Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2022, sáng 14/4/2022, tại bảo tàng Hà Nội diễn ra diễn đàn: “Vấn đề hôm nay: Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn”.
Tại diễn đàn, Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân cho rằng, chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Chuyển đổi số với rất nhiều thay đổi về công nghệ làm báo, với rất nhiều thay đổi hành vi của độc giả, không còn cách nào khác ngoài tích cực đi theo con đường số hóa và chuyển đổi số.
Ông Lê quốc Minh cho biết “Hiện nay nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số, nhiều cơ quan cho rằng đầu tư về trang thiết bị, phần mềm, công nghệ là đã đi trên con đường chuyển đổi số, nhưng thực ra không phải vậy. Chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người và tư duy, không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới mẻ, tạo ra những thông tin mới mẻ, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số”.
Ông cho rằng chuyển đổi số có nhiều yếu tố, nhưng lãnh đạo các cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn. Bên cạnh đó, để chuyển đổi số, các tòa soạn cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ digital, cũng như tạo ra môi trường để phóng viên phát triển sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược mà cơ quan mong muốn.
Đánh giá về mức độ chuyển đổi số với các cơ quan báo chí hiện nay, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Hiện nay, nhiều cơ quan đã có ý thức về chuyển đổi số; nhưng có điều lo ngại là họ chỉ nghĩ đơn giản rằng có trang web, trang điện tử đã là lên không gian số. Hiện một số báo cũng đã mở chức năng comment cho độc giả, nhưng lại không nắm được dữ liệu của độc giả, như vậy vẫn là chuyển đổi số chưa thành công, mới chỉ ở bề mặt”.
"Theo đó, hiện có sự thay đổi từ mô hình tổ chức đến làm báo, chúng ta phải chấp nhận sự tương tác, giám sát thậm chí lắng nghe phản biện rất mạnh từ cộng đồng; chúng ta cũng không phải là nguồn duy nhất phát thông tin nữa; vì vậy phải chuẩn bị cho một tâm thế làm báo kiểu khác; đây là điều mà nhiều cơ quan chưa sẵn sàng. Điều khó nhất chúng ta chưa dám “đụng vào” là mô hình tổ chức vì điều này liên quan đến con người, quyền lợi và rất nhiều vấn đề. Bởi vậy, nhiều cơ quan kể cả cơ quan lớn nói về chuyển đổi số để trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện rất hay, nhưng mô hình tổ chức gần như giữ nguyên. Chúng ta phải chấp nhận sẽ có những bộ phận nếu ko thay đổi sẽ không còn chỗ trong cuộc chơi “chuyển đổi số”. Đó là khó khăn chúng ta phải tháo gỡ dần dần”, ông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.
Cuối cùng ông Nguyễn Thanh Lâm đã khẳng định tầm quan trọng của nhà nước trong chuyển đổi số với các cơ quan báo chí, cụ thể nhà nước có vai trò tham gia hỗ trợ, dẫn dắt trong những vấn đề mà tự cơ quan báo chí không thể làm được, nhất là đầu tư nhà nước vào hạ tầng cho báo chí trên không gian số.
Phản hồi