Mở đầu buổi triển lãm, Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đánh giá hoạt động văn hoá ý nghĩa của nghệ nhân Lê Đăng Toản: “Lần đầu tiên trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám tại khu Thái học có trưng bày sản phẩm làng nghề dệt lụa, giúp tái hiện một phần đời sống sinh hoạt của làng dệt lụa La Khê”.
Buổi lễ có sự góp mặt của ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương - nguyên Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Uỷ viên hội đồng di sản văn hoá quốc gia cùng các vị khách mời khác. Qua đó, nghệ nhân Lê Đăng Toản gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các vị đại biểu, khách quý, anh em, bạn bè đã đến dự động viên tinh thần, khích lệ các nghệ nhân giữ vững được ngọn lửa nghề cha ông để lại.
Buổi triển lãm đã trưng bày những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, từ các loại vải The, Sa, Lụa cho tới các bộ cổ phục như áo dài, áo ngữ thân,.... Mỗi hiện vật đều gắn liền với dòng chảy lịch sử và văn hoá của La Khê. Đặc biệt điểm nhấn của triển lãm là bộ khung cửi dệt vải phỏng cổ, cho phép khách tham quan trải nghiệm tự tay dệt vải, cảm nhận được sự tinh xảo và khéo léo của người thợ xưa.
Chia sẻ cảm xúc khi đến với sự kiện này, chị Nguyễn Phi Nga, 33 tuổi bày tỏ: “Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được tham gia buổi triển lãm này bởi đây là cơ hội quý giá để buổi triển lãm tôn vinh và gìn giữ được truyền thống lâu đời của nghề dệt lụa La Khê nói riêng và nghề dệt của Việt Nam nói chung.”
Nhằm chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô và tôn vinh ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, triển lãm không chỉ là sự kết nối với quá khứ mà còn là lời tri ân dành cho văn hoá truyền thống và tinh thần của Hà Nội. Triển lãm sẽ tiếp tục được mở cửa đến hết ngày 20/10 tại Khu nhà Thái học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Phản hồi