bày tỏ: "Với mình, nghề đóng sách thỏa mãn rất nhiều thứ mình yêu thích. Các công đoạn đóng sách nhiều khi trở thành liệu pháp tâm hồn riêng của mình. Mình thực sự muốn các bạn thuộc thế hệ trẻ như mình hoặc sau nữa tiếp cận được với công việc đóng sách thủ công, cũng như giữ gìn được những cuốn sách cổ mà ông cha để lại".
Nguyễn Minh Anh
9/28/2024 12:06:43 PM
Chào Hiếu,mình xem trên mạng biết bạn là chuyên gia đóng lại sách cũ,mình muốn đóng lại mấy cuốn,có được k? Cho mình xin địa chỉ để mình mang sách đến nhé. Cảm ơn bạn
NGUYỄN DUY NGUYÊN
7/20/2024 11:52:02 AM
Chú chàoTrần Trung Hiếu, cháu có đóng lại những quyển sách cũ không ? Cho chú địa chỉ và số ĐT để tiện liên hệ nhé ! Chú là người mê đọc sách, hiện nay có rất nhiều sách cũ hỏng bìa cần phục chế lại nên cần sự giúp đõ của Hiếu. Chú chân thành cảm ơn ! Chú Nguyên sđt 0983 90 95 91
Cao Uy
6/16/2024 2:45:31 PM
Hanoi, 26.06.2024 Xin chào anh Trần Trung Hiếu! Qua thông tin trên mạng tôi được biết đến anh là một chuyên gia đóng sách cũ ở Hanoi. Tôi có một số sách cũ cần đóng lại. Vì thế xin anh cho biết địa chỉ để tôi mang sách đến nhờ anh làm giúp. Xin cảm ơn. Cao Uy (79 tuổi)