Danh mục Thứ Bảy, 23/11/2024

Tiêu điểm \

Ký ức hoa lửa nơi Thành cổ của người lính Pháo binh Phùng Huy Thịnh

01:03 14-10-2024
Bước ra từ trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị, người lính Pháo binh Phùng Huy Thịnh trở thành nhân chứng lịch sử với những ký ức không thể nào quên.

Phóng viên (PV): Được biết, ông xuất thân là sinh viên khoa Văn chứ không phải là một người lính. Vậy, lý do nào đã khiến ông rời giảng đường đại học để lên đường chiến đấu?

Cựu chiến binh Phùng Huy Thịnh: Thời kỳ đó, trái tim tôi luôn có ấn tượng sâu đậm về tinh thần kiên cường chống Pháp của những người cha, người anh đã kiên cường ngã xuống để bảo vệ nền độc lập cho dân tộc. Nhưng có lẽ, lý do đặc biệt nhất phải kể đến đó là tình yêu với Bác Hồ. Dù Người đã mất nhưng những lời di huấn với những triết lý sâu sắc, thấm nhuần ý nghĩa lớn lao luôn cháy rực trong lòng mỗi thanh niên như tôi. Chính vì vậy, chúng tôi - những sinh viên Văn khoa, đã hạ quyết tâm phải lên đường chiến đấu, sẵn sàng thực hiện  lý tưởng cao đẹp với Tổ quốc thân yêu.

PV: Có thể nói, tinh thần yêu nước và lòng nhiệt huyết đã thôi thúc ông cùng nhiều thanh niên thời ấy luôn sẵn sàng thực hiện lý tưởng cao đẹp với Tổ quốc thân yêu. Lý tưởng ấy nên hiểu cụ thể ra sao, thưa ông? 

Cựu chiến binh Phùng Huy Thịnh: Khi bước vào chiến trường khốc liệt, chúng tôi mới thực sự thấu hiểu tình yêu đối với Tổ quốc là gì. Không còn chỉ là những khái niệm trừu tượng hay lý tưởng xa vời, Tổ quốc lúc đó hóa thành những hình ảnh thật gần gũi và thiêng liêng – đó là bố mẹ, anh chị em, là cô bạn gái đang chờ nơi hậu phương, là những đồng đội đã từng kề vai sát cánh, cùng nhau đối mặt với cái chết trong lửa đạn. Tổ quốc chính là những người thân yêu ấy. Giản dị thế thôi, không phải là một khái niệm bao la, mà là tất cả những gì mà chúng tôi đang chiến đấu để bảo vệ. Vì họ, họ chính là Tổ quốc của chúng tôi.

PV: Như vậy, chính từ những mong muốn giản đơn là bảo vệ được những người mình yêu thương đã thôi thúc ông lên đường?

Cựu chiến binh Phùng Huy Thịnh: Đúng là như vậy. Khi phát động phong trào tình nguyện, hàng nghìn sinh viên từ khắp miền Bắc đã sẵn sàng nhập ngũ. Chúng tôi bước đi trong niềm phấn khởi, với tâm hồn đầy quyết tâm. Những ngày chuẩn bị lên đường là những ngày tràn ngập cảm xúc: “Những tâm tình gửi lại trường giữ hộ/ Lời thầy dặn ghi vào trong trí nhớ/ Thương yêu nhiều nơi, ánh mắt, bàn tay.” Đó là những tình cảm của tuổi trẻ, của người ở lại trở thành một phần không nhỏ củng cố ý chí ra trận, muốn được chiến đấu để bảo vệ quê hương.

 

Người lính pháo binh Phùng Huy Thịnh. (Ảnh: NVCC)

PV: Tại mặt trận Quảng Trị, ông và đồng đội đã gặp phải những khó khăn nào?

Cựu chiến binh Phùng Huy Thịnh: Sau quá trình huấn luyện ngắn thì chúng tôi lên đường. Quãng đường từ miền Bắc vào đến Thành cổ không phải dễ dàng, chúng tôi phải hành quân đi bộ, đeo trên vai hơn 10 cân hành lý. Khi vào đến nơi, số lượng người cũng đã vơi mất khá nhiều. 

Trên chiến trường, mỗi lần chúng tôi bắn phá, chỉ có vỏn vẹn chục viên đạn, trong khi quân địch thì bắn tới cả nghìn viên. Ở Quảng Trị, sự chênh lệch lực lượng rõ rệt: chúng tôi lấy ít địch nhiều, lấy yếu chọi mạnh Nếu chúng tôi gặp phải bao nhiêu khó khăn thì địch lại có bấy nhiêu thuận lợi. Đó là sự thật phũ phàng, nhưng chúng tôi vẫn kiên cường bám trụ.

Tôi còn nhớ lần chuẩn bị đi trinh sát, cả sáu anh em ngồi quây quần ăn bữa cơm. Đột nhiên, đạn pháo địch nổ tung ngay đầu hồi. Sáu người đang ngồi quanh mâm, bốn người gục ngã, một đồng đội còn bị thương nặng đến mức ruột lòi ra. Trận đầu tiên ấy, cứ thế, tôi mất mấy người bạn cùng lúc, tôi khóc nức nở như trẻ con. Với tôi, những giọt nước mắt và dòng máu đổ xuống trong những năm tháng chiến đấu đó là điều không thể nào quên. 

PV: Điều gì đã giúp ông và đồng đội vượt qua được những khó khăn trong thời gian ấy? 

Cựu chiến binh Phùng Huy Thịnh: Những đêm ở Quảng Trị, chúng tôi nằm sát cạnh nhau trong chiến hào, nghe tiếng bom đạn rít qua đầu, cả đất rung chuyển. Nhiều lúc, chúng tôi chỉ biết nắm chặt tay nhau để động viên tinh thần, bởi cảm giác có thể bị chôn vùi dưới đất bất cứ lúc nào. Đó là những giây phút mà sự sống và cái chết trở nên mỏng manh vô cùng. Nhưng tình đồng đội, lòng quyết tâm giúp chúng tôi vượt qua những phút giây căng thẳng ấy.

Mặt trận Quảng Trị năm 1972 (Ảnh: NVCC) 

PV: Sau cuộc chiến, tỉnh Quảng Trị đã trở thành một địa chỉ đỏ cho lòng yêu nước. Là một người cựu chiến binh từng chiến đấu tại đây, ông có cảm nghĩ gì khi quay lại nhìn thấy sự phát triển của miền đất này?

Cựu chiến binh Phùng Huy Thịnh: Khi trở lại Quảng Trị sau chiến tranh, tôi thấy thật tự hào khi mảnh đất này đã hồi sinh. Những dấu tích của bom đạn giờ đã được thay thế bằng những công trình mới, những ngôi trường, bệnh viện. Quảng Trị không chỉ là nơi ghi dấu chiến công của bao thế hệ mà còn là biểu tượng cho sự vươn lên mạnh mẽ của cả dân tộc. Sự phát triển hôm nay chính là minh chứng cho tinh thần bất khuất của những con người đã từng nằm xuống ở nơi đây.

PV: Xin cảm ơn vì những chia sẻ của ông!

Thúy Ngân

Phản hồi