Những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội chia sẻ những hình ảnh về những chiếc phao cứu sinh đầu tiên được treo trên lan can cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cầu Nhật Tân nhận được sự quan tâm và cũng như những “mưa” lời khen của cộng đồng mạng. Trao đổi với Thanh Niên, anh Nguyễn Ngọc Khánh - Trưởng nhóm CLB Bơi Khám Phá đã có những chia sẻ về việc làm đầy tính nhân văn này với dự án “Tình yêu sông Hồng”.
PV" Ý tưởng treo phao cứu sinh trên các cây cầu bắc qua sông Hồng của nhóm tình nguyện bơi lội với tên gọi CLB Bơi Khám Phá được hình thành như thế nào?
Anh Nguyễn Ngọc Khánh: Việt Nam là một nước có đường bờ biển rất dài với 3260 km, mạng lưới sông, hồ dày đặc nhưng số lượng người biết bơi thì lại cực kỳ ít. Những định nghĩa từ trước đến giờ ở Việt Nam chỉ bám vào bể bơi và vô hình nó đã khiến cho mọi người lầm tưởng: mọi người bơi ở bể tức là mọi người đã biết bơi và đó là nguyên nhân chính gây ra sự chủ quan và khiến cho tình trạng đuối nước vẫn xảy ra hằng năm. Do vậy, xứ mệnh và ước mơ của nhóm tôi hiện tại là muốn đem bơi lội đến tất cả mọi người Việt Nam và bơi lội ở đây là bơi lội đúng nghĩa.
Ý tưởng treo phao chỉ là một phần nhỏ trong hành trình lớn của chúng tôi là hành trình thiện nguyện: “Tình yêu sông Hồng”. Hành trình này của nhóm chúng tôi bao gồm những nội dung: Thứ nhất, dạy bơi miễn phí cho mọi người đặc biệt là các cháu nhỏ; thứ hai, hướng dẫn các cách sơ, cấp cứu cho người bị đuối nước và cuối cùng là lắp đặt phao cứu sinh ở tất cả các cây cầu bắc ngang qua sông Hồng. Hành trình này được nhóm lên ý tưởng cách đây khoảng hơn 1 tháng và chuẩn bị trong vòng 2 tuần trước khi bắt đầu hành trình vào ngày 6.5. Hiện tại, dự án đã triển khai được khoảng 25% và hành trình bắt nguồn từ Lào Cai, dọc theo sông Hồng đến Thái Bình.
PV: Trong quá trình thực hiện dự án “Tình yêu sông Hồng”, nhóm gặp phải những khó khăn gì?
Anh Nguyễn Ngọc Khánh: Khó khăn lớn nhất của hành trình lần này là làm sao để tiếp cận được với các cơ quan chức năng, làm sao để cùng với họ phối hợp triển khai dự án với quy mô lớn hơn. Bởi, nếu như làm một cách nhỏ lẻ thì nó sẽ không đến được với nhiều người. Nhóm cũng đã liên hệ với các cơ quan và cũng phải qua rất nhiều các thủ tục nhóm mới có thể tiếp cận được.
PV: Nguồn kinh phí cho những chiếc phao cứu sinh là từ đâu?
Anh Nguyễn Ngọc Khánh: Dự án thiện nguyện “Tình yêu sông Hồng” nhóm có hai nguồn kinh phí: thứ nhất là các thành viên tự đóng góp; thứ hai, rất may mắn sau khi nhóm đăng tải thông tin về dự án một vài ngày trên mạng xã hội thì có bạn Tú Nguyễn – một doanh nhân trẻ thành đạt, thấy hoạt động này rất ý nghĩa thì đã thành lập quỹ với tên gọi: “Quỹ phát triển bơi lội Việt Nam – Mon Swimming” để tài trợ cho dự án. Số tiền Tú đã tài trợ cho chương trình là 200 triệu đồng. Với nguồn nhân lực và tài chính, nhóm hy vọng sau khi kết thúc dự án treo phao cứu sinh trên các cây cầu bắc qua sông Hồng, nhóm có thể thực hiện được ở những khu vực khác trên cả nước.
PV: Hiện nay, theo quan sát những chiếc phao cứu sinh đã ‘biến mất’ trên cầu Chương Dương, Nhật Tân. Vậy nhóm có những giải pháp gì để giảm thiểu tình trạng mất phao này?
Anh Nguyễn Ngọc Khánh: Nhóm đã in một dòng chữ nhỏ ở trên phao: “Phao cứu người, không lấy” với hy vọng những người khi có ý định lấy, họ đọc dòng chữ trên họ sẽ nghĩ lại. Với những chiếc phao bị mất, có thể sau một tuần nữa nhóm sẽ khảo sát xem bị mất bao nhiêu và nhóm sẽ kịp thời lắp lại và sẽ dán thêm một cái bảng nhỏ ghi chú, chỉ dẫn rõ ràng: “Phao này chỉ dùng trong những trường hợp khẩn cấp, vui lòng không đem về nhà” ở ngay bên cạnh cái phao thì mọi người có lẽ sẽ có ý thức hơn và sẽ để phao ở đúng chỗ và sử dụng nó đúng lúc.
PV: Anh suy nghĩ gì khi bên cạnh các ý kiến khen ngợi thì cũng có các ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng với việc làm của nhóm?
Anh Nguyễn Ngọc Khánh: Trước khi thực hiện dự án này nhiều người cũng đã có bình luận rồi. Nói là lắp làm gì, lắp xong rồi nó sẽ bị mất, lắp nó phí. Nhưng nhóm quyết định làm vì cộng đồng. Trong 100 cái phao được lắp thì chỉ cần 1 cái phao cứu được 1 người thôi thì cũng đã là hạnh phúc lắm rồi. Còn 99 cái có thể mất, không sao cả vì có 1 cái đã được hoạt động, nó đã cứu được một mạng người, điều đó rất đáng quý.
PV: Nhóm đã có kế hoạch gì để phát triển dự án trong tương lai?
Anh Nguyễn Ngọc Khánh: Hiện tại chúng tôi đang thực hiện dự án dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Thực ra dự án này là chia sẻ những kiến thức về bơi đúng nghĩa. Tôi không kỳ vọng là sau một buổi học các cháu sẽ biết bơi luôn mà tôi kỳ vọng sau một buổi đó những cháu tham gia sẽ có đủ kiến thức về những thông tin xung quanh bơi ở môi trường mở: làm sao để an toàn và những thông tin về các cách sơ, cấp cứu người đuối nước. Và nhóm cũng trích lại một phần quỹ để tặng kính bơi cho các cháu tham gia dự án này. Hy vọng các cháu đam mê bơi lội hơn, tập bơi nghiêm túc hơn và phụ huynh cũng hiểu rõ được cách giáo dục con cái về an toàn khi ra môi trường nước.
PV: Với dự án dạy bơi miễn phí cho trẻ em, nhóm nhận được phản ứng gì từ phụ huynh?
Anh Nguyễn Ngọc Khánh: Khi bắt đầu đăng tải nội dung về dạy bơi miễn phí thì phụ huynh cũng như mọi người đăng ký tham gia cũng không hiểu là mình sẽ học được cái gì ở đó, có một chút nghi ngờ, lo lắng. Tâm lý mọi người luôn muốn nhìn thấy người thật việc thật. Muốn nhìn tận mắt thì mới tin. Nhóm cũng đã tổ chức nhiều buổi dạy bơi miễn phí và các phụ huynh thậm chí còn tham gia trực tiếp với con mình luôn. Bởi họ thấy đây là những kiến thức mới mà con mình nên biết và thậm chí bản thân mình cũng cần phải biết biết. Trong tương lai nhóm cũng cố gắng tổ chức những buổi quy mô lớn hơn.
Trân trọng cảm ơn anh!
Phản hồi